Biến chủng nCoV Ấn Độ phá hỏng chiến dịch tiêm vaccine tại Anh
Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã không quyết liệt áp lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ Ấn Độ ngay từ đầu, dù số ca nhiễm biến chủng nCoV B.1.617 tăng vọt tại nước này. Các nhà khoa học và cố vấn y tế lo sợ rằng "pháo đài" Anh đã bộc lộ điểm yếu trước biến chủng từ Ấn Độ, đồng thời bày tỏ hoài nghi về khả năng ứng phó của chính phủ Anh nếu một biến chủng nguy hiểm hơn xuất hiện.
Từng bị Covid-19 nhấn chìm với số ca tử vong cao nhất châu Âu, Anh nhanh chóng đặt cược vào vaccine để thoát đại dịch. Nước này nằm trong nhóm quốc gia có chương trình tiêm chủng với quy mô và tốc độ dẫn đầu thế giới.
Trong nửa năm qua, Anh đã cho tiêm hơn 59,2 triệu liều vaccine Covid-19, đủ khả năng bảo vệ hơn 44,3% dân số cả nước. Với kết quả này, chính phủ Anh hứa hẹn sẽ đưa cuộc sống của người dân về gần với mức bình thường nhất có thể vào tháng tới.
Nhưng tuần này, giới chức Anh xác nhận biến chủng B.1.617 đã lây lan ở 86 khu vực của nước này, trong đó có các vùng ở tây bắc Anh và Glasgow, thành phố lớn nhất Scotland. Dù Thủ tướng Johnson nói rằng cho tới nay chưa có bằng chứng cho thấy Anh cần gia hạn lệnh phong tỏa vì B.1.617, ông vẫn cảnh báo về khả năng trì hoãn dỡ bỏ các hạn chế chống dịch.
Đức cuối tuần trước tuyên bố sẽ áp các hạn chế mới với Anh. Kể từ ngày 23/5, người đến từ Anh sẽ phải cách ly hai tuần khi tới Đức, ngay cả khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính. Các công ty vận tải chỉ được phép đưa công dân Đức trở lại nước này.
"Chúng ta cần ứng phó nhanh hơn. Không thể chờ đến lúc xác nhận chắc chắn về hiểm họa bệnh dịch tại Anh hoặc một địa điểm bên ngoài mới hành động", Paul Hunter, chuyên gia y khoa tại Đại học East Anglia, nhận định về việc Anh chậm trễ cấm nhập cảnh từ Ấn Độ.
Những tính toán thương mại có thể đã trì hoãn quyết định đóng biên với Ấn Độ của chính phủ Anh. Vào cuối tháng 3, khi Covid-19 tại Ấn Độ diễn biến ngày một phức tạp, đội ngũ cố vấn của Thủ tướng Johnson vẫn cam đoan rủi ro trong phạm vi kiểm soát. Cố vấn cấp cao chính phủ Anh Edward Lister khi đó vẫn đang ở Mumbai, đàm phán một số thỏa thuận thương mại quan trọng với Ấn Độ, từ vật tư y tế đến quốc phòng.
Những thỏa thuận do Lister chuẩn bị sẽ được ký kết khi Johnson lên kế hoạch tới thăm Ấn Độ vào tháng 4. Thủ tướng Anh kỳ vọng chuyến công du đầu tiên trong kỷ nguyên "hậu Brexit" sẽ mở ra một chương mới cho chính sách thương mại quốc gia, tạo bước đà đàm phán thỏa thuận tự do thương mại toàn diện Anh - Ấn.
Các nhà ngoại giao và trợ lý đã thuyết phục Johnson giữ kế hoạch đàm phán thương mại với Ấn Độ, bất chấp những lo ngại dịch tễ từ đội ngũ cố vấn khoa học chính phủ. Khoảng một tuần trước chuyến thăm, tỷ lệ lây nhiễm tại Ấn Độ bắt đầu nhảy vọt, nhưng đội ngũ của Thủ tướng Anh tiếp tục xem nhẹ tình hình. London không muốn hoãn lịch công du của Johnson thêm lần nữa, đặc biệt khi Lister báo cáo nỗ lực tiền trạm đã thành công.
