Bánh khẩu xén Điện Biên, ăn một lần nhớ mãi
Nghề làm bánh khẩu xén trên địa bàn thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên đã xuất hiện từ rất lâu gắn liền với đời sống văn hóa của người dân tộc Thái trắng. Bánh khẩu xén được sản xuất nhiều nhất và ngon nhất là ở xã Lay Nưa của thị xã Mường Lay.
Bà Ngô Thị Hiền, bản Bắc 2, xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) là một trong những nông dân sản xuất tiêu biểu, nắm bắt được lợi thế nghề truyền thống đã phát triển sản phẩm bánh khẩu xén thành thứ hàng hóa đặc sản bán ra thị trường.
Đến thị xã Mường Lay, ta nghe rộn rã tiếng chày giã bánh khẩu xén khắp các bản cao, bản thấp. Bánh khẩu xén như một loại bánh cổ truyền mà người ta mang ra đãi khách đến chơi nhà hay làm món quà biếu cho người phương xa.
Vài năm gần đây, bánh khẩu xén không còn là một món ăn chơi mà nó đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Điện Biên nói chung, của thị xã Mường Lay nói riêng. Sản phẩm bánh khẩu sén được phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc sản và được bán rộng rãi trên thị trường.
Giờ đây, mỗi khi nhắc đến đặc sản Điện Biên, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm bánh khẩu xén thơm ngon, ngậy ngọt, giòn rụm.
Bà Ngô Thị Hiền là một trong những hộ nông dân sản xuất bánh khẩu xén với số lượng lớn tại thị xã Mường Lay. Mỗi năm, cơ sở sản xuất bánh khẩu xén của bà Hiền cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 2 tấn bánh khẩu xén, đem lại nguồn thu cho gia đình cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ nghề làm bánh khẩu xén truyền thống đã mang lại cho gia đình bà Hiền thoát nghèo, ổn định kinh tế, đời sống gia đình được nâng cao.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Trangtraiviet.vn, bà Hiền cho biết: "Khẩu xén là loại bánh như bánh phồng tôm nhưng chắc và dai hơn. Bánh có thể được làm từ hai loại nguyên liệu là gạo nếp hay củ sắn tươi. Bánh khẩu xén làm từ gạo nếp cẩm có màu đen, gạo nếp nương có màu trắng, pha thêm gấc để có màu vàng, thêm màu của cây cơm nếp để có màu tím... Đậm đà hơn là bánh khẩu xén làm từ sắn tươi, loại sắn nạc chỉ có ở thị xã Mường Lay thì có vị đặc trưng, thơm ngon vô cùng, ai thưởng thức qua một lần đều nhớ mãi".
Bột nếp sau khi đồ chín được cán cho mỏng, sau đó đem phơi qua rồi cắt nhỏ.(ảnh IT)
"Bánh khẩu xén làm bằng củ sắn tươi tốn nhiều công phu hơn. Đầu tiên củ sắn tươi đem về phải gọt vỏ, rồi nạo nhỏ ra trộn với gấc, sau khi đồ thật kỹ thì đem xay nhỏ, cán mỏng, phơi qua rồi cắt thành từng miếng nhỏ, sau đó mới phơi tiếp cho đến khi bánh thật khô" bà Hiền cho biết thêm.
Từ khi tham gia OCOP và có thương hiệu, sản phẩm bánh khẩu xén được các doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết với bà con nông dân liên kết sản xuất vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại rễ dàng truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm bánh khẩu xén đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều chính sách kịp thời từ UBND tỉnh Điện Biên, đến nay sản phẩm bánh khẩu xén đang được sản xuất và tiêu thụ ổn định trên thị trường.
Bánh khẩu xén sau khi cắt nhỏ mang đi phơi nắng cho thật khô.(ảnh IT)
Khẩu có nghĩa là gạo, xén có nghĩa là cắt. Bánh khẩu xén được cắt theo hình bình hành, nhỏ bằng 2 ngón tay, nhiều mầu sắc bắt mắt. Bánh khẩu xén khi rán lên nở phồng, giòn tan, thơm ngậy, đậm đà hương vị của gạo nếp, sắn tươi. Với cách chế biến đơn gian, dễ sử dụng. Bánh khẩu xén ngày càng được nhiều người tiêu dùng đón nhận là sản phẩm đặc sản của Điện Biên.
Hiện nay, cơ sở sản xuất của bà Hiền cũng như nhiều hộ nông dân sản xuất tại thị xã Mường Lay đang thực hiện liên kết sản xuất với Hợp tác xã Lay Nưa để sản xuất, phân phối bánh khẩu xén theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương tới các tỉnh thành trong cả nước. Từ đó, giúp tạo công ăn, việc làm và tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.
Sản phẩm bánh khẩu xén được bầy bán nhiều tại các cửa hàng sản phẩm nông nghiệp sạch tỉnh Điện Biên.
Sau nhiều nỗ lực gây dựng thương hiệu, đến nay, bánh khẩu xén sản xuất theo chuỗi ở thị xã Mường Lay chính thức được công nhận là thực phẩm sạch. UBND tỉnh Điện Biên cũng như chính quyền thị xã Mường Lay đang tích cực xây dựng đề án phát triển nghề làm bánh khẩu xén truyền thống, không chỉ mở rộng tiêu thụ sản phẩm bánh khẩu xén trong nước mà còn tham gia xuất khẩu.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2911425