Vì sao giá phòng tại Nhật tăng vọt?
Giá phòng tại Tokyo tăng 50% vào Tuần lễ Vàng. Ảnh: Aleksandar Pasaric/Pexels. |
Tuần lễ Vàng tại xứ sở hoa anh đào là tuần có đến 8 ngày lễ được kỷ niệm xuyên suốt từ ngày 29/4 cho đến đầu tháng 5. Đây là khoảng thời gian người dân Nhật Bản mong chờ nhất vì có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và đi du lịch cùng gia đình, bạn bè.
Vào dịp lễ năm nay, bất chấp tình trạng thiếu lao động đang diễn ra ở Nhật Bản, giá phòng khách sạn ở nước này vẫn đang tăng vọt do sự hồi phục của ngành du lịch trong và ngoài nước.
Giá phòng tăng mạnh tại các thành phố lớn
Dựa trên số liệu báo cáo của Nikkei khảo sát 50 khách sạn tại 5 thành phố lớn của Nhật Bản là Sapporo, Tokyo, Kyoto, Osaka và Fukuoka, vào ngày 29/4 - ngày đầu tiên của Tuần lễ Vàng - các khách sạn được khảo sát đều cho biết giá phòng trung bình trong một ngày (ADR) năm nay tăng so với dịp lễ năm ngoái. Khoảng 20% khách sạn báo cáo mức tăng 10-40%, 60% khách sạn khác (đa phần ở Tokyo) cho biết ADR sẽ tăng ít nhất 50%.
Tương tự, dữ liệu khảo sát của công ty nghiên cứu khách sạn STR (Mỹ) cũng cho thấy giá phòng trung bình trên toàn Nhật Bản vào tháng 3 tăng 21% so với năm 2019 và tăng 59% trong năm nay.
Căn phòng tại một khách sạn ở quận Asakusa, Tokyo. Ảnh: Taro Saeki. |
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá phòng tại Nhật Bản tăng mạnh là sự gia tăng về nhu cầu đặt phòng của du khách. Đại diện các khách sạn được Nikkei khảo sát cho biết họ mong đợi tỷ lệ lấp phòng khoảng 70% trở lên vào dịp lễ này, song số lượng đặt phòng tăng đột biến đẩy tỷ lệ này đạt mức tối đa, có nơi kín phòng trước lễ.
Khách nội địa đa phần đi du lịch theo nhóm vào tuần nghỉ lễ này. Đại diện chuỗi khách sạn bình dân MyStays cho biết khách sạn sắp kín phòng vào Tuần lễ Vàng. Khách đặt phòng đa phần là nhóm khách gia đình. Một khách sạn khác tại Kyoto cũng cho biết lượng khách đặt phòng theo nhóm có dấu hiệu tăng so với năm ngoái.
Sự phục hồi du lịch trong và ngoài nước tại nước này cũng góp phần đẩy công suất phòng và giá phòng tăng. Khách sạn Yaenomidori Tokyo ghi nhận khách nước ngoài đến Nhật Bản vào ngày đầu tiên của Tuần lễ Vàng đang chiếm 64% lượng đặt phòng.
Khách Trung Quốc bắt đầu quay trở lại Nhật Bản sau một thời gian vắng bóng vì đại dịch. Ông Takuto Yasuda, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu NLI (Nhật Bản), ước tính vào tháng 5, lượng du khách Trung Quốc du lịch tại xứ sở hoa anh đào sẽ rơi vào khoảng 80% so với thời điểm trước đại dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh dấu hiệu hồi phục tích cực đến từ lượng du khách, các khách sạn Nhật Bản vẫn đang đau đầu vì nguồn cung phòng còn hạn chế do thiếu nhân lực.
Khát nhân lực
Chủ một khách sạn trong khu giải trí của thành phố Osaka cho biết khách sạn chỉ có thể thuê nhân viên lễ tân kiêm giúp dọn phòng vì thiếu nhân viên. Khách sạn chỉ có thể vận hành khoảng 75% số phòng.
Một khách sạn nghỉ dưỡng ở Kyoto đã giảm số lượng phòng có dịch vụ ăn tối tại phòng và chỉ cung cấp bữa sáng hoặc không có bữa ăn nào vì thiếu nhân công. Thay vì cung cấp từng món một, toàn bộ món ăn được mang đến cho khách trong một lần.
Nguồn gốc sâu xa của việc khát nhân sự tại Nhật Bản bắt nguồn vào thời kỳ khủng hoảng khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Các khách sạn không thể cầm cự thêm nên họ chọn cách sa thải nhân viên lúc ngành du lịch đóng băng. Khi một số chính sách hạn chế đi lại được nới lỏng, nhu cầu đi du lịch của du khách tăng trở lại khiến các khