Bạn sẽ chọn điều gì, sống để tồn tại hay thay đổi cho cuộc đời tỏa sáng?
Tôi từng được đọc trên Internet câu chuyện về cuộc đời của chim đại bàng. Chim đại bàng vốn dĩ có thể sống trên 70 tuổi. Nhưng để sống được đến tuổi đó, đại bàng phải trải qua một sự lựa chọn vô cùng khốc liệt vào khi nó tầm 40 tuổi “Chết hoặc thay đổi”.
Đại bàng buộc phải lựa chọn, bởi khi đến tuổi đó, chiếc mỏ của nó cong xuống, yếu ớt, không đủ tính sát thương để săn mồi, móng vuốt ở hai chân cũng dài ra không còn linh hoạt để cắp giữ con mồi, bộ lông theo năm tháng đã dày lên và bết dính lại khiến nó bay lượn khó khăn. Nếu không thay đổi, sự sống của đại bàng sẽ bị đe dọa và rất sớm đối diện với sự tự hủy diệt. Còn nếu thay đổi, thì nó sẽ phải trải qua gần nửa năm đau đớn, mỗi ngày tự phải đập mỏ mình vào vách đá, để chiếc mỏ già cỗi kia gãy rụng, nó phải chờ đợi để mỏ mới mọc ra, cứng cáp, sau đó dùng chiếc mỏ mới ấy bẻ gãy các móng nhọn ở chân và dứt bớt bộ lông nặng nề của mình. Thành quả của những đau đớn mà đại bàng phải trải qua là nó có thể sống tiếp 30 năm cuộc đời với sự tái sinh như thế.
Cuộc đời con người cũng giống như cuộc đời của chim đại bàng vậy. Mỗi người có thể sống 70 năm hoặc hơn. Nhưng sự lựa chọn “chết” hay là thay đổi thì có lẽ phải sớm hơn, phải ngay từ những năm thanh xuân tuổi trẻ. Điều khác biệt nữa là sự lựa chọn của con người không khốc liệt như chim đại bàng. Bởi nếu con người không “thay đổi” như chim đại bàng, con người chưa hẳn phải đối diện với sự hủy diệt, ngược lại vẫn có thể sống như bao người khác. Và vì sự lựa chọn không khốc liệt, nhiều người trẻ còn có những chỗ dựa vững chắc, nên không ít người trong số đó đã không chịu thay đổi.
Tôi từng bắt gặp rất nhiều những người trẻ có lối sống tùy tiện, không tuân theo một thứ kỉ luật nào. Họ đam mê rất nhiều, đa phần là những thứ vô bổ Không ít người trẻ có thói quen lười biếng, ỷ lại. Lười hoạt động, lười suy nghĩ, lười làm việc, nhanh bỏ cuộc, dựa dẫm vào người khác... là những biểu hiện thường thấy ở kiểu người này.
Lười biếng, ỷ lại sẽ khiến con người không tạo nên được giá trị cho bản thân, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Lười biếng, ỷ lại sẽ làm bào mòn ý chí, ăn mòn sức sáng tạo, dễ thất bại trong mọi việc, không chạm đến thành tựu lớn lao. Cuộc sống vì thế mà không có được ý nghĩa đích thực.
Không ít người trẻ mê game. Họ dành phần lớn thời gian của 24 giờ để chơi game. Họ coi việc lên cấp, lên top như là mục tiêu phấn đấu mỗi ngày. Cảm xúc của họ, cũng theo game mà thay đổi, thắng game thì vui, thậm chí hét toáng lên ngay chốn đông người, ngay trong lớp học... thua game thì bực bội, cáu gắt trong bất cứ hoàn cảnh nào... Họ đâu biết rằng, khi nghiện game, họ không chỉ bị đánh cắp thời gian và sức lực mà còn để lại những di chứng về tinh thần.
Chơi game có thể thay đổi cảm xúc và suy nghĩ, thậm chí định hướng cuộc sống của người chơi. Điều này dễ dẫn đến sự nhận thức sai về giá trị sống, hình thành lối sống tiêu cực như ích kỉ, vô cảm, lạnh lùng.
Không ít người trẻ thích chơi bời, tụ tập. Dĩ nhiên, ai cũng cần có bạn bè và cần có những phút giây tập họp bạn bè vui vẻ, tăng sự kết nối. Nhưng có những người trẻ lại quá thường xuyên đến vũ trường, quán bar,...để tìm cảm giác mạnh, hay để khẳng định mình.
Có người thậm chí “đốt” cả tháng lương của mình vào nơi đó. Họ tạo ra những giá trị “ảo” cho bản thân khi nghĩ rằng kẻ nào nhiều tiền mới có thể đến đây, kẻ nào càng nhiều tiền kẻ đó càng có giá trị. “Đốt” tiền để mua vui, bán thời gian để hưởng thụ. Họ không biết là người thông minh thường không lựa chọn sống như vậy.
Và không ít người trẻ nghiện ma túy, cá độ, nghiện rượu, nghiện chưng diện, sống ảo,...những thói xấu không giết chết con người ngay tức khắc nhưng nó sẽ khiến con người trở nên “sống mòn”, hay “chết mòn”. Bởi sự tùy tiện trong lối sống chẳng khác gì vi-rút ăn mòn dần ý chí, ước mơ, biến họ thành nô lệ của cảm xúc, biến cuộc sống của họ trở nên nhàm chán, tẻ nhạt mặc dù có thể có những lúc họ thấy rất vui.
