Bố là tất cả đối với con!
Lớn lên, khi đã phải tự lập, nhất là khi đã có gia đình, bỗng những vất vả, toan lo một thời của bố từ đâu lại cứ thế nhắc nhở, ùa về trong trái tim tôi day dứt. Là những năm, một mình bố với chiếc xe đạp thống nhất cũ đã sờn khung lên tận mạn ngược mua nứa về để bán. Những tháng ngày giáp hạt, trưa nào tôi cũng đứng đợi ở chân cầu bên kia bắc qua khúc sông quê về làng để phụ đẩy xe khoai, xe sắn nặng trĩu bố mua về cho mẹ quẩy đi bán dạo khắp làng khắp xã. Ngày hè nắng như đổ lửa, vào vụ gặt, mình bố lại tay vác tay thồ những đon lúa to ụ về chất giữa sân. Rồi cứ thế, từng đon lúa lại được bố kẹp trong chiếc kẹp tre, nâng lên đập vào chiếc cối đá. Mồ hôi bố lã chã rơi trên mặt sân cùng những hạt lúa mẩy tròn, vàng óng.
Bố yêu thương anh em tôi bằng tình yêu mộc mạc mà sâu nặng của một thời khốn khó. Dù thi thoảng chỉ là một trái dưa chuột, một ổ bánh mì cắt làm tư khi bố đi làm, mua về chia cho các con, vậy mà anh em tôi cứ thế ăn ngon lành, nhớ mãi! Những đêm hè nước cạn, tối đến, bố lại tranh thủ đi soi cá ngoài đồng kiếm thêm thức ăn cho cả nhà. Những đêm mưa gió bão bùng, bố khoác lên mình tấm áo tơi tận dụng từ vỏ bao phân đạm, cứ ra vào thăm hết chuồng gà đến chuồng bò, ngó nghiêng lên mái hiên nhà đã cũ. Bố dành chiếc giường duy nhất, cũng là nơi không bị mưa dột cho anh em tôi co tròn trong hơi thở đều đều, say giấc. Mình bố, cả đêm ngồi trầm ngâm bên ngọn đèn dầu phập phù, vàng vọt. Vui nhất là vào dịp tết, anh em tôi lại được bố cho tiền mua áo mới, cùng ngồi dạng chân trên chiếc gác ba ga xe đạp dài ngoằng, ôm chặt lấy nhau trong điệu nói cười ríu ran khi được bố chở đi chơi.
Bố dạy anh em tôi nên người bằng những điều hay lẽ phải, thậm chí bằng cả những đòn roi đến giờ vẫn còn hằn in trong tâm trí. Nhỏ thì bố dạy cho biết quét nhà, rửa bát sao cho sạch; sắp xếp đồ đạc trong nhà sao cho gọn gàng, ngăn nắp; anh em sống phải biết yêu thương, thuận hòa, có trên có dưới... Lớn lên, ngoài phải chăm chỉ học tập, bố còn dạy anh em tôi biết yêu lao động, biết quý trọng những thành quả có được từ những giọt mồ hôi mặn chát; biết đối nhân xử thế sao cho phải đạo… Tôi còn thuộc lòng cả bài đánh đòn gồm bao nhiêu bước của bố mỗi khi anh em tôi ở nhà tị nạnh chẳng chịu nấu cơm, rửa bát; khi trêu chọc khóc lóc inh ỏi; hay trộm vặt, chơi những trò tai quái để hàng xóm quở trách…
Một đời cực nhọc cho gia đình, bố dường như chẳng có những sở thích, những đòi hỏi cao xa nào cho riêng mình. Đến giờ, khi các con đã trưởng thành, bố vẫn mộc mạc nét chân quê. Trên mái đầu lơ thơ sợi đen sợi bạc của bố vẫn là chiếc mũ cối thân thương. Khoác trên đôi vai gầy guộc, tấm lưng đã khom khom của bố thường là chiếc áo quân phục giản dị. Và gắn bó với đôi bàn chân to bạnh, khum khum của bố không gì khác là đôi dép tổ ong bằng nhựa. Bố bảo “Bố ăn mặc thế quen rồi, miễn là mình thấy hợp, thấy thoải mái. Giờ có tuổi rồi, với lại ở quê cũng không nhất thiết phải cầu kỳ làm gì!”. Anh em tôi cũng chẳng có gì phải ngại ngần với chúng bạn, miễn là bố cảm thấy vui!
Giờ mỗi lần về quê, mấy cô bác hàng xóm tới chơi lại xúm nhau bảo: “Bố mẹ cháu ngày xưa khổ nhất làng, nay lại sướng nhất làng đấy!”. Tôi chẳng biết giờ bố có thật là người “sướng nhất làng hay không”, chỉ biết khuôn mặt bố chẳng còn khó đăm đăm như ngày xưa, bố cười nhiều hơn, kèm theo đó là những câu nói vui tếu táo,… Và rồi mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, trước khi cúp máy, kiểu gì bố cũng hỏi những câu mà vợ chồng tôi đã thuộc làm lòng, rằng: “Ăn hết gạo chưa để bố gửi xe vào! Cuối tuần nhớ gọi điện về cho bố nhé. Hè này, tết này, cả nhà có về quê chơi không?”. Nếu như trước đây, chắc là tôi sẽ chẳng mấy quan tâm, thậm chí cảm thấy khó chịu trước những lời nói cứ lặp đi lặp lại đến đơn điệu như thế. Nhưng rồi tôi lại cứ rưng rưng xúc động xen lẫn hạnh phúc khi nhận ra đằng sau những câu nói đơn điệu ấy của bố là nỗi nhớ, là tình yêu thương sâu nặng bố dành cho con cháu. Thì ra bố vẫn thế, bố là thế. Bố là tất cả. Là máu mủ, là gia đình, là quê hương yêu dấu!
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/bo-la-tat-ca-doi-voi-con-nw229495.html