Xu hướng tái chế khẩu trang y tế

19:00' 20-07-2021
Xu hướng tái chế khẩu trang một lần đang ngày càng được quan tâm.


    Những chiếc khẩu trang y tế đã trở thành vật dụng quen thuộc với người dân thế giới kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Được sử dụng để hạn chế sự lây lan của COVID-19, song khẩu trang lại đang làm trầm trọng thêm một đại dịch khác là tình trạng ô nhiễm nhựa.

    Bởi vậy, ở một số quốc gia, xu hướng tái chế khẩu trang một lần đang ngày càng được quan tâm như một giải pháp để bảo vệ môi trường mà vẫn có thể an toàn giữa thời kỳ đại dịch.

    Chú thích ảnh

    Sự biến đổi của khẩu trang bảo vệ thành vật liệu vụn 'Plaxtil', một sự kết hợp giữa nhựa và dệt. Ảnh: africanews.com

    Được làm từ vật liệu nhựa polypropylene, sợi tổng hợp và kim loại, khẩu trang đã qua sử dụng thường được vứt vào thùng rác, sau đó bị chôn lấp hoặc đốt. Thậm chí một số người còn vứt khẩu trang trên đường phố, sông và đại dương, gây hại cho môi trường thiên nhiên.

    Theo Hiệp hội Hóa học Mỹ, khoảng 129 tỷ khẩu trang dùng một lần được sử dụng mỗi tháng trên khắp thế giới.Vì vậy, các nhà nghiên cứu và các công ty đang tìm cách để tái chế khẩu trang, dù hiện tại không phải là mảng kinh doanh có lãi.

    Các nhà nghiên cứu ở Australia đang có ý tưởng muốn tái chế khẩu trang sử dụng một lần thành vật liệu làm đường. Ở Mỹ, đồ bảo hộ y tế này được tái chế thành băng ghế. Ở Hàn Quốc, đã có những chiếc ghế ngồi được làm từ khẩu trang dùng một lần. Và ở Pháp, chúng được tái chế thành thảm trải sàn cho ô tô.

    Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Australia) đang thử nghiệm các giải pháp sau khi chứng kiến cảnh tượng những chiếc khẩu trang bị vứt bừa bãi trên đường phố.

    Sau khi được khử trùng và cắt nhỏ, khẩu trang có thể được trộn với đá vụn xây dựng đã qua xử lý để tạo ra một loại vật liệu dẻo và chắc để xây dựng đường. Các nhà nghiên cứu đang xem xét việc sử dụng chúng trong xi măng xây dựng. Theo họ, cần ba triệu chiếc khẩu trang để tạo ra 1 km đường.

    Tại Pháp, công ty tái chế Tri-o et Greenwished đã gom khẩu trang từ khoảng 30 địa điểm đặc biệt, bao gồm các bệnh viện ở Paris, hãng truyền hình TF1 và tập đoàn vật liệu xây dựng Saint-Gobain để cho vào các thùng đặc biệt với mức phí 250 euro (300 USD)/tháng.

    Tại nhà máy tái chế của họ, khẩu trang được cắt nhỏ, khử trùng và chiết xuất polypropylene, chất này được chuyển hóa thành loại vật liệu sử dụng để làm thảm trải sàn hoặc các bộ phận bằng nhựa khác trên xe hơi. Tri-o et Greenwished đã tái chế một tấn khẩu trang và hy vọng sẽ xử lý được 20 tấn vào cuối năm nay.

    Chứng kiến cảnh chất thải ngày càng tăng do khẩu trang dùng một lần trong đại dịch COVID-19, sinh viên thiết kế nội thất Kim Ha-neul thuộc Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Kaywon ở thành phố Uiwang, phía Nam Seoul (Hàn Quốc) đã tái chế những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng thành ghế đẩu.

    Để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, Kim Ha-neul đã lưu lại số khẩu trang này trong kho trong ít nhất 4 ngày, sau đó tháo bỏ dây chun và kim loại trên khẩu trang. Tiếp theo, anh bỏ khẩu trang vào khuôn, sử dụng súng phun nhiệt ở nhiệt độ trên 300 độ C để khẩu trang chảy ra. Đây mới là thành công khởi đầu của Kim Ha-neul. Anh đang lên kế hoạch tạo ra nhiều đồ nội thất khác từ khẩu trang tái chế, như ghế, bàn và một số loại đèn.

    Tuy vậy, những con số trên mới chỉ là "một giọt nước" trong "đại dương" khẩu trang được thải ra mỗi ngày trên toàn cầu. Khoảng 40.000 tấn khẩu trang đã được đóng thùng ở Pháp vào năm ngoái mà không được tái chế. Nguyên nhân là do việc tạo lợi nhuận từ tái chế khẩu trang đã qua sử dụng hiện vẫn là một thách thức.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from baotintuc.vn.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