Bí quyết tạo mảng xanh cho không gian bếp
Thường xuyên gắn bó với gian bếp trong mùa giãn cách, bạn có thể làm mới không gian quen thuộc của mình bằng những chậu cây.
Bên cạnh mục đích làm đẹp, 5 loại cây được gợi ý dưới đây sẽ giúp căn bếp của bạn được khử mùi dầu mỡ. Một số cây được dùng làm gia vị trong các món ăn. Tùy vào cách bố trí không gian của mỗi căn bếp, bạn có thể lựa chọn loại cây trồng khác nhau.
Thường xuân
Thường xuân là một trong những cây dễ trồng trong nhà nhất. Loại cây này có thể phát triển trong các môi trường khác nhau, bao gồm cả không gian phòng bếp của bạn.
Theo nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ), thường xuân có khả năng loại bỏ độc tố khỏi không khí trong nhà bếp của bạn.
Là loại cây dây leo, bạn có thể trồng trong giỏ hoặc đặt ở những tủ, kệ cao để chúng rủ xuống.
Cách chăm sóc:
Thường xuân là loại cây tốn ít công chăm sóc và có thể thích nghi với nhiều điều kiện ánh sáng và độ ẩm. Tuy nhiên, bạn nên bổ sung nước cho cây khi 5 cm bề mặt đất đã khô. Xuân, hè là thời điểm cây cần nhiều nước hơn mùa đông.
Bạn nên bón phân cho cây 3-4 tháng/lần. Tùy vào sở thích, bạn có thể cắt tỉa cây dài ngắn tùy thích.
Nếu thân cây xuất hiện những lá xoăn, bạn cần đưa chúng đến chỗ ẩm ướt hơn.
Húng quế
Một chậu cây húng quế vừa trang trí vừa sử dụng để chế biến món ăn là gợi để bạn tạo mảng xanh cho căn bếp.
Nhờ hợp chất linalool, mùi thơm của húng quế sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, lo lắng.
Là loại cây gia vị, bạn có thể sử dụng lá húng quế trong một số món ăn và nước giải khát. Nó làm món ăn của bạn thêm hương vị và đẹp mắt hơn.
Cách chăm sóc:
Húng quế là loại cây ưa sáng, vì thế hãy đặt chúng cạnh cửa sổ, hoặc thường xuyên đem ra phơi nắng.
Húng quế là loại thảo mộc của mùa hè nên nó phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ấm áp. Bạn nên đặt nó tránh xa luồng gió lạnh hoặc không khí khô.
Bạn nên giữ cho đất của cây có độ ẩm đều. Thường xuyên cắt tỉa lá sẽ giúp cây phát triển tốt hơn.
Nha đam
Nha đam là loại cây lý tưởng để trồng trong không gian phòng bếp với sức sống mạnh mẽ.
Cây mọng nước, cứng cáp và dễ chăm sóc. Hơn nữa nếu rủi ro bị cắt vào tay hay bỏng khi nấu ăn, bạn có thể sử dụng phần nhựa cây để thoa vào vết thương. Nó sẽ làm dịu vết cắt hay vết bỏng.
Cách chăm sóc:
Nha đam thích hợp sống trong điều kiện khô cằn nên bạn chỉ cần tưới nước khi đất đã khô hoàn toàn.
Bạn nên trồng cây trong chậu đất nung hoặc vật liệu xốp giúp cây dễ thoát nước.
Để nha đam giữ được màu xanh và mọc cân đối, bạn tránh đặt cây ở nơi có ánh sáng trực tiếp và xoay cây định kỳ.
Hương thảo
Đặt hương thảo trong gian bếp, loại cây này không chỉ tạo mảng xanh mà còn là gia vị trong các món ăn của bạn.
Mùi hương của loại thảo mộc này có công dụng tuyệt vời trong việc đuổi muỗi và côn trùng.
Hơn nữa, trồng hương thảo trong nhà có lợi cho việc tư duy và ghi nhớ tốt hơn.
Cách chăm sóc:
Khi trồng trong nhà, bạn nên đặt cây ở cửa sổ hướng Nam.
Trồng cây trên đất cát, thoát nước tốt. Là loại cây có nguồn gốc từ các sườn đồi đá ở Địa Trung Hải, hương thảo sẽ không phát triển tốt nếu rễ bị úng nước.
Bạn chỉ nên tưới nước cho cây khi đất đã khô hoàn toàn.
Chuỗi ngọc trai
Đúng như tên gọi, thân cây là các dây dài với những hạt nhỏ mọng nước màu xanh như các hạt ngọc được xâu lại thành chuỗi.
Chuỗi ngọc trai có thể dài ít nhất 1 m, khi trưởng thành. Bạn có thể đặt cây trên giá cao hoặc treo trong giỏ để chúng rủ xuống.
Cách chăm sóc:
Bạn tránh trồng cây trong chậu có gắn đĩa, vì nó sẽ dẫn đến úng nước.
Mặc dù có nguồn gốc từ các sa mạc ở châu Phi, chuỗi ngọc trai ưa ánh sáng gián tiếp.
Bạn nên để đất khô trước mỗi lần tưới. Nếu tưới quá nhiều nước, chuỗi ngọc trai sẽ bị thối rữa.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3206054