Đầu tháng 4, ủy ban chuyên trách về Covid-19 của chính phủ Anh đưa Pakistan và Bangladesh "danh sách đỏ" hạn chế nhập cảnh vì nguy cơ dịch bệnh. Ấn Độ vẫn nằm trong diện cần tiếp tục theo dõi, dù quốc gia Nam Á được dự báo sớm trở thành tâm dịch lớn thứ hai thế giới. Giới chức Anh lập luận dữ liệu tư vấn cho chính phủ thời điểm đó thiếu hoàn thiện và họ không muốn quyết định khi chưa nắm rõ thông tin khoa học.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại phiên họp quốc hội vào ngày 19/5. Ảnh: Quốc hội Anh.
Thiếu thông tin không phải lý do duy nhất Anh đưa ra để không đưa Ấn Độ vào "danh sách đỏ". Nhiều quan chức lo ngại rằng nếu Anh lúc đó quyết định đóng biên với Ấn Độ, làn sóng công dân hồi hương đe dọa đẩy hệ thống sân bay và cơ sở cách ly vào tình cảnh quá tải, khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát giấy tờ nhập cảnh và nguy cơ lây nhiễm của hành khách. Một nguồn tin tiết lộ chính phủ còn lo ngại không đủ giường khách sạn cách ly cho công dân Anh.
Sau một tháng theo dõi tình hình, ngày 14/4, Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo chuyến công du Ấn Độ được thu hẹp quy mô từ 4 ngày còn một ngày. Gần một tuần sau, khi làn sóng Covid-19 thứ hai đẩy Ấn Độ vào khủng hoảng, Thủ tướng Anh quyết định hủy lịch trình công du.
Anh đưa Ấn Độ vào danh sách cấm nhập cảnh ngày 19/4, nhưng lệnh được hoãn thi hành 4 ngày và đến rạng sáng 23/4 mới bắt đầu có hiệu lực. Quyết định trì hoãn thực thi nhằm giảm áp lực cho các cửa khẩu trước làn sóng người từ Ấn Độ nhập cảnh vào Anh.
"Đáng ra Ấn Độ phải được đưa vào danh sách đỏ ngay từ đầu", chuyên gia Hunter chia sẻ, đồng thời đánh giá việc chậm đóng biên cộng với quyết định gia hạn 4 ngày cho người từ Ấn Độ đổ vào Anh đã khiến tình hình phức tạp hơn.
Đóng biên chậm trễ đã khiến Anh phải trả giá khi B.1.617 dần biến thành biến chủng chủ đạo ở nước này. Giữa tháng 5, hội đồng cố vấn khoa học cho chính phủ Anh (SAGE) nhận được mô hình dự báo biến chủng từ Ấn Độ có khả năng lây lan cao hơn biến chủng B.1.1.7 tại Anh khoảng 50%. Anh đứng trước nguy cơ làn sóng dịch bệnh nguy hiểm hơn cả giai đoạn đỉnh dịch vào mùa đông vừa qua.
Trong thời gian qua, chính phủ Anh vẫn loay hoay nới lỏng rồi lại siết chặt trở lại lệnh giãn cách xã hội nhằm ứng phó lây nhiễm cộng đồng. Lời hứa đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường vào tháng 6 ngày một bấp bênh.
Theo Mark Woolhouse, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, nguy cơ B.1.351, biến chủng nCoV từ Nam Phi, xâm nhập và lây lan tại Anh sẽ gây lo lắng nhiều hơn cả đợt bùng phát biến chủng từ Ấn Độ.
Đột biến ở B.1.351 có thể vô hiệu hóa một số tác dụng từ vaccine. Những biến chủng như B.1.351 hay B.1.617 sẽ tiếp tục là mối đe dọa "bình thường" trong đại dịch Covid-19 và đòi hỏi các chính phủ hành động quyết liệt khi phát hiện rủi ro, cho đến khi chủng virus gây nên đại dịch được khống chế toàn cầu.
"Tình cảnh hiện nay vốn đã nằm trong dự đoán. Trong khoảng 6 tháng nữa, tôi dám chắc chúng ta sẽ lại bàn tán về một biến chủng mới", Woolhouse cảnh báo.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3161025