2021, một năm ấn tượng của tỷ phú Elon Musk
Được tạp chí Time bình chọn là "nhân vật của năm", Elon Musk đã có một năm 2021 đáng nhớ. "Rất ít người có sức ảnh hưởng với sự sống trên Trái Đất, thậm chí là ngoài Trái Đất, hơn Elon Musk. Trong năm nay, ông không chỉ là người giàu nhất thế giới, mà có thể còn là ví dụ rõ nét nhất về sự chuyển dịch trong xã hội của chúng ta", Tổng biên tập Edward Felsenthal nhận xét.
Năm 2021 đáng nhớ với Elon Musk trước hết vì hàng loạt biến động tài sản. Túi tiền của tỷ phú không phải là chủ đề xa lạ với báo giới và nhà quan sát thị trường. Nhưng có thể nói, diễn biến "núi tiền" của người đàn ông giàu nhất hành tinh trong năm nay trở thành đề tài sôi nổi bậc nhất.
Cuối tháng 10, thị giá cổ phiếu của hãng xe điện Tesla bức tốc giúp tỷ phú 50 tuổi trở thành người đầu tiên sở hữu 300 tỷ USD. Đà tăng của cổ phiếu Tesla tiếp diễn trong đầu tháng 11, startup này tiến vào câu lạc bộ vốn hoá nghìn tỷ USD. Theo đó, tài sản của Elon Musk ngày càng dâng cao. Có thời điểm, tài sản của CEO Tesla vượt Jeff Bezos khoảng 143 tỷ USD và giàu gấp ba lần Warren Buffett.
Elon Musk tham dự lễ khởi công đại công xưởng Tesla Shanghai Gigafactory ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
"Cây thông Noel" cho thị giá cổ phiếu Tesla vào đầu tháng 11 không vươn được quá cao khi trung tuần cùng tháng, vốn hóa công ty mất đi 12%. Nguyên nhân là Elon Musk mở cuộc thăm dò ý kiến trên Twitter về việc có nên bán 10% cổ phiếu hay không. Sự vụ khiến tổng tài sản của ông vơi đi 50 tỷ USD trong hai phiên đầu tuần, trở thành mức giảm hai ngày mạnh nhất từng được Bloomberg Billionaires Index ghi nhận.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, tỷ phú Elon Musk đã bán 6,4 triệu đơn vị, thu về hơn 6,9 tỷ USD. Con số này chỉ chiếm dưới 4% số cổ phiếu mà ông trực tiếp nắm giữ tại Tesla, hoặc ít hơn 3% nếu tính tất cả quyền chọn mà CEO sở hữu để mua thêm cổ phiếu. Động thái này trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của giới kinh doanh đến tận hôm nay.
Dù vậy, tính chung cả năm, tài sản của người giàu nhất hành tinh vẫn tăng 70%. Chia sẻ trên Bloomberg, nhà phân tích từ Morgan Stanley dự báo Elon Musk sẽ trở thành người đầu tiên trên thế giới sở hữu khối tài sản 1.000 tỷ USD nhờ tiềm năng của SpaceX. Công ty do ông thành lập đã lần đầu thực hiện chuyến bay đầu tiên đưa du khách và không có phi hành gia chuyên nghiệp lên quỹ đạo quanh Trái Đất.
Khối tài sản khổng lồ của người giàu nhất hành tinh không chỉ thu hút sự chú ý của các nhà quan sát và truyền thông. Cuối tháng 10, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) kêu gọi các tỷ phú giàu nhất thế giới ủng hộ tiền nhằm ứng phó với nạn đói toàn cầu. Giám đốc David Beasley cho rằng, 6 tỷ USD có thể giúp 42 triệu người thoát nguy cơ chết đói. Khoản tiền này chỉ chiếm khoảng 2% trong giá trị tài sản ròng của CEO Tesla.
