B-52 Mỹ hiện diện sát biên giới Kosovo
Biên đội oanh tạc cơ B-52 Mỹ hôm 22/8 bay qua thị trấn nghỉ dưỡng Dubrovnik của Croatia và di chuyển dọc bờ biển Montenegro, sau đó tiếp tục hoạt động ở độ cao nhỏ trên bầu trời thủ đô Skopje của Bắc Macedonia và quảng trường trung tâm thủ đô Tirana của Albania.
Ngoài Croatia, cả ba quốc gia còn lại đều có biên giới giáp Kosovo, tâm điểm căng thẳng giữa NATO và Serbia, đồng minh của Nga, trong những ngày qua.
Oanh tạc cơ B-52 Mỹ bay qua thủ đô của Bắc Macedonia hôm 22/8. Ảnh: AP.
"Mục đích của chuyến bay là thể hiện cam kết và sự bảo đảm của Mỹ với các đồng minh NATO ở đông nam châu Âu. Đây cũng là cơ hội để người dân quay phim, chụp ảnh và chiêm ngưỡng các phi cơ ở khoảng cách gần", không quân Mỹ ra thông cáo cho hay, thêm rằng biên đội B-52 thuộc Phi đoàn ném bom số 23 và xuất phát từ căn cứ Fairford ở Anh.
Tham mưu trưởng quân đội Albania Arben Kingji gọi đây là "màn phô diễn quân sự chiến lược và thông điệp cho thấy sự đoàn kết giữa các đối tác chiến lược".
Căng thẳng tại Kosovo leo thang sau khi chính phủ của Thủ tướng Albin Kurti hồi cuối tháng 7 yêu cầu người Serbia sống trong vùng lãnh thổ này phải chuyển đổi sang biển số xe Kosovo trong vòng 60 ngày, bắt đầu từ 1/8 nhưng sau đó hoãn thực hiện một tháng. Khoảng 50.000 người Serbia sống ở miền bắc Kosovo vẫn sử dụng biển số xe và giấy tờ do chính quyền Serbia cấp.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 22/8 yêu cầu NATO "thực hiện bổn phận" ở Kosovo, nếu không Belgrade sẽ tự hành động để bảo vệ người dân tại khu vực này. Ông hồi đầu tháng 8 cũng tuyên bố Serbia sẽ không bao giờ nhượng bộ.
Vị trí các nước vùng Balkans. Đồ họa: Britannica.
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008, nhưng người Serbia chiếm đa số tại khu vực phía bắc không công nhận chính quyền ở Pristina. Họ trung thành về mặt chính trị với Serbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho nhóm dân tộc này. Năm 2013, Serbia và Kosovo cam kết tham gia quá trình đối thoại do EU bảo trợ để tìm cách giải quyết các vấn đề tồn tại, nhưng đạt được rất ít tiến triển.
Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối. Nga cáo buộc phương Tây làm gia tăng căng thẳng giữa Serbia và Kosovo, trong khi Kosovo đổ lỗi cho Nga về căng thẳng leo thang hiện nay, cho rằng Moskva đang tìm cách đánh lạc hướng cuộc chiến ở Ukraine.
Cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời thương mại với giá thấp nhất trên toàn nước Úc
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/oanh-tac-co-my-hien-dien-sat-kosovo-4502678.html