Xem ngày tốt bốc bát hương cuối năm 2020

04:00' 06-02-2021
Bốc bát hương cuối năm 2020 đang là nhu cầu của nhiều gia đình vào thời điểm này. Vậy bạn đã biết ý nghĩa, cách sắm lễ, văn khấn, quy trình và những điều kiêng kỵ trong công việc này hay chưa?


    Vào những dịp cuối năm, các gia đình thường có phong tục bốc bát hương mới, để đón một năm mới với nhiều tài lộc, an khang và thịnh vượng. Bát hương hay bát nhang là một vật linh thiêng để thờ cúng tổ tiên và các vị thần linh với mong cầu bình an sức khỏe và thể hiện lòng tôn kính và sự hiếu thuận với tổ tiên.

    Bốc bát hương cuối năm 2020 đang là nhu cầu của rất nhiều hộ gia đình vào thời điểm này. Vậy bạn đã hiểu rõ tất cả ý nghĩa, cách sắm lễ, quy trình và những điều kiêng kỵ trong công việc này hay chưa? Bốc bát hương cuối năm 2020 vào ngày giờ nào thì tốt? Nếu còn điều gì thắc mắc, hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

    1. Ý nghĩa của bát hương trong văn hóa Việt Nam

    Bát hương là một biểu tượng văn hóa của người Việt, đó là truyền thống thờ cúng tổ tiên đã được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác suốt bao đời nay. Đây là một phong tục được nhân dân hết sức coi trọng và giữ gìn, dù có thể trong đời sống hiện đại, việc thắp hương cũng đã được đơn giản hóa khá nhiều.

    Bát hương là vật có ý nghĩa linh thiêng nhất trên ban thờ. Mỗi hành động thành kính cắm một nén hương lên ban thờ là một lần con cháu gửi gắm những lời nguyện cầu, mong muốn của mình lên cõi trên. Đây cũng tựa như một hình thức gắn kết giữa con người nơi trần thế và cõi tâm linh.

    Thông thường, bàn thờ cúng gia tiên của người Việt thường có 3 bát hương, 1 bát hương thờ thần phật, 1 bát hương thờ cúng tiên tổ và các bậc phụ lão đã mất trong gia đình, còn bát hương còn lại thờ các vị bà cô, ông mãnh là những người chưa lập gia đình mà chết trẻ.

    2. Mục đích bốc bát hương

    Nguyên nhân của hành động bốc bát hương cuối năm hoặc thay bát hương mới thường là do chủ nhà vừa chuyển nhà mới hoặc do bát hương trước đã quá cũ hoặc đã hư hỏng. Ngoài ra, người ta còn thay bát hương cho đồng bộ, hoặc do có nhu cầu cần gộp hay tách bát hương.

    Người bốc bát hương thường là các nhà sư ở trong chùa hoặc các vị thầy pháp với những quy trình khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, người trong gia đình như vợ, chồng, hoặc ông bà, bố mẹ cũng có thể tự tay làm việc này.

    3. Có nên bốc bát hương cuối năm

    Không ít người có quan niệm rằng, bát hương càng đầy chân hương, thậm chí càng um tùm thì càng linh thiêng, càng nhiều tài lộc. Họ không có thói quen rút tỉa chân hương định kỳ mà để chúng um tùm, chân hương sau cắm lên chân hương trước thành tầng tầng lớp lớp, năm này qua năm khác. Tuy nhiên, quan niệm trên chỉ là suy đoán, không hề có căn cứ.

    Tỉa chân nhang hay bốc bát hương là một trong những việc quan trọng nhất trong khâu dọn dẹp bàn thờ. Việc để bát hương quá đầy không chỉ khiến bát hương bị rác, bàn thờ sẽ nhanh bụi bẩn, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao nếu không cẩn trọng.

    Việc không tỉa chân hương, để bát hương quá đầy, khi thắp những nén hương tiếp theo không chạm được vào bát hương được sẽ chèn lên chân hương trước, như vậy việc thắp hương sẽ không còn ý nghĩa.

    Hơn thế, bát hương mà có chân hương cao sẽ giống như cái cột “che mắt” thần linh, gia tiên, cũng giống như ta đang ngồi mà có vật gì chắn trước mặt sẽ cảm thấy rất khó chịu.

