Ba mẹ cần lưu ý con có 2 đặc điểm này, rất dễ bị bạo lực học đường
Bạo lực học đường là một vấn đề nhức nhối của xã hội, là nỗi lo của tất thảy các bậc phụ huynh và nhà trường. Những hậu quả mà vấn nạn này gây ra đối với trẻ bị bắt nạt là không hề nhỏ. Do đó, các bậc phụ huynh nên trang bị kiến thức về vấn đề này để có cách xử lý và phòng tránh con bị bạn bè hay chính người thân trong gia đình bắt nạt.
Bàn về vấn đề này, giáo sư Lý Mai Cẩn - chuyên gia về tâm lý học tội phạm tại Đại học Công an Trung Quốc cho biết tính cách của một đứa trẻ cũng là một trong những yếu tố khiến trẻ dễ trở thành đối tượng mà những kẻ thích bắt nạt nhắm đến.
Theo đó, khi là khách mời trong chương trình Let's Talk, Giáo sư Lý đã có những chia sẻ thẳng thắn: "Những đứa trẻ rụt rè và yếu đuối rất dễ bị bạn cùng lớp bắt nạt".
Trên thực tế, những đứa trẻ sống nội tâm, thiếu tự tin, hay lo lắng thường bị bắt nạt hơn những đứa trẻ hướng ngoại và quyết đoán. Hầu hết những kẻ bắt nạt muốn cảm thấy mình mạnh mẽ, vì vậy họ thường chọn đứa trẻ yếu hơn vì dễ thao túng.
Do đó, với những đứa trẻ có tính cách như trên, bố mẹ cần phải trang bị cho con em của mình những hành trang vững chắc để bảo vệ con. Dưới đây là 3 gợi ý của giáo sư Lý Mai Cẩn:
1. Cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất để nâng cao vóc dáng và học cách tự vệ
Giáo sư Lý Mai Cẩn đã chỉ ra cách để trẻ không bị bắt nạt và học cách tự bảo vệ chính mình. Đó là cha mẹ nên khuyến khích trẻ rèn luyện thể lực, vóc dáng. Giáo sư cho rằng trẻ dù là con trai hay con gái, cha mẹ đều có thể cho trẻ tham gia một số hoạt động thể chất như chạy bộ, kickboxing,... Điều này không chỉ giúp tăng cường thể chất cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn mà còn có thể rèn luyện sức mạnh nội lực bên trong. Từ đó những kẻ bắt nạt không dám đến gần trẻ.
"Trẻ em phải vận động thể chất, có thể thao thì mới có sức mạnh bùng nổ, có sức mạnh bùng nổ thì sẽ không dễ bị bắt nạt. Những đứa trẻ không bao giờ vận động, thể chất yếu ớt sẽ dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt nhất", giáo sư Lý Mai Cẩn chia sẻ.
2. Dặn trẻ kết bạn nhiều hơn
Không chỉ đứa trẻ nhút nhát, những đứa trẻ bị cô lập thường là mục tiêu của kẻ bắt nạt. Một khảo sát đối với 208 người từng bị bắt nạt cho thấy 72% trong số họ đã thoát khỏi sự bắt nạt trong vòng hai năm. Lý do là họ có thêm nhiều bạn mới.
Việc kết bạn không chỉ giúp trẻ có thêm bạn bè mà còn có thể hỗ trợ trẻ trong những trường hợp cần thiết như khi bị bắt nạt. Thông thường, kẻ bắt nạt sẽ ỷ mạnh để bắt nạt kẻ yếu hơn, tuy nhiên nếu trẻ có thêm bạn bè, đối phương có thể từ bỏ ý định đó.
3. Dạy trẻ cách nói "không" và phản kháng
Trong cuộc sống, có những trường hợp chúng ta phải biết "nói không" và cha mẹ nên dạy trẻ nhận biết điều đó. Từ bé, trẻ nhỏ thường được dạy phải biết vâng lời mà hiếm được dạy về cách để từ chối người khác. Điều này sẽ dẫn đến việc trẻ ngại khước từ hoặc không thể từ chối đòi hỏi từ người khác đối với mình. Đối với những đứa trẻ yếu ớt, dễ bị tổn thương thì điều này dễ khiến trẻ bị đối xử bất công hơn trong cuộc sống.
Vì vậy, cha mẹ nên dạy trẻ trong hoàn cảnh nào thì nên từ chối yêu cầu của đối phương. Khi trẻ gặp phải điều gì không thích, hay vô lý thì cần tự tin bày tỏ sự từ chối. Từ đó, trẻ sẽ học được cách thể hiện rõ lập trường của bản thân. Những đứa trẻ học được điều này ít khi bị người khác bắt nạt. Thậm chí ngay cả khi trẻ bị bắt nạt, chúng vẫn biết cách thể hiện khí thế, lòng dũng cảm và kiên quyết chống trả để đối phương biết rằng mình không dễ bị bắt nạt. Có như vậy mới tránh được việc bị bắt nạt xảy ra thường xuyên.
Việc cha mẹ dạy trẻ nói không và học cách phản kháng không phải là dạy trẻ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề mà là dạy trẻ học cách tự bảo vệ mình.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/giao-su-tam-ly-tre-co-2-dac-diem-nay-de-bi-bat-nat-o-truong-cha-me-can-chu-y-20230308213007443.chn