Vì sao ngành công nghiệp ô tô Anh hiện đứng sau cả Indonesia, bị ví là 'chú sư tử già thoi thóp'?
Ngày 17/1/2023, dự án cột mốc của ngành xe điện Anh là hãng phát triển ắc quy xe điện BritishVolt đã vỡ nợ và rơi vào diện bị các cơ quan chức năng tiếp quản (collapsed into administration). Đây là một cú sốc cho ngành xe hơi nói chung và ô tô điện nói riêng của Anh.
Tuy nhiên tờ The Economist nhận định ngành xe hơi của Anh, vốn từng nổi tiếng thế giới thì trong nhiều năm qua đã trở thành “chú sư tử già” rớt lại phía sau nhiều cường quốc ô tô và sự đổ vỡ của BritishVolt là điều đã được tiên đoán trước.
Vào thập niên 1950, nền công nghiệp Anh cho ra đời số lượng ô tô nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới ngoại trừ Mỹ. Quốc gia này cũng được coi là khởi nguyên của giải đua xe Công thức 1 (F1) khi giải đấu đầu tiên được tổ chức tại Silverstone.
Vậy nhưng đến thập niên 1970, ngành xe hơi của xứ sở sương mù lại dần tụt hậu.
Vào năm 2016, Anh vẫn cho ra đời khoảng 1,7 triệu chiếc xe nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, đi cùng với đó là Brexit và sự bùng nổ của ngành xe điện, nền công nghiệp ô tô của nước này lao dốc nhanh chóng.
Tính trong cả năm 2022, Anh chỉ sản xuất được 770.000 chiếc ô tô và xếp hạng nước sản xuất nhiều xe hơi nhất thế giới bị tụt từ vị trí thứ 13 năm 2016 xuống vị trí 18, đứng sau cả những nước như Indonesia (14) hay Thái Lan (10).
Thoi thóp
Mang tiếng là một nước công nghiệp nổi tiếng tại Châu Âu nhưng nền kinh tế Anh lại đang mất dần sức hút với các nhà sản xuất xe hơi.
Tập đoàn BMW vào tháng 10/2022 đã đổi ý, tuyên bố rằng các phiên bản xe điện của họ sẽ được sản xuất tại Trung Quốc trong khi nhà máy ở Oxford-Anh sẽ chỉ sản xuất dòng ô tô chạy xăng truyền thống, vốn sẽ bị BMW dần loại bỏ hoàn toàn trong tương lai.
Ngay sau đó, startup sản xuất xe van điện Arrival cũng tuyên bố chuyển phần lớn hoạt động sản xuất của mình từ Anh sang North Carolina-Mỹ.
Tờ Economist nhận định ngành sản xuất xe hơi tuyển dụng trực tiếp khoảng 182.000 lao động Anh và đóng góp 67 tỷ Bảng, tương đương 83 tỷ USD cho nền kinh tế này năm 2021.
Tuy nhiên vấn đề toàn cầu hóa ngành sản xuất xe hơi, Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) cũng như năng suất quá kém trong việc chuyển đổi xe điện đã khiến nền công nghiệp ô tô của xứ sở sương mù lao dốc.
Trên thực tế, xu thế toàn cầu hóa ngành sản xuất xe hơi ban đầu có lợi cho nền kinh tế Anh khi những thương hiệu ô tô nổi tiếng của Nhật Bản như Toyota, Nissan mở các nhà máy tại địa phương, trong khi nhiều công ty nước ngoài đổ vốn đầu tư cho các thương hiệu ô tô Anh.
Với những lợi thế như có năng lực kỹ thuật cao, luật lao động linh hoạt và là thành viên EU, Anh trở thành một điểm thu hút lớn cho các nhà sản xuất ô tô thời đó. Khoảng 80% xe hơi sản xuất tại Anh được xuất khẩu ra nước ngoài và một nửa trong đó đến thị trường Châu Âu.
Tuy nhiên toàn cầu hóa cũng đem lại nhiều rắc rối cho Anh khi sự xung đột về lợi ích giữa người bản địa và lao động nước ngoài, cũng tư tưởng bảo thủ khiến các doanh nghiệp quốc tế dễ dàng từ bỏ thị trường này để dịch chuyển sang nơi khác khi đã không còn lợi thế.
Tiêu biểu nhất phải kể đến Brexit.
Vào năm 2021, hãng Honda đã đóng cửa nhà máy sản xuất tại Swindon-Anh, nơi họ từng sản xuất đến 150.000 chiếc xe mỗi năm với lý do quyết định rời EU của nước này gây ảnh hưởng tiêu cực.
Mặc dù Anh vẫn có thể đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do nhưng Brexit đã khiến các thủ tục giấy tờ, hồ sơ cho sản xuất xe hơi cũng như linh kiện đi kèm để xuất khẩu trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Tiếp đó, việc Brexit hạn chế người lao động nhập cư khiến Anh lâm vào tình cảnh khủng hoảng thiếu nhân lực. Hệ quả là chi phí nhân công tăng cao nhưng cũng chưa chắc tìm đủ lao động. Thế rồi lạm phát kỷ lục cùng giá năng lượng tăng mạnh khiến tình hình càng trở nên tồi tệ cho nền công nghiệp xe hơi nước này.