Ông sau đó yêu cầu WFP đưa bằng chứng rõ rằng 2% tài sản của ông được sử dụng thế nào cho mục đích trên. Nếu chính xác, ông sẽ bán cổ phiếu ngay lập tức. WFP đã giải trình công khai trên Twitter và Elon Musk cũng đã bán cổ phiếu. Nhưng đến nay vẫn chưa rõ tỷ phú này có thật sự giữ lời hứa hay không.
Twitter không chỉ tạo ra sự biến động cho giá trị tài sản ròng của Elon Musk, mà còn trở thành nơi "gây bão" của tỷ phú Mỹ - vốn là một người hoạt động khá năng nổ trên không gian ảo. Trong bài viết về ông, Tổng biên tập tạp chí Time cũng đề cập đến 66,5 triệu người theo dõi Elon Musk. Felsenthal nhấn mạnh vào tính "thích tìm niềm vui từ chia rẽ và chế nhạo" của tỷ phú này.
Trong số vô vàn dòng tweet gây tranh cãi của CEO Tesla, người ta chú ý nhiều hơn cả đến những lần chạm trán của ông với các doanh nhân và doanh nghiệp lớn. Elon Musk từng chế nhạo Jeff Bezos chỉ là "kẻ về nhì" về độ giàu có, bên dưới bài đăng của ông chủ Amazon về sự thành công của nền tảng thương mại điện tử này.
Tỷ phú Mỹ còn có màn khẩu chiến trực diện với ông chủ sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance về lệnh ngừng rút tiền Dogecoin "mờ ám" trong suốt nửa cuối tháng 11. Gần đây, Elon Musk tiếp tục làm dậy sóng dư luận khi khuyên người dùng đừng chi 19 USD cho miếng vải lau của Apple và cáo buộc App Store đang đánh thuế toàn cầu với Internet.
Bên dưới dòng tweet về sự thành công của Amazon, Elon Musk re-tweet Jeff Bezos bằng biểu tượng huy chương bạc với số 2 bên trong. Ảnh chụp màn hình
Bên cạnh những dòng tweet gây tranh cãi, tài khoản mạng xã hội của ông không ít lần trở thành động lực chính cho diễn biến giá cả của các đồng tiền số. Hồi đầu tháng 10, nhờ Elon Musk đăng tấm ảnh về chú cún cưng, giá trị Shiba Inu tăng vọt khoảng 367% trong bảy ngày. Tỷ phú Mỹ cũng từng khiến các loại tiền số tương tự tăng giá khi đặt tên cho chó cưng là "Floki" trùng với tên của đồng Shiba Floki, hay ông từng đề cập tới Dogecoin trên các bài đăng của mình.
Nhiều người cho rằng Elon Musk đã cố tình "lái" giá các tiền số và dần không còn tin tưởng vào những tweet của ông. Nhưng trong một lần hiếm hoi, tỷ phú này đã khiến thị giá một đồng tiền mất đà tăng trưởng nóng. Hồi tháng 5, ông viết trên Twitter rằng Tesla sẽ tạm dừng mua xe bằng Bitcoin, vì lo ngại việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để khai thác đồng tiền số này đang gia tăng nhanh chóng. Trong 24 giờ, thị giá Bitcoin mất hơn 12%, có thời điểm lùi về dưới ngưỡng 50.000 USD. Dẫu vậy, đến giữa tháng 6, Elon Musk lại tuyên bố hãng xe điện có thể chấp nhận lại Bitcoin khiến thị giá tiền số này tăng gần 17%.
Có nhiều tranh cãi quanh việc Elon Musk sử dụng mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng người đàn ông 50 tuổi này vẫn còn rất trẻ con với lối hành xử bốc đồng. Chính vì thế, danh hiệu "nhân vật của năm" xướng tên CEO Tesla cũng nhận về nhiều bình luận trái chiều. The Guardian thậm chí còn dẫn lời các nhà phê bình cho rằng, đây là "lựa chọn tồi tệ nhất từ trước đến nay" của Time.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nam-2021-dang-nho-cua-elon-musk-4403107.html