    4. Xem ngày tốt bốc bát hương cuối năm 2020

    Chọn ngày tốt để bốc bát hương cũng thường là những ngày Hoàng đạo để công việc thêm phần thuận lợi, mà sau này khi gia đình làm bất cứ việc gì cũng suôn sẻ hơn.

    Nếu gia chủ bận rộn không tiến hành được vào ngày này thì cũng có thể chọn vào giờ Hoàng đạo. Tránh chọn ngày giờ bốc là ngày xung với tuổi của mình, bởi làm như vậy thì mai sau sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở trong công việc.

    Thường thì người ta hay chọn thời gian làm việc này là ngày giờ tốt trong tháng Chạp âm lịch, đa số trong khoảng từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp.

    Trong năm Canh Tý 2020, các ngày cuối năm (cuối tháng Chạp) phù hợp để tiến hành nghi lễ bốc lại bát hương hay tỉa chân nhang gồm:

    Ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tý (4/2/2021 dương lịch)

    Ngày 24 tháng Chạp năm Canh Tý (5/2/2021 dương lịch)

    Ngày 25 tháng Chạp năm Canh Tý (6/2/2021 dương lịch)

    5. Chọn người bốc bát hương cuối năm 2020

    Mọi người thường nghĩ rằng, những ai phải cao minh như các bậc thầy hoặc pháp sư mới có thể bốc bát hương. Nhưng trên thực tế, ai cũng có thể thực hiện hành động này miễn là có tấm lòng chân thành. Tốt nhất là đích thân chủ nhân ngôi nhà bốc bát hương.

    Lưu ý, khi bốc bát hương cuối năm 2020 cần thành tâm, quần áo chỉnh tề và tay chân sạch sẽ. Mời bạn tham khảo thêm: Năm hết tết đến, tỉa chân nhang thế nào để không phạm đại kị?

    6. Sắm lễ bốc bát hương cuối năm 2020

    Gia chủ có thể sắm lễ tùy theo điều kiện gia đình hoặc phong tục của từng vùng miền, về cơ bản, lễ vật sẽ gồm:

    – 1 đĩa xôi, 1 khúc thịt
    – 1 đĩa hoa quả theo mùa
    – 1 ấm trà và bộ 5 chén nhỏ
    – 3 chén rượu nhỏ
    – 1 tách nước sôi để nguội
    – 3 lễ tiền vàng
    – 2 lọ hoa hai bên

    7. Quy trình bốc bát hương cuối năm 2020

    Về quy trình tiến hành bốc bát hương (bát nhang), sẽ có các bước như sau:

    – Chuẩn bị bát hương, lau rửa sạch: Tùy theo nhu cầu mà mỗi gia đình có thể lựa chọn các loại bát hương bằng gốm sứ hoặc chất liệu với mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Sau khi mua bát hương về cần phải lau rửa sạch. Có thể dùng gừng giã nhỏ cho vào rượu trắng hoặc cho vào nước rồi đun sôi lên để lau rửa bát hương. Dùng khăn sạch nhúng vào đó và lau bát hương để tẩy trừ đi những uế tạp ở bát hương. Lau xong để ráo nước hoặc dùng khăn khô khác lau lại cho khô ráo.

    – Việc chuẩn bị tro: Đối với tro, trước đây, các cụ thường chọn loại rơm nếp, được cắt và làm sạch, phơi khô, để riêng. Trước khi đốt thành tro thì dùng nước hoặc rượu gừng vẩy lên rơm để tẩy uế. Còn hiện nay, loại tro này được bán ngay tại các cửa hàng mã. Ngoài tro, cần chuẩn bị một trong thất bảo của nhà Phật bao gồm: vàng, bạc, mã não, ngọc, san hô… Tối thiểu có ba thứ là vàng, bạc, ngọc ( ưu tiên đá quý, ngọc như hổ phách, lưu ly, thạch anh,… vì có trường khí cao, mua ở các cửa hàng đá quý). Không nên cho giấy trang kim, hạt nhựa,… bán sẵn ở các hàng mã. Cũng không nên cho bùa chú, linh phù,… của Đạo gia, Mật tông,… vào vì gây ra trường khí âm bất lợi.