Mặc dù nổi tiếng về kỹ thuật và thương hiệu lâu đời nhưng trong ngành ô tô đang đứng trước cuộc cách mạng toàn diện về xe điện như hiện nay, những yếu điểm của Anh khiến nhiều hãng xe hơi phải đổi ý.
Chậm chân
Với những tập đoàn muốn sản xuất xe điện tại Anh, họ gặp phải vấn đề cực lớn là nguồn cung ắc quy. Nghiên cứu của Viện Faraday Institution cho thấy với quy mô sản lượng ắc quy quá nhỏ như hiện nay thì ngành xe điện tại Anh không thể phát triển được. Thậm chí việc nhập khẩu ắc quy cũng chỉ là lựa chọn bất đắc dĩ do còn liên quan đến chi phí, chuỗi cung ứng cũng như thời gian vận chuyển.
“Ắc quy là linh kiện thiết yếu của xe điện và với tư tưởng cần ngay và luôn cho hiệu suất cao của ngành ô tô thì liệu Anh có thể phát triển nền công nghiệp xe hơi theo kịp thời đại mà không có đủ ắc quy là một câu hỏi bỏ ngỏ”, chuyên gia David Bailey của trường đại học Birmingham University nhấn mạnh.
Mặc dù Anh có lợi thế năng lượng gió tại vùng Biển Bắc (North Sea) nhưng nền kinh tế này đã quá chậm chân trong mảng xe điện. Hiện tại, Châu Âu đã có hơn 40 nhà máy sản xuất ắc quy cỡ lớn đang vận hành hoặc sẽ đưa vào hoạt động. Đây là dự án của các startup hoặc những tập đoàn lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tại Anh, nhà máy ắc quy cỡ lớn duy nhất của họ là tại Sunderland do Nissan đầu tư.
Thương hiệu Jaguar Land Rover được Tata-Ấn Độ mua lại vào năm 2008 hiện đang đàm phán với chính phủ về việc xây dựng một nhà máy ắc quy cỡ lớn, nhưng với những thách thức từ Brexit thì thỏa thuận này vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngay cả Toyota dù có nhà máy ở Derbyshine và Wales nhưng tập đoàn này cũng có đến 6 nhà máy khác ở Châu Âu với lợi thế hơn rất nhiều để xây xưởng ắc quy cỡ lớn thay vì đặt chúng tại Anh.
Thậm chí ngay cả khi chính phủ Anh đầu tư cho các startup xây nhà máy ắc quy thì liệu những hãng xe điện có dám chấp nhận sử dụng các sản phẩm không có tên tuổi này, vốn chiếm 2/3 giá trị chiếc ô tô điện hay không cũng là một câu hỏi.
Ví dụ điển hình nhất là BritishVolt, dù được chính phủ Anh tung hô nhưng vì thiếu khách hàng nên cũng rơi vào cảnh vỡ nợ. Một startup khác là Coventry cũng chẳng có nhiều nhà đầu tư hứng thú. Trong khi đó, startup sản xuất ắc quy điện NorthVolt tại Thụy Điển thì lại đang nhận được đầu tư lớn từ Volvo và Volkswagen.
Báo cáo của IHS Markit cho thấy những khoản hỗ trợ phát triển ô tô điện của chính phủ Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy đem lại hiệu quả khá lớn vì đây vẫn là thị trường sản xuất xe hơi hấp dẫn của nhiều tập đoàn quốc tế.
Thậm chí ngay cả ở Mỹ, các khoản kích thích hàng nghìn tỷ USD cũng khiến nhiều hãng xe điện lựa chọn thị trường này.
Thương hiệu xe Rolls Royce của Anh
Tuy nhiên ở Anh, các khoản hỗ trợ của chính phủ lại chỉ tập trung vào khu vực trung tâm đất nước mà bỏ qua nhiều vùng ven, khiến hàng loạt các nhà máy sản xuất xe hơi gặp khó khi muốn tiếp cận các chính sách ưu đãi.
Tồi tệ hơn, thời gian để ngành công nghiệp xe hơi Anh thay đổi nhằm tránh sụp đổ thêm đã không còn nhiều. Phía EU sẽ ngừng bán xe xăng truyền thống từ năm 2035, còn Anh là từ năm 2030.
Theo những thỏa thuận từ Brexit, tính từ năm 2027, ô tô nhập khẩu từ Anh vào EU sẽ phải có 55% tổng giá trị linh kiện là được sản xuất tại 1 trong 2 thị trường này nếu không muốn chịu khoản thuế 10%.
Tất nhiên, với sức hút từ các đội đua xe công thức 1 và những thương hiệu nổi tiếng như Rolls Royce, Bentley hay Aston Martin, nền công nghiệp sản xuất xe hơi của Anh vẫn có thể tồn tại.
Thế nhưng nếu các hãng xe học tập Honda, dịch chuyển nhà máy sang nơi khác để có lợi thế hơn thì dần dần ngành công nghiệp ô tô đáng tự hào của Anh có lẽ sẽ dần mai một.
Article sourced from AUTOPRO.
Original source can be found here: http://autopro.com.vn/tu-cuong-quoc-xe-hoi-noi-tieng-voi-giai-dua-cong-thuc-1-vi-dau-nganh-cong-nghiep-o-to-anh-hien-dung-sau-ca-indonesia-bi-vi-la-chu-su-tu-gia-thoi-thop-17723013016120575.chn