Cá voi cũng nhận con nuôi
Cá voi trơn trưởng thành và cá voi lưng gù non bơi trên mặt biển. Ảnh: Jess Wohling
Các chuyên gia phát hiện một con cá voi trơn phương nam (Eubalaena australis) ở Australia bơi cùng cá voi lưng gù (Megaptera novaeangliae) chưa trưởng thành. Họ nghi ngờ đây có thể là một ví dụ vô cùng hiếm gặp về nuôi con khác loài, trong đó cá voi trơn trưởng thành đóng vai trò mẹ nuôi với con non không có quan hệ ruột thịt, Live Science hôm 3/11 đưa tin.
Jess Wohling, nhiếp ảnh gia ở Esperance, bang Western Australia, ghi hình đôi cá voi khác thường bơi dọc bờ một bãi biển gần đó. Nhưng mãi tới khi xem lại thước phim, cô mới nhận ra con non không cùng loài với con cá voi trưởng thành bơi bên cạnh. Wohling gửi cảnh quay cho Katy Fannei, nhà nghiên cứu ở Dự án cá voi trắng nhỏ tại Australia, chuyên theo dõi cá voi trơn phương nam trong khu vực, khiến ông rất bất ngờ.
Fannei cho rằng cá voi trơn trưởng thành nhận nuôi cá voi lưng gù non và thước phim là bằng chứng đầu tiên về hai loài này trong quan hệ như vậy. Khoảng cách gần gũi giữa cá voi trưởng thành và con non gần như giống hệt những đôi mẹ ruột và con non khi bơi cùng nhau.
Erich Hoyt, nghiên cứu viên tại tổ chức Bảo tồn cá voi và cá heo tại Anh, cũng đồng ý đây là hành vi nhận nuôi con khác loài. Dù cực kỳ hiếm gặp, điều này không phải không thể xảy ra. Nếu đây là hành vi nhận nuôi, nhiều khả năng cá voi lưng gù non bị lạc khỏi mẹ hoặc cá voi mẹ đã chết trước khi nó phát triển đầy đủ. Cá voi lưng gù non thường ở với mẹ trong 11 - 12 tháng đầu đời. Theo Hoyt, cá voi non mồ côi có thể tiếp nhận một con cá voi tấm sừng kích thước tương tự làm mẹ.
Các nhà nghiên cứu cũng không loại trừ khả năng cá voi trơn trưởng thành bị mất con non gần đây. Nếu đúng vậy, nó có thể nghe thấy tiếng kêu đau buồn của cá voi lưng gù non và bơi tới giúp. Hoyt đã gặp một số ví dụ về cá voi sát thủ (Orcinus orca) có hành vi nhận nuôi tương tự. Trong những trường hợp này, cá voi sát thủ cái nhận con non mồ côi từ đàn khác và đưa về đàn của nó. Theo Hoyt, có thể cá voi lưng gù tách khỏi mẹ và tìm con cá voi khác để bơi theo.
Fannei và cộng sự đang tìm cách xác định con cá voi trơn trưởng thành để kiểm tra liệu họ có thể tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử nuôi con của nó hay không và khoanh vùng vị trí của đôi cá voi.
Đây không phải lần đầu tiên cá voi thuộc hai loài riêng biệt hình thành quan hệ gia đình. Năm 2018, nhóm nghiên cứu gần sông St. Lawrence ở Quebec, Canada, bắt gặp một con kỳ lân biển non (Monodon monoceros) sống giữa đàn cá voi trắng (Delphinapterus leucas), theo Hiệp hội Sea Watch. Kỳ lân biển non ở cách quê nhà tại Bắc Cực khoảng 1.000 km, vì vậy các chuyên gia cho rằng nó bị lạc đường trong khi di cư. Năm 2013, một đàn cá nhà táng (Physeter macrocephalus) ở Azores thu hút nhiều sự chú ý khi kết bạn với cá heo mũi chai (Tursiops truncatus) dường như bị dị dạng cột sống. Các nhà nghiên cứu cho rằng nó được nhận nuôi sau khi bị đàn của chính nó bỏ rơi.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ca-voi-tron-nuoi-ca-voi-lung-gu-mo-coi-me-4531797.html