    – Quá trình bốc: Rửa tay sạch sẽ bằng rượu hay nước gừng. Khi bốc bát hương thì bốc lần lượt từng nắm tro đặt vào. Để cho yên tâm, nhà chùa thường khuyên đếm theo số sinh như “sinh, lão, bệnh, tử”. Lần lượt đếm và bốc tro đến khi gần đầy miệng bát. Thông thường, khi đến nắm cuối cùng sẽ dừng lại ở số “sinh”. Khi bốc nên bốc từng nắm cho vào đầy và lắc chứ không nên ấn hoặc nèn chặt. Trước khi bốc bát hương nào thì cũng phải khấn nhỏ là “Con … (họ tên)… xin bốc bát hương cho thần linh (thần linh/gia tiên…)”. Bốc xong để riêng từng vị trí, tránh nhầm lẫn. Thông thường, các gia đình thường bốc ba bát hương, thờ quan thần linh, gia tiên, bà cô hoặc ông mãnh. Còn đối với các cửa hàng, công ty thì bốc bát hương thần tài. Trong quá trình bốc, nếu sợ nhầm, có thể viết giấy dán bên ngoài, đến khi đưa lên ban thờ phải bỏ ra.

    – Bốc xong đặt bát hương lên ban thờ: Bát hương thần linh ở giữa, bát hương bà cô ở tay trái từ trong nhìn ra, bát hương gia tiên bên tay phải. Ở ta hay có quan niệm coi trọng người đứng khấn hơn bàn thờ, nên hay tính theo người đứng khấn, tức bát hương bà cô để bên tay trái nhìn vào. Sự khác biệt này cũng không có ảnh hưởng lớn. Đồng thời, khi chân nhang quá nhiều cần rút bớt, nhớ để lại 5 chân. Những chân nhang đã nhổ cần đem đốt, thả tro xuống sông suối. Bát nhang bỏ đi (ví dụ bát nhang của ban thờ vong) cần thả xuống sông suối (tốt nhất là đặt trên miếng xốp nổi), tránh vất nơi uế tạp.

    – Sắm lễ: Hoa tươi, quả tươi, nước sạch bày lên bàn thờ. Mở rộng cửa ra vào trước khi thắp hương. Lúc mới đầu mỗi bát hương thắp 3 nén, những lần sau chỉ cần 1 nén là đủ. Nếu có chân nhang cũ có thể cắm lại mỗi bát 5 chân nhang.

    – Bố trí: Bát hương đã đặt lên ban thờ cần giữ nguyên vị trí, không xê dịch. Sau bát hương là phần thờ cúng, chỉ nên để ảnh gia tiên (nếu có), không bày rượu, vàng mã,… ở đây. Tất cả đồ thờ dâng lên (hoa tươi, quả tươi,…) cần ở phía trước hay bên cạnh bát hương.

    8. Văn khấn bốc bát hương cuối năm

    Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

    Con lạy chín phương trời mười phương Phật. Con kính lạy các chư vị thần linh, hiển linh, hiển pháp, pháp thuật vô biên.

    Hôm nay là ngày …. tháng …. năm ….
    Tên con là ………… (Tín chủ của ………. địa chỉ ………..)

    Con làm lễ bốc bát hương mới (thay bàn thờ mới), mục đích con xin cầu………, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, ăn nên làm ra, cầu được ước thấy, vạn sự như ý.

    Con xin kính lạy các cụ tổ tiên nội ngoại sống khôn thác thiêng, hôm nay con làm lễ bốc bát hương mới (thay bàn thờ mới), kính xin các cụ về phù hộ độ trì cho con cho cháu mạnh khoẻ, an ninh khang thái, mọi việc được hanh thông.

    Con kính lạy các bà cô tổ ông mãnh nội ngoại sống khôn chết thiêng cho con cầu ……………………

    Cúng xong, hương cháy hết đợt thứ nhất, sau khi thắp đợt thứ hai thì bắt đầu hóa tiền vàng, tờ văn khấn. Vãi gạo, muối ra trước cửa ngõ (vãi riêng từng thứ). Lúc tàn hết hương thì xin hạ lễ. Lúc tàn hết hương thì xin hạ lễ, đem thịt và trứng sống luộc chín.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Michael's Fresh Food Market Vùng: MENTONE. Phone: 9559 9444
Xem thêm

Article sourced from TUVINGAYNAY.

Original source can be found here: https://tuvingaynay.com/boc-bat-huong-cuoi-nam-2020-quy-trinh-van-khan-y-nghia-dieu-kieng-ky.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