Xung đột Nga - Ukraine đang ở giai đoạn bước ngoặt
Dư luận thế giới đang tập trung chú ý vào thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh Lugansk ở miền đông Ukraine, nơi giao tranhh diễn ra dữ dội giữa lực lượng Nga và quân đội Ukraine suốt nhiều tuần qua. Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng việc Severodonetsk và thành phố "chị em" Lysychansk bên kia sông Donets thất thủ chỉ là vấn đề thời gian, khi quân đội Nga có ưu thế quá vượt trội về hỏa lực pháo binh.
Giới quan sát cho rằng cục diện chiến trường ở đông Ukraine sẽ tiến tới bước ngoặt sau khi Nga kiểm soát được Severodonetsk và Lysychansk, tạo bàn đạp để tiến xa hơn về phía tây.
"Tôi nghĩ tình hình sắp đạt đến điểm mà một trong hai bên sẽ thành công. Quân đội Nga sẽ tiến tới Sloviansk và Kramatorsk, hoặc lực lượng Ukraine sẽ ngăn chặn họ ở đây. Nếu người Ukraine có thể giữ vững được phòng tuyến, điều này sẽ rất có ý nghĩa", một quan chức cấp cao của NATO nói.
Đà tiến của lực lượng Nga ở chiến trường đông Ukraine. Đồ họa: BBC.
Giới chức phương Tây đang theo dõi chặt chẽ những kịch bản có thể xảy ra đối với xung đột Ukraine từ bước ngoặt này.
Trong kịch bản thứ nhất, Nga tiếp tục tận dụng ưu thế hỏa lực của mình để đánh bại nỗ lực kháng cự của quân đội Ukraine tại Sloviansk và Kramatorsk, kiểm soát hoàn toàn hai tỉnh thuộc vùng Donbass ở miền đông.
Kịch bản thứ hai là hai bên củng cố phòng tuyến ở Sloviansk và Kramatorsk, khi lực lượng Nga không thể tiến thêm, trong khi quân đội Ukraine cũng không đủ nguồn lực để phản công. Tình thế bế tắc sẽ kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, dẫn đến thương vong lớn cho cả hai bên, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng và gây kiệt quệ nền kinh tế toàn cầu.
Kịch bản khác, ít khả năng xảy ra nhất, là Nga có thể xác định lại mục tiêu chiến sự của mình, thông báo đã giành được chiến thắng và cố gắng khép lại cuộc chiến. Các chuyên gia cho rằng Moskva hiện chưa có bất cứ dấu hiệu nào muốn dừng chiến dịch quân sự.
Nếu Nga có thể giành thêm lãnh thổ ở miền đông, giới chức Mỹ cho rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể lấy đó làm bàn đạp để tiến sâu hơn vào phía tây Ukraine.
"Tôi chắc rằng nếu quân đội Ukraine không kháng cự đủ mạnh, Nga sẽ còn tiến xa hơn", Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo ngày 14/6. "Chúng tôi đã cho họ thấy sức mạnh của mình. Và điều quan trọng là sức mạnh này cần có sự góp sức từ các đối tác phương Tây".
Ông Zelensky nhấn mạnh viện trợ của phương Tây phải đến nhanh hơn, nếu các đồng minh của Ukraine muốn ngăn đà tiến của lực lượng Nga trong thời điểm bước ngoặt.
Lực lượng Ukraine khai hỏa hệ thống rocket tại vùng Donbass, miền đông Ukraine hôm 7/6. Ảnh: AFP.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh vũ khí phương Tây đang đổ về tuyến đầu cuộc chiến. Nhưng thông tin về tình trạng thiếu vũ khí trên chiến trường và những lời khẩn cầu từ quan chức Ukraine đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các dòng chảy vũ khí phương Tây.
Ngay cả khi cạn kiệt các loại vũ khí thời Liên Xô, binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến cũng rất khó tận dụng lợi thế từ những vũ khí hạng nặng tiên tiến mà phương Tây cung cấp. Quá trình huấn luyện sử dụng các khí tài này cần nhiều thời gian, trong khi quân đội Ukraine gần như không thể đưa binh sĩ rời chiến trường để tham gia các khóa đào tạo ở hậu phương.
Một số nguồn tin tình báo cho biết lính Ukraine không thực sự mặn mà với hệ thống vũ khí phương Tây vốn xa lạ với họ. Dù nhận hàng trăm máy bay không người lái Switchblade của Mỹ, một số đơn vị Ukraine vẫn thích dùng máy bay không người lái thương mại gắn chất nổ mà họ vốn quen dùng hơn.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đầu tháng này công bố gói viện trợ vũ khí mới, trong đó có hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), có khả năng phóng hàng loạt rocket và tên lửa mà Ukraine đã yêu cầu cung cấp suốt nhiều tuần.
Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine cần ít nhất 3 tuần huấn luyện để có thể sử dụng thuần thục hệ thống HIMARS. Thời gian này là quá lâu và Nga có thể tận dụng để tạo bước ngoặt thay đổi cục diện chiến trường trước khi pháo phản lực Mỹ đến được tiền tuyến.
Giải pháp khả thi hơn hiện nay là tiếp tục lùng sục những loại vũ khí chuẩn Liên Xô từ các đồng minh của Mỹ để chuyển cho Ukraine. Theo một quan chức Mỹ, Washington đang thúc giục các quốc gia châu Âu sở hữu khí tài Liên Xô tìm ra thứ họ đang có trong kho vũ khí để có thể sẵn sàng cung cấp cho Ukraine.
Cục diện chiến trường Ukraine. Đồ họa: Washington Post.
Nhưng khi chiến sự kéo dài, chi phí mà các chính phủ phương Tây bỏ ra để hỗ trợ Ukraine sẽ ngày càng tăng. Một số nước, trong đó có Mỹ, đã bày tỏ lo ngại rằng dòng vũ khí viện trợ cho Ukraine dần làm cạn kiệt kho dự trữ quốc gia quan trọng đối với quốc phòng của họ.
"Đó là mối lo ngại hợp lý với Mỹ", theo một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden.
Một vấn đề nhức nhối khác là giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao. Khi những chi phí này bắt đầu ảnh hưởng tới người dân Mỹ và châu Âu và sự chú ý của truyền thông dần rời xa chiến sự ở Ukraine, một số quan chức lo ngại sự ủng hộ của phương Tây với Kiev sẽ dần suy giảm.
"Một số đối tác phương Tây đã xuất hiện cảm giác tự mãn rằng số vũ khí họ cung cấp cho Ukraine đã đủ để giúp Kiev giành chiến thắng", Damien Magrou, người phát ngôn Quân đoàn Quốc tế ở Ukraine, nói. "Nhưng thực tế là họ chưa làm bất kỳ điều gì đủ để giúp chúng tôi đánh bại người Nga và thay đổi cục diện trên chiến trường".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/buoc-ngoat-co-the-dinh-doat-cuc-dien-chien-truong-ukraine-4476135.html