3 điều đừng làm nếu bạn muốn mẹ chồng xem như con gái
Nhưng, dù tôi đối tốt với mẹ chồng thế nào thì tôi luôn cảm thấy bà không coi tôi như con gái. Tôi luôn thắc mắc và bất mãn, nhưng cho tới gần đây tôi mới chợt nhận ra là do tôi chưa làm được 3 điều này.
1. Đừng tiết kiệm lời yêu thương, tỏ lòng biết ơn
Tôi là nhân viên văn phòng có thu nhập ổn định. Mẹ chồng đã nghỉ hưu, bà giúp tôi chăm con, dọn dẹp nhà cửa nấu ăn. Trong lòng tôi rất biết ơn những gì mẹ chồng làm cho mình nên thỉnh thoảng sẽ mua một vài món quà nho nhỏ tặng mẹ.
Nhưng ngược lại, tôi cảm thấy mẹ chồng không coi tôi như con gái. Bà cất dành rất nhiều tiền riêng, ở nhà tôi mẹ tính toán chi li, chưa bao giờ bỏ tiền túi của mình ra mua thứ gì cả, đều nói tôi mua. Điều này khiến tôi rất bối rối và buồn phiền.
Một hôm tôi tình cờ nghe mẹ chồng gọi điện nói chuyện với ai đó. Mẹ nói: “Con dâu chỉ coi tôi như giúp việc thôi, thi thoảng mua tặng tôi chút quà gọi là trả công, phần thưởng chứ có được lời nào bày tỏ biết ơn đâu. Một ngày nào đó nếu tôi không còn sức mà làm việc, không biết nó có chăm sóc cho tôi không”.
Nghe xong những lời này tâm trạng tôi như rơi xuống đáy vực sâu. Từ tận đáy lòng, tôi luôn coi mẹ chồng như mẹ đẻ. Nhưng vì tính tôi ít nói, với mẹ ruột hiếm khi bày tỏ tình cảm nên với mẹ chồng tôi cũng gần như không nói lời yêu thương, động viên, quan tâm bà khi nào.
Hành động quan tâm tuy rất cần thiết, nhưng có những lời nói không nên tiết kiệm, đặc biệt là những lời yêu thương dành cho người thân yêu của mình. Đôi khi bố mẹ chẳng cần quà cáp cao sang đâu, chỉ cần lời hỏi thăm, quan tâm của con cái thôi cũng đủ khiến lòng bố mẹ ấm áp rồi.
2. Đừng cãi vã với chồng trước mặt mẹ chồng
Chẳng người mẹ nào muốn vợ chồng con cái bất hòa, cãi vã cả. Nếu con trai và con dâu cãi nhau, tin rằng người làm bố làm mẹ nào cũng sẽ rất khó chịu. Nhưng nếu giúp con trai, họ sợ con dâu nghĩ mình bênh con trai vì đó mới là con ruột. Nếu nói giúp con dâu, trong lòng bà cũng không dễ chịu chút nào.
Bạn nên nhớ rằng, mẹ chồng đã sinh ra và nuôi dưỡng chồng bạn. Nếu vợ chồng cãi nhau trước mặt mẹ chồng, sẽ làm mẹ chồng bạn xót con, tổn thương và khó chịu. Lúc hai vợ chồng mâu thuẫn, mẹ chồng có thể bênh vực bạn, nhưng tình cảm mẹ chồng nàng dâu có thể sẽ xa cách từ từ, khó được nguyên vẹn như trước.
Khi chúng ta thực sự học cách đặt mình vào vị trí của người khác và quan tâm đến cảm xúc của mẹ chồng thì mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu sẽ dễ dàng hòa hợp hơn rất nhiều. Mà vấn đề giữa vợ chồng không nên để bố mẹ can thiệp quá nhiều, nếu có sự tham gia của hai gia đình thì đôi khi vấn đề sẽ phức tạp hơn đấy.
3. Đừng suy diễn, phức tạp hóa vấn đề
Sau khi lấy chồng, tôi luôn ám ảnh với việc hiếu kính bố mẹ chồng, cũng vì vậy mà tôi rất hay suy diễn rồi tự trách, tủi hổ. Chẳng là chồng tôi có một cô em gái đã đi lấy chồng, thi thoảng vợ chồng cô vẫn về đây thăm bố mẹ chồng. Mỗi lần về cô đều mang theo rất nhiều quà cáp nên mẹ mừng lắm, khoe khắp làng trên xóm dưới.
Nhưng tôi lại chẳng vui nổi. Tôi luôn nghĩ em chồng muốn thể hiện với mình, còn mẹ chồng coi trọng con gái hơn con dâu, bởi khi tôi tặng quà bà có vui nhưng không đến mức như lúc nhận quà của con gái.
Buồn bực kể với chồng, anh mới phân tích rằng cô đi lấy chồng năm mới về quê vài lần, mang nhiều quà một chút là lẽ đương nhiên. Còn mẹ, lâu ngày mới gặp lại con nên mới mừng như vậy, đó chỉ là phản ứng tự nhiên thôi.
“Đó là em chưa nghe mẹ khen em với hàng xóm. Đi đâu bà cũng nói tốt về em, rồi dặn dò anh phải chăm sóc, quý trọng em đấy. Mẹ luôn coi em như con gái, chẳng là em không cảm nhận được nên mới nghĩ vậy thôi”. Nghe chồng nói, tôi nghĩ có lẽ bản thân đã suy diễn quá nhiều rồi.
Những vấn đề trong cuộc sống, đôi khi đừng suy diễn quá nhiều, đừng phức tạp mọi thứ lên. Đôi khi cứ nghĩ đơn giản một chút, bạn sẽ thấy nhiều điều tích cực và ấm áp hơn, còn nghĩ nhiều quá đôi khi chỉ thấy những điều không hay.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/me-chong-nang-dau/coi-me-chong-nhu-me-ruot-nhung-khong-duoc-ba-coi-nhu-con-gai-do-la-vi-toi-chua-lam-duoc-3-dieu-nay-c210a572110.html