Vũ Hán, biểu tượng chiến thắng dịch bệnh tại Trung Quốc
Nếu không nhờ những chiếc khẩu trang, có lẽ người ta chẳng thể đoán được rằng đại dịch Covid-19 đã bắt đầu tại đây.
Phố Giang Hán - con phố mua sắm nổi tiếng với những tòa nhà cổ kính ngập tràn tiếng reo mừng ngày Tết Nguyên đán. Đèn lồng đỏ treo lơ lửng trên đèn đường, mặt tiền cửa hàng bày bán đồ lễ, các gia đình xúng xính dạo phố, mua sắm chuẩn bị dịp cuối năm.
Thời điểm chẳng ai muốn nhớ lại
Chỉ 1 năm trước thôi, cũng chính khu phố này lại tràn ngập nỗi sợ. Người dân Vũ Hán chỉ ở trong nhà, bị cấm bước chân ra ngoài trong bối cảnh virus đang cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Bệnh viện quá tải, bệnh nhân thở khò khè trong phòng chờ hoặc nơi gửi xe, trong khi tiếng khóc than xin giúp đỡ tràn ngập internet vì đường dây nóng của chính quyền địa phương không thể hồi đáp kịp.
Có lẽ, rất ít người tại Vũ Hán muốn nhớ lại khoảng thời gian này. Dẫu sao, cảnh tượng ấy cũng nhanh chóng lặp lại ở nhiều nơi khác trên thế giới, khi đại dịch Covid-19 lây lan và đến nay đã giết chết hơn 2,3 triệu người. Nhưng tại nơi dịch bệnh khởi phát, cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Kể từ tháng 4/2020, thành phố chỉ ghi nhận chưa đến 10 ca nhiễm. Trung Quốc biến Vũ Hán trở thành biểu tượng chiến thắng dịch bệnh, đồng thời thẳng tay bắt giữ bất kỳ ai tung tin giả mạo và gây hoang mang.
Ở Vũ Hán lúc này, mọi thứ đã trở lại bình thường, ngoại trừ những chiếc khẩu trang
Nhìn bên ngoài, có rất nhiều điều cho thấy thành phố đã trở lại như xưa. 2 cô gái trẻ ngồi bên vệ đường, trò chuyện về một người bạn trai. Cụ già trong chiếc áo khoác màu cam đẩy xe lăn cho vợ dưới ánh nắng, tay trong tay hướng về đám đông đang cười đùa vui vẻ. Nhưng đâu đó, cảm giác bất an vẫn đang ẩn hiện.
"Nó giống như chúng ta được tiêm một liều an thần vậy," - Mary Xu, bác sĩ 56 tuổi tại Vũ Hán. "Mọi người không còn muốn đối mặt nữa. Họ như tê dại và muốn lảng tránh."
Không một ai xung quanh Xu muốn nói về kỷ niệm 1 năm ngày Vũ Hán bị phong tỏa. Kể cả khi cố tình nói ra, sẽ có người khác nhanh chóng đổi chủ đề, hoặc lấy đó làm cớ nâng ly: "Chúc mừng nào, vì chúng ta vẫn sống sót."
"Mọi người thu mình vào vỏ để bảo vệ bản thân," - Xu chia sẻ.
Xu đã tư vấn cho rất nhiều bệnh nhân vẫn đang đau khổ và mặc cảm tội lỗi, đặc biệt là ai mất đi người thân trong những ngày Vũ Hán bị phong tỏa. Khi đó, việc thiếu hụt xét nghiệm và giường bệnh đồng nghĩa với việc nhiều người ra đi mà không thể biết có phải đã nhiễm Covid-19 hay không.
Một nữ bệnh nhân có mẹ và chồng qua đời chỉ cách nhau vài ngày. Một người vợ trở nên hoảng loạn khi chồng bị đưa đi cách ly. Cô vứt toàn bộ những thứ chồng chạm vào ở nhà. Ngồi một mình, cô chẳng thể thở được, tâm trí ngập tràn nỗi sợ phải chết mà không ai biết. Xu đã phải tư vấn cho cô qua điện thoại.
