Áp lực khiến người trẻ Trung Quốc không hứng thú lập gia đình
"Tôi đơn giản là không còn tâm trạng yêu đương. Không có lý do đặc biệt nào cả, chỉ là tôi cảm thấy vẫn rất tuyệt sau khi sống một mình suốt quãng thời gian dài", Liu Maomao, nhân viên truyền thông ở Bắc Kinh, nói.
Liu nằm trong số hàng triệu thanh niên Trung Quốc chọn không kết hôn, hoặc ít nhất là trì hoãn kết hôn, vì chi phí trang trải cuộc sống không ngừng tăng cao. Sự thờ ơ này là tín hiệu rất đáng lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách khi Trung Quốc đang đối mặt khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng tồi tệ. Và vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn sau gần ba năm đại dịch Covid-19 gây rối loạn cuộc sống người dân.
Chủ một cửa hàng váy cưới ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, số lượng các cặp vợ chồng mới kết hôn đã giảm trong 8 năm liên tiếp và tới năm 2021 xuống còn 7,64 triệu, mức thấp nhất kể từ lần công bố dữ liệu đầu tiên vào năm 1985. Thậm chí trong ba quý đầu năm nay, số cặp đăng ký kết hôn rơi đã xuống mức thấp lịch sử 5,4 triệu.
Trong khi đó, số người kết hôn lần đầu cũng giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận vào năm ngoái, với 11,58 triệu người, bằng 50% so với mức cao nhất ghi nhận vào năm 2013, theo Niên giám Thống kê Trung Quốc.
Các nhà nhân khẩu học nhận định quy mô dân số trong độ tuổi phù hợp để kết hôn ngày càng thu hẹp là một trong những lý do dẫn đến xu hướng sụt giảm. Nhưng việc người trẻ ngày càng miễn cưỡng lập gia đình cũng là một yếu tố quan trọng.
Theo dữ liệu điều tra dân số Trung Quốc, độ tuổi kết hôn lần đầu tiên trung bình đã tăng từ 24,89 vào năm 2010 lên 28,67 năm 2020.
Việc trì hoãn kết hôn, đặc biệt ở phụ nữ, là một quá trình tự nhiên trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và giáo dục đại học được mở rộng, song các điều kiện kinh tế vĩ mô như giá nhà đất tăng cao hay áp lực việc làm cũng khiến nhiều người không muốn kết hôn sớm, Jiang Quanbao, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Giao thông Tây An, cho hay.
"Trung Quốc có thể đi theo quỹ đạo của một số nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu sẽ tiếp tục tăng", Jiang nói.
Ông cho biết thêm mặc dù tỷ lệ người chưa kết hôn trong toàn bộ dân số ở Trung Quốc vẫn thấp so với nhiều nền kinh tế phát triển, đối với phụ nữ có bằng đại học trở lên, tỷ lệ người chưa kết hôn là khá cao.
Theo một cuộc khảo sát hồi năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu trực thuộc Ủy ban Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc với 2.905 thanh niên thành thị chưa lập gia đình trong độ tuổi 18-26, khoảng 44% phụ nữ được hỏi nói họ không có kế hoạch kết hôn, so với gần 25% ở nam giới.
Theo quan điểm tích cực, điều này có nghĩa phụ nữ Trung Quốc hiện đại có nhiều lựa chọn hơn là làm nội trợ, Felisa Li, 36 tuổi, chuyên gia quan hệ công chúng tại Bắc Kinh, cho hay.
"Trước đây, vị trí của phụ nữ là ở nhà, làm vợ, làm mẹ, nhưng bây giờ điều đó không còn đúng nữa", Li nói. "Phụ nữ cũng có thể sống một cuộc sống độc lập tuyệt vời, như làm công việc mà họ yêu thích".
Dù Trung Quốc đã khởi động nhiều chính sách hỗ trợ việc nuôi dạy trẻ em trong năm qua, từ việc tối ưu hóa chế độ nghỉ thai sản đến cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc trẻ em hơn, những nỗ lực này chỉ như "muối bỏ bể", theo Li.
"Nếu sống ở những thành phố hạng nhất, bạn sẽ cần ít nhất một căn hộ hai phòng ngủ nếu muốn có con. Điều đó rất khó đạt được ở Bắc Kinh. Tôi đang sống trong căn hộ một phòng ngủ và tôi đã phải cố gắng hết sức rồi", cô nói.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS), bất chấp cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra, giá nhà ở tại các thành phố lớn của Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng, hoặc thậm chí vẫn tiếp tục tăng trong năm qua.
