Yên Bái mùa măng sặt
ảnh minh họa
Xem Video: Mùa măng rừng ở Chiềng Yên, Sơn La
Suốt 4 mùa, đất rừng Yên Bái tua tủa mọc lên các loại măng nứa, măng mai, mùa vầu, măng tre, măng lay… Nhưng nổi tiếng và được nhiều người biết nhất đến thì phải kể đến măng sặt. Măng sặt không chỉ ngon ngọt, lạ miệng, được du khách gần xa yêu thích mà còn đem lại nguồn thu không nhỏ đối với bà con vùng cao miền Tây tỉnh Yên Bái.
Những ngọn măng sặt với lớp vỏ lấm đất vừa được đào trên rừng về.
Măng sặt có nhiều ở các địa phương, nhưng không phải nơi nào măng cũng ngon ngọt, non tươi như ở Yên Bái. Mùa xuân, mưa phùn bao phủ khắp đất rừng Yên Bái, những mầm măng sặt cứ thế đội đất mọc lên tua tủa như nấm sau mưa.
Những ngọn măng mọc trên mặt đất rất dễ thu hái, nhưng để có được những ngọn măng ngon nhất thì bà con người Thái, người dao, người Khơ Mú phải dùng cuốc, thuổng, khéo léo đào lấy những ngọn măng còn ẩn sâu trong đất, chưa kịp nhú lên. Những ngọn măng lấm đất ấy khi bóc ra sẽ trắng ngần, mập mạp.
Măng sặt được bán ở khắp nơi.
Những ngọn măng tươi ngon sau khi bóc vỏ.
Sau Tết, mỗi cân măng sặt đắt ngang một cân thịt lợn, khoảng 60 nghìn đồng. Giá măng giảm dần khi vào chính vụ từ tháng 3 đến tháng 5 nhưng cũng từ 15 đến 20 nghìn đồng một cân. Trước đây thường chỉ có bà con các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa lộ yêu thích món măng này, nhưng vài năm gần đây măng sặt được vận chuyển nhiều đi thành phố Yên Bái, về Hà Nội và các tỉnh miền xuôi.
Cây măng sặt thuộc họ tre, thân nhỏ và thẳng, búp măng to hơn đầu ngón tay cái người lớn một chút, được bao phủ bởi một lớp vỏ cứng và dầy. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng cao, lớp vỏ này dễ dàng được tách ra chỉ bằng một động tác dùng dao. Khi đó sẽ thu được lõi măng trắng nõn, tươi non, có thể mang đi chế biến món ăn ngay mà không sợ độc vì măng sặt được xem là loại măng lành tính nhất.
Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều món ăn như: món luộc, món om, món xào, món nướng… Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món măng sặt ninh xương sườn. Măng sặt được bóc vỏ rồi đập dập, ninh với sườn lợn cho nhừ, cho thêm tỏi, cà chua, rau thơm, vô cùng thơm ngon, ăn mãi không chán…
Món măng sặt luộc đơn giản nhưng rất ngon.
Món măng sặt xào.
Dù hay được chế biến cùng với các loại thịt và gia vị nhưng để thưởng thức được vị ngọt bùi, đậm hương núi, hương rừng của những ngọn măng sặt thì phải ăn món măng sặt luộc. Món này rất đơn giản, chỉ cần cho măng vào nồi, luộc 20 phút là chín. Gia vị gồm muối, ớt, kèm theo hạt mắc khén và tỏi. Cũng đơn giản nhưng ngon không kém là món măng nướng.
Trẻ em vùng cao Yên Bái thường lấy cây măng cho lên bếp củi để nướng. Khi măng cháy gần hết vỏ thì bóc ra ăn ngay. Vị ngọt của măng, mùi thơm của lớp vỏ cháy thật khó quên!
Trước đây, măng sặt tự nhiên, bà con vùng cao thu hái không được nhiều. Gần chục năm lại đây, nhận thấy không chỉ người dân địa phương mà cả người dân các tỉnh, thành phố khác rất ưa thích măng sặt thì đồng bào Thái, dao, Khơ Mú đã trồng thêm nhiều rừng măng và bỏ công sức vào chăm sóc. Vào chính vụ, mỗi ngày từ Mường Lò có từ 5 đến 7 tấn măng sặt được mang đi tiêu thụ, đem về khoản thu trên dưới nửa tỷ đồng cho bà con vùng cao nơi đây
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2727638