Vì sao không nên xem tất cả F0 là bệnh nhân?

08:00' 28-07-2021
Theo các chuyên gia, những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 chưa xuất hiện triệu chứng có thể là người lành mang trùng, chỉ cần bổ sung vitamin, nước, theo dõi sức khỏe.


    Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhận định ngành y tế cần coi những trường hợp F0, nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng, chưa phải bệnh nhân. Những người này cần được cách ly để không lây nhiễm virus ra cộng đồng và phải thay đổi cách quản lý, chăm sóc.

    Đồng tình với nhận định này, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần thay đổi trong việc sử dụng thuật ngữ bệnh nhân, từ đó đưa ra những tính toán, cách xử lý phù hợp với tình hình dịch hiện nay.

    Ai cần đến bệnh viện điều trị?

    Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cho biết: “Trong y học, chúng ta có thuật ngữ 'người lành mang trùng'. Một số trường hợp tồn tại virus ở cơ thể suốt đời nhưng không gây ra bất cứ trở ngại nào trong cuộc sống. Thuật ngữ 'người lành mang trùng' chính là ý chỉ những trường hợp này”.

    Với Covid-19, chúng ta đã coi tất cả người nhiễm SARS-CoV-2 là bệnh nhân và đưa vào bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, qua hơn một năm chiến đấu với đại dịch, ngành y tế đã hiểu biết nhiều hơn về bệnh lý do SARS-CoV-2 gây ra.

    Nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không chuyển sang mức độ bệnh lý, do đó, họ không cần điều trị đặc biệt.

    PGS.TS Nguyễn Viết Nhung

    “Trong số người nhiễm SARS-CoV-2 (có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR dương tính với virus), không phải tất cả đều xuất hiện triệu chứng của bệnh. Nhiều trường hợp không chuyển sang mức độ bệnh lý, do đó, họ không cần điều trị đặc biệt hay chăm sóc y tế. Một số người chỉ cần bổ sung vitamin, đủ nước và theo dõi sức khỏe”, PGS Nhung nói.

    Trong 3 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến trước làn sóng thứ 4 với khoảng 3.000 ca nhiễm SARS-CoV-2, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đưa ra số liệu thống kê cho thấy khoảng hơn 60% trường hợp không xuất hiện triệu chứng của bệnh. Khoảng gần 20% trường hợp có triệu chứng của Covid-19 nhưng ở mức độ rất nhẹ. Tổng 2 nhóm này chiếm 84% số lượng người nhiễm nCoV tại Việt Nam.

    Số còn lại (khoảng 16%) là trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 diễn biến ở mức độ trung bình, nặng và nguy kịch. Nhóm này cần được xét là bệnh nhân và buộc phải điều trị trong bệnh viện.

    Dựa trên số liệu thống kê đó, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19 với 5 mức độ: Người không triệu chứng, người có triệu chứng nhẹ, người có triệu chứng trung bình, người diễn biến nặng và các trường hợp nguy kịch.

    “Đã là bệnh nhân, họ phải được đưa vào bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta coi tất cả người nhiễm virus nhưng không có hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ là bệnh nhân và đưa họ vào bệnh viện, hệ thống y tế sẽ không thể đáp ứng đủ”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.

    phan biet benh nhan covid-19 anh 1

    Khoảng 16% trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có diễn biến trung bình, nặng, thậm chí nguy kịch sẽ được xem là bệnh nhân Covid-19. Ảnh minh họa: Việt Linh.

    Theo vị chuyên gia này, thực tế, những trường hợp trên không cần sự chăm sóc đặc hiệu hay can thiệp y tế. Yêu cầu đối với những trường hợp này là đảm bảo vấn đề dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi và theo dõi phát hiện các diễn biến nặng, qua đó chuyển vào bệnh viện điều trị.

    Một số chuyên gia lo ngại về các trường hợp diễn biến nặng "âm thầm", cá biệt khi phát hiện có chuyển biến bệnh rất nhanh. Do đó, ngành y tế sẽ cần có hướng dẫn cụ thể cho người dân, tối ưu nhất là đảm bảo máy đo bão hòa oxy cho từng trường hợp.

    Ông Nhung nhấn mạnh: “Việc đề phòng biến chứng với những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không có hoặc xuất hiện triệu chứng nhẹ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chúng ta phải theo dõi sát được tình trạng sức khỏe của họ, phát hiện kịp thời nhóm người thuộc 16% diễn biến trung bình trở lên, qua đó đưa họ tới bệnh viện. Đây mới là những bệnh nhân Covid-19”.

    Cùng chung quan điểm về việc không nên coi các F0 chưa có triệu chứng là bệnh nhân, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bổ sung mục tiêu chủ yếu với nhóm người này là giữ, không để họ lây lan virus ra cộng đồng.

    “Khi không có triệu chứng, những người nhiễm SARS-CoV-2 cũng không có nhu cầu điều trị hay can thiệp y tế. Do đó, chúng ta không thể coi họ là bệnh nhân Covid-19. Họ cần được cách ly khỏi cộng đồng để tránh việc virus lây cho người khác. Nếu đảm bảo được mục tiêu này, theo dõi sát tình trạng sức khỏe, những trường hợp này cũng không cần quá lo lắng”, bác sĩ Khanh nói.

    Cách theo dõi F0 tại nhà

    Theo PGS Nguyễn Viết Nhung, dựa trên khái niệm này, ngành y tế cần phân biệt rõ và có những tính toán để xử trí phù hợp cho từng tình huống.

    “Với những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, việc theo dõi sức khỏe cho họ là mục tiêu chính. Trong trường hợp cần thiết, họ chỉ cần được bổ sung các loại thuốc hạ sốt, vitamin hay thực phẩm chức năng theo chỉ định của nhân viên y tế”, vị chuyên gia này nói.

    phan biet benh nhan covid-19 anh 2

    Với các trường hợp nhiễm virus không có hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ, việc theo dõi sức khỏe của họ và cách ly là mục tiêu hàng đầu. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

    Tuy nhiên, ông Nhung nhấn mạnh việc theo dõi sức khỏe cho người nhiễm virus chưa xuất hiệu triệu chứng có nhiều hình thức khác nhau, tại các cơ sở cách ly tập trung, trạm y tế hoặc ở nhà. Trong trường hợp theo dõi tại nhà, họ phải đảm bảo ở phòng riêng, có người theo dõi, giám sát đầy đủ.

    PGS Nhung giải thích: “Người theo dõi có thể là người nhà, nhân viên y tế hoặc thành viên tổ Covid-19 cộng đồng - đây cũng là phương án tốt nhất. Những người này sẽ kết nối với bệnh viện, bác sĩ để khi cần, họ có thể đưa F0 tới điều trị kịp thời, tránh xảy ra tình huống đáng tiếc”.

    Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng nhấn mạnh các trường hợp không có triệu chứng của Covid-19 nhưng mang bệnh lý nền nặng là những nguy cơ lớn mà ngành y tế cần đặc biệt lưu ý. Chúng ta cần phân loại rõ từng đối tượng, nhóm nguy cơ để đưa ra biện pháp phù hợp, hiệu quả và an toàn nhất.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/vi-sao-khong-nen-xem-tat-ca-f0-la-benh-nhan-post1243641.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