Xe năng lượng mới: Cơ hội để các nước giàu chuyển ô tô cũ bẩn cho các nước nghèo
Chuyển đổi sang ô tô sạch hơn - bao gồm các chính sách tăng cường điện khí hóa - được cho là chìa khóa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc đã làm sáng tỏ mặt trái của nó, và sự cần thiết phải có nhiều quy định hơn đối với những chiếc xe cũ được gửi ra nước ngoài.
Mỗi năm, các quốc gia giàu có xuất khẩu hàng triệu ô tô sang các quốc gia nghèo hơn. Báo cáo mới do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc công bố hôm thứ Hai 26/10 cho thấy từ năm 2015 đến 2018, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã xuất khẩu tổng cộng 14 triệu ô tô đã qua sử dụng. 80% trong số đó được gửi đến các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó 40% được chuyển đến Châu Phi. Ngược lại, hầu hết ô tô mới được chuyển đến các nước giàu có hơn.
Với những người có thu nhập thấp khó có thể sở hữu ô tô mới ở các nước nghèo, điều này có thể hữu ích và hợp lý. Nhưng, tất cả những chiếc xe cũ này thực sự là một vấn đề tiềm ẩn. Báo cáo đã phân tích 146 quốc gia nhập khẩu ô tô từ các quốc gia giàu có và thấy rằng 2/3 trong số đó có chính sách "yếu" hoặc "rất yếu" trong việc điều chỉnh hoạt động và tuổi thọ của xe nhập khẩu từ nước ngoài. Trên thực tế, họ phát hiện ra rằng khoảng 100 quốc gia không có tiêu chuẩn khí thải xe cộ nào và 61 quốc gia không có giới hạn độ tuổi đối với ô tô nhập khẩu.
Những quy định lỏng lẻo này có nghĩa là nhiều người ở các nước nghèo đang lái những chiếc xe nguy hiểm từ cả khía cạnh an toàn và về bảo vệ môi trường. Ví dụ, độ tuổi trung bình của xe đã qua sử dụng xuất khẩu sang Cộng hòa Gambia ở Tây Phi là 18,8 năm và 1/4 số xe được gửi đến Nigeria là 19,6 năm tuổi trở lên.
Các phương tiện cũ hơn sẽ có ít tính năng an toàn hơn và thường có nhiều khả năng gây ra sự cố hơn. Trên toàn cầu, ước tính các vụ tai nạn xe hơi giết chết khoảng 1,25 triệu người mỗi năm và 90% trong số đó xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, mặc dù những quốc gia đó chỉ chiếm 54% tổng số phương tiện giao thông trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, châu Phi có tỷ lệ tử vong do giao thông đường bộ cao nhất, với khoảng 246.000 ca tử vong mỗi năm.
Và những chiếc xe cũ này cũng thải ra nhiều khí nhà kính, đây là một vấn đề đối với chất lượng không khí và khí hậu. Trên toàn cầu, giao thông vận tải là nguyên nhân gây ra một phần tư lượng ô nhiễm carbon. Chưa kể, ô tô cũng thải ra nitơ dioxide và các chất dạng hạt, cả hai đều có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Phát hiện của báo cáo cho thấy rằng việc các nước nghèo không có các quy định về ô tô là một trong những lý do khiến họ nhận thấy những tác động tồi tệ nhất của vấn đề ô nhiễm không khí.
Để chống lại những vấn đề này, báo cáo đề nghị các nhà lãnh đạo của các quốc gia nhập khẩu xe cũ cam kết điều tiết các thị trường xe hơi cũ này. Một số nước đã tham gia thử thách. Ví dụ, vào tháng Tư vừa qua, 15 quốc gia Tây Phi đã cam kết áp dụng các chính sách mới để phù hợp với những chính sách mà Liên minh châu Âu đã thông qua đối với ô tô sử dụng trong nước vào năm 2005. Maroc cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn như vậy và từ đó nhập khẩu những chiếc xe tương đối sạch và an toàn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng cũng phải chịu trách nhiệm thực hiện những thay đổi cần thiết, hơn là coi các nước đang phát triển như những bãi phế liệu. Cho đến nay, nhà xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng lớn duy nhất tham gia phân tích các thị trường này là Hà Lan. Tuần này, Hà Lan đã công khai kết quả cuộc điều tra đó. Nó cho thấy hầu hết các xe cũ xuất khẩu sang châu Phi trong năm 2018 đều thiếu giấy chứng nhận đủ điều kiện đi đường và không đáp ứng các quy định về ô tô nội địa của quốc gia. Nhiều chiếc xe cũng bị tước bỏ các bộ phận có giá trị như bằng bạch kim, cảm biến và bộ lọc, khiến chúng thậm chí còn kém an toàn hơn đối với con người và hành tinh. Dựa trên những phát hiện này, chính phủ Hà Lan đã cam kết sẽ cập nhật các quy định về ô tô đã qua sử dụng vào năm sau, mặc dù họ vẫn chưa đưa ra lời hứa cụ thể nào.
Các tác giả của báo cáo kỳ vọng rằng đội xe chở khách toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và 90% mức tăng trưởng đó sẽ diễn ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nhưng nếu tất cả các quốc gia đều nỗ lực hướng tới phương tiện công cộng ít carbon, chúng ta có thể bắt đầu cắt giảm đội xe đó và cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng ô tô.
Article sourced from AUTOPRO.
Original source can be found here: http://autopro.com.vn/mat-trai-cua-xe-nang-luong-moi-cac-nuoc-giau-dang-gui-hang-trieu-o-to-cu-ban-cho-cac-nuoc-ngheo-20201029120711412.chn