Một phụ nữ khác dành nhiều ngày để cầu xin một chiếc xe cứu thương đến cứu cha (thời điểm xe cá nhân bị cấm di chuyển trên đường phố). Nhưng đến lúc có xe, cô cũng chẳng thể tìm được giường bệnh cho ông. Cô mang ông về nhà, ngã vật ngay tầng trệt vì cô chẳng đủ sức đưa ông lên gác nữa.
"Ông ấy qua đời ngay trước mặt cô, lúc cô đang nấu một chút cháo," - Xu chia sẻ. "Cơ hội nói lời vĩnh biệt cũng không có."
Để vượt qua những nỗi đau như vậy cần nhiều năm. Vậy nên để dễ dàng hơn, nhiều người Vũ Hán chọn cách quên đi những ngày tăm tối nhất. Chỉ là thành phố thiếu hụt khá nhiều bác sĩ tâm lý giỏi. Nhiều người chẩn đoán quá nhanh, thay vì tìm cách giải quyết sự tức giận, nỗi sầu thảm và sự sợ hãi của bệnh nhân. Xấu hổ cũng là một cảm xúc phổ biến.
"Còn đó cả sự kỳ thị," - cô cho biết. Ngay đến bản thân Xu cũng cảm thấy ngần ngại khi hỏi thăm những người mất thân nhân cách đây một năm. Bởi lẽ, những người nhiễm bệnh và sống sót không muốn nói về chúng nữa.
"Đó là cảm giác tội lỗi, và nỗi sợ rằng người khác sẽ xa lánh, kỳ thị bạn," - Xu chia sẻ.
Vết thương còn mãi
Dẫu có quên đi, nhưng với nhiều người tại Vũ Hán, vết thương ấy vẫn còn dai dẳng, đeo bám họ hàng ngày.
Bà Zhong Hanneng (68 tuổi) mất con trai Peng Yi vì Covid-19 hồi tháng 2/2020. Bản thân bà cũng nhiễm bệnh và phải tự cách ly ở nhà, nhưng vì vậy mà chỉ biết con trai đã qua đời sau đó 1 tháng. Và cũng phải đến lúc đó, bà mới biết con dâu của mình đã vất vả tìm giường bệnh và phương tiện di chuyển cho Peng đến mức nào.
Phải mất nhiều ngày, họ mới tìm được một chiếc xe tải giường nằm chở Peng đến trung tâm y tế. Peng trong tình trạng sốt cao, dầm mưa suốt cả tiếng đồng hồ mới tới được bệnh viện. Nhưng bệnh viện thì quá tải, các y bác sĩ cũng không thể chăm sóc cho anh. Peng chỉ nhận được một hộp sữa sau hàng giờ than đói - theo lời bà Zhong.
Thời khắc cuối cùng trước khi bất tỉnh, Peng đã gửi hàng chục tin nhắn cho nhân viên bệnh viện để cầu xin giúp đỡ, mà chẳng được hồi đáp. Bà Zhong cũng chỉ mới biết điều đó khi nhận về chiếc điện thoại của con.
"Tôi đã luôn nghĩ về việc con đã chết trong cô độc, chẳng ai bên cạnh. Đó là cảm giác bất lực, và sợ hãi," - bà Zhong chia sẻ. "Mỗi ngày trôi qua với tôi thật khó khăn. Tôi không thể ngừng nghĩ về điều đó. Tôi không thể quên được."
Bà Zhong cũng rất tức giận khi đã tin vào những thông điệp ban đầu trên truyền hình, rằng thứ virus này "trong tầm kiểm soát và có thể phòng ngừa", rồi thì không lây nhiễm từ người sang người. Bà tức là có lý do, bởi vào thời điểm Tết Nguyên đán năm ngoái, gia đình bà đã hòa vào đám đông nhộn nhịp ngoài kia vì tin rằng không thể bị nhiễm bệnh.
"Giá như chúng tôi biết sớm hơn. Chúng tôi chẳng được cảnh báo gì hết. Chúng tôi đã quá ngây thơ," - Zhong phẫn nộ.
Bà Zhong cũng đã nộp đơn khiếu nại về trường hợp của con trai, nhưng chẳng được ai hồi đáp. Trước kia, Peng là một giáo viên tiểu học rất được yêu mến.
Vũ Hán đang trở về như xưa, còn bà Zhong thì không.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: https://kenh14.vn/vu-han-nam-covid-thu-2-dich-benh-di-xa-nhung-vet-thuong-con-mai-20210216183258531.chn