Nhưng đối với Veronica Qi, 26 tuổi, những rào cản do giá bất động sản cao không là gì so với một tương lai thiếu chắc chắn, sau ba năm đại dịch khiến cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn.
"Vài năm trước, giá nhà đất cũng cao nhưng những người trẻ tuổi vẫn muốn kết hôn và sinh con vì họ có hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Bây giờ, rất nhiều người rơi vào chán nản và họ không tin rằng có nhiều hy vọng cho tương lai, Qi, nhân viên tự do ở Bắc Kinh, giải thích.
Một cặp vợ chồng đọc lời thề khi làm thủ tục đăng ký kết hôn ở Bắc Kinh năm 2012. Ảnh: AFP.
Yao Yang, hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, hồi tháng trước cho biết chính sách Không Covid có tác động đến tỷ lệ sinh đang giảm của Trung Quốc.
"Bắc Kinh đã không cho phép tổ chức tiệc cưới trong gần một năm. Suy nghĩ phổ biến của người Trung Quốc là nếu một cặp vợ chồng không tổ chức tiệc cưới thì không thể coi là đã kết hôn, và nếu họ chưa kết hôn thì không nên có con", Yao nói trong một hội thảo về kinh tế Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh. "Dân số Trung Quốc đã gần ở mức tăng trưởng âm và tình hình hiện nay rất tệ cho nỗ lực nâng tỷ lệ sinh".
Đối với Charlotte Chen, 27 tuổi, đại dịch đã khiến kế hoạch kết hôn và ổn định cuộc sống với bạn trai ở Thượng Hải của cô bị trì hoãn thêm.
"Trước dịch, mọi người đều lạc quan và nghĩ rằng họ sẽ thành công trong tương lai, nhưng giờ đây mọi người đang trở nên thận trọng hơn về tương lai của mình", Chen nói. "Ở Trung Quốc, ngay cả đàn ông và phụ nữ hiện đại cũng không thể thoát khỏi suy nghĩ rằng mua nhà là điều kiện tiên quyết để kết hôn, và điều đó tạo ra rất nhiều gánh nặng cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là đàn ông".
Đối với hầu hết các cặp vợ chồng Trung Quốc, gánh nặng mua nhà thường đặt lên vai người chồng. Vì vậy, đối với nhiều đàn ông, không có nhà cũng có nghĩa là không thể cưới vợ.
Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cải cách truyền thống cưới hỏi và khuyến khích tiết kiệm, tiền sính lễ ở Trung Quốc vẫn rất cao, đặc biệt tại các vùng nông thôn, nơi số lượng đàn ông lớn hơn nhiều phụ nữ, đồng nghĩa nhiều người chắc chắn phải sống độc thân.
Tại một thị trấn nhỏ ở tỉnh Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc, nam diễn viên lồng tiếng Liu Fei gần đây tham dự đám cưới của bạn mình với tư cách phù rể và biết rằng gia đình chú rể đã chi hơn 470.000 nhân dân tệ (67.300 USD) cho tiền sính lễ, chuẩn bị đám cưới và một ngôi nhà ở làng.
Theo NBS, vào năm 2021, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân nông thôn Trung Quốc là hơn 18.900 nhân dân tệ (hơn 2.700 USD).
"Nếu 470.000 nhân dân tệ là số tiền mà một gia đình nông thôn cần chi để con trai họ kết hôn ở vùng tây bắc đất nước thì con số này có nghĩa gì? Đó có thể là số tiền dành dụm cả đời của cha mẹ chú rể", Liu, 28 tuổi, nói.
Cha mẹ Liu là nông dân đã ngoài 60 tuổi ở vùng nông thôn phía tây bắc Trung Quốc. Hoàn cảnh gia đình khiến anh không có lợi thế trên "thị trường hôn nhân".
"Tôi không thể nghĩ đến việc lập gia đình và tôi không biết hôn nhân có thể mang lại cho tôi những lợi ích gì trong khi tôi phải trả một cái giá đắt như vậy", anh cho hay. "Chưa kể đến việc tìm được một người mình thực sự thích đã rất khó rồi".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ap-luc-khien-nguoi-tre-trung-quoc-ngai-ket-hon-4551208.html