5 món ăn bài thuốc chữa bệnh từ hạt sen, mất ngủ hay kinh nguyệt không đều đều biến mất
Sen là cây thuốc quý đã được biết đến từ lâu, điều đặc biệt là tất cả các bộ phận của sen như hạt sen, tâm sen, gương sen, tua nhị sen, lá sen, ngó sen đều có thể được dùng làm thuốc. Trong đó, hạt sen là được sử dụng phổ biến hơn cả với nhiều công dụng cực tốt cho sức khỏe như giúp an thần, ngủ ngon giấc, tốt cho tiêu hóa.
Tại sao hạt sen có tác dụng chữa bệnh?
BS Trịnh Xuân Trường – Bệnh viện Y học cổ truyền Nam Á cho biết, hạt sen (còn gọi là Liên nhục, Liên tử) có vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ tỳ kiện tỳ, kích thích tiêu hóa, chữa đầy hơi, kém ăn.
Trong 100g hạt sen tươi có 9,5g protid, 30g glucid, 0,8g xenluloza, cung cấp cho cơ thể được 162 calo. Ngoài ra còn có nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể: caroten, vitamin B1 (0,17mg%), vitamin B2 (0,09mg%), vitamin PP (1,7mg%), vitamin C (17mg%)...
Trong 100g hạt sen khô có 20g protid, 2,4g lipid, 58g glucid, 17,5g xenluloza, cung cấp cho cơ thể 342 calo, và một số muối khoáng quan trọng (canxi 89mg%, photpho 285mg%, sắt 6,4mg%,v.v...).
Những năm gần đây, các nhà thực vật học đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng trong hạt sen có chất kiềm, glucôxit thơm có tác dụng an thần. Sau khi ăn hạt sen, tuyến tụy tiết ra chất insulin làm người ta dễ ngủ hơn.
Tuy nhiên bác sĩ Trường cho biết trong Đông y thường hay dùng kết hợp cả tâm sen và hạt sen có tác dụng kích thích tiêu hóa, kiện tỳ và chữa chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, an thần. Nếu sử dụng hạt sen đã bỏ đi tâm sen thì sẽ không còn tác dụng chữa mất ngủ. Khi đó, hạt sen chỉ có tác dụng kiện tỳ - kích thích tiêu hóa hay chữa các bệnh đường tiêu hóa. Trong chữa mất ngủ, dùng không tâm sen cũng có tác dụng rất tốt.
Hạt sen kết hợp với tâm sen có thể chữa chứng mất ngủ.
BS Trường cũng cho biết nhiều người lo ngại việc ăn hạt sen liên tục sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, hạt sen là một vị thuốc nên sẽ không ảnh hưởng nhiều khi ăn thường xuyên nhưng lưu ý nếu muốn dùng hạt sen để chữa chữa mất ngủ, suy nhược cơ thể và thần kinh thì nên kết hợp cả hạt sen và tâm sen. Nên dùng loại hạt sen được sấy khô có giữ nguyên tâm sen.
Còn chỉ bị đau đầu, mất ngủ không thì khuyến cáo dùng riêng tâm sen tốt hơn dùng chung. Hạt sen có tính bình không độc, không có cấm kỵ đặc biệt nhưng trong các trường hợp đầy bụng, khó tiêu, táo bón nên hạn chế dùng.
Những bài thuốc từ hạt sen nên học ngay
Chè bột trứng gà, hạt sen dùng cho phụ nữ sau sinh
Chuẩn bị 30g hạt sen, 30g đường, 30ml rượu, trứng gà 1 quả. Hạt sen nấu chín nhừ khuấy đều với đường, rượu và trứng trên chảo nóng cho nước sôi, ăn trước khi đi ngủ. Loại chè này dùng trong trường hợp bị bệnh lâu ngày, người cao tuổi, sau đẻ cơ thể suy nhược.
Chè hạt sen, củ súng dùng cho phụ nữ gặp vấn đề kinh nguyệt
Chuẩn bị 30g hạt sen, 30g củ súng, đường vừa đủ. Nấu chè để ăn vào bữa điểm tâm buổi sáng. Món ăn này có thể dùng cho các trường hợp di tinh, tảo tiết, đới hạ huyết trắng, kinh nguyệt quá nhiều, tiểu đêm nhiều.
Chè hạt sen, củ mài, phục linh dùng cho người tiêu chảy
Chuẩn bị 30g hạt sen sao, 30g gạo tẻ sao vàng, 30g củ mài, 15g phục linh. Tất cả tán thành bột mịn thêm đường trắng nấu thành chè, ăn sáng và tối. Thích hợp cho người tỳ hư tiêu chảy.
Hạt sen hầm thịt lợn dùng cho phụ nữ có thai bị đau lưng
Chuẩn bị 30g hạt sen 30g, 150g thịt lợn nạc. Sau đó thêm gia vị hầm nhừ. Ăn ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp doạ sẩy thai, sẩy thai liên tiếp, phụ nữ có thai đau lưng.
Cháo hạt sen dùng cho người suy nhược cơ thể
Chuẩn bị 30g hạt sen, 150g gạo tẻ để nấu cháo, thêm đường hoặc muối. Thích hợp cho người suy nhược cơ thể, đại tiện lỏng dài ngày.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/bai-thuoc-hay/5-mon-an-bai-thuoc-chua-benh-tu-hat-sen-mat-ngu-hay-kinh-nguyet-khong-deu-deu-bien-mat-c132a430753.html