Để tạo nên giá trị của bản thân, của cuộc sống, cần lắm sự thay đổi ở những người trẻ ấy. Thay đổi thói quen, thay đổi suy nghĩ, hành động. Sự thay đổi không dễ dàng, nhưng cũng không quá đau đớn như quá trình chim đại bàng “lột xác”.
Từ bỏ thói quen xấu, ban đầu, có thể không hề “êm ái” với bạn. Bạn sẽ thấy khó chịu khi người bên cạnh chơi game trước đây mình rất thích còn mình thì phải ngồi học, vắt óc nghĩ những bài hóc búa.
Bạn sẽ thấy mệt mỏi khi làm việc nhà giúp bố mẹ chứ không thoải mái như nằm dài chơi game. Bạn sẽ thấy trống vắng khi ở nhà với bố mẹ, chơi với em mà không được hò hét nơi vũ trường.
Bạn sẽ thấy khó khăn trong việc sống tự lập chứ không dễ dàng như ăn bám vào bố mẹ. Bạn sẽ thấy, để sống một cuộc sống đúng nghĩa, bạn phải đánh đổi những ham muốn cá nhân bằng quyết tâm, tinh thần kỷ luật cao độ, bằng sự kiểm soát bản thân nghiêm ngặt. Nếu như không có được quyết tâm như chim đại bàng, bạn sẽ lại dễ dàng trở về với thói quen cũ.
Khi bạn đã thay đổi, có một lúc nào đó, bạn sẽ nhận thức ra rằng những đam mê lúc trước chỉ mang đến xúc cảm vui thú nhất thời chứ không tạo nên giá trị cuộc sống bền vững.
Giá trị cuộc sống không nằm ở sự công nhận của người khác về bản thân mình là nhiều tiền, sành điệu, chơi game đỉnh, hay có chỗ dựa vững chắc. Giá trị cuộc sống là bạn sống bình yên mà không phải lo lắng về sức khỏe. Giá trị cuộc sống là khả năng bạn tạo ra của cải vật chất đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của bản thân, gia đình. Giá trị cuộc sống là niềm vui, hạnh phúc bạn xây dựng nên bởi những suy nghĩ, việc làm hữu ích và tận hưởng nó mỗi ngày trong sự mãn nguyện.
Sức khỏe thể chất và tâm trí, khả năng kết nối với những người xung quanh, khả năng hiện thực hóa giấc mơ của bạn đều bắt đầu từ những thói quen tốt. Còn thói quen đắm chìm trong những đam mê “tầm thường” không thể cho bạn sức khỏe vững vàng, tri thức phong phú, kĩ năng nhạy bén, càng không tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần đầy đủ để bạn tận hưởng giá trị cuộc sống.
Vậy làm thế nào để thay đổi?
Trước một đồng cỏ lớn, có vị thiền sư hỏi các học trò của mình rằng “Làm thế nào diệt được cỏ?”. Các học trò lần lượt đưa ra các phương án khác nhau như dùng cuốc, xẻng, dùng thuốc diệt cỏ, dùng lửa. Nhưng tất cả đều bất ngờ trước phương án của thiền sư "Muốn diệt hết cỏ dại ở bãi hoang, chỉ có một cách hay nhất, đó là hãy trồng cây mùa màng lên đấy”.
Câu chuyện để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc “Muốn từ bỏ cái xấu, thì phải thay thế cái xấu ấy bằng những điều tốt hơn. Hình thành cho mình những thói quen hữu ích, những đam mê đúng đắn kết hợp với việc lên kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, tuân thủ kỷ luật đề ra, tạo “chướng ngại” cho thói quen xấu,... là những phương pháp thay đổi tích cực, hiệu quả. Khi bạn đã hình thành được thói quen tốt trong thời gian 21 đến 66 ngày, là bạn đã thành công trong quá trình thay đổi. Các nghiên cứu tâm lý học đã có bằng chứng để kết luận rằng đó là thời gian đủ để chuyển hóa hành vi lặp lại nhiều lần thành thói quen.
Có thể bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn 66 ngày, nhưng việc phá bỏ những thói quen xấu và thay thế chúng bằng những thói quen tốt là thật sự cần thiết để bạn có được cuộc sống tốt đẹp nhất. Tuổi đời của mỗi người nên đo bằng số năm ta sống hay bằng những hạnh phúc, vui vẻ mà ta mang đến cho bản thân mình và những người xung quanh. Tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời, mùa xuân ấy lấp loáng nắng vàng hay âm u tăm tối, đều do bạn lựa chọn.
Bạn sẽ chọn điều gì, sống hay tồn tại, thay đổi hay tiếp tục chìm đắm trong đam mê ích kỉ, hay thay đổi để có được cuộc sống ý nghĩa? Bạn chỉ cách cuộc sống đích thực ở sự thay đổi mà thôi. “Cuộc đời tựa như một viên đá. Chính bạn là người quyết định để viên đá ấy bám trong rêu hay trở thành viên ngọc sáng” (Cavett Robert).
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/ban-chi-cach-cuoc-doi-dich-thuc-bang-su-thay-doi-ma-thoi-nw231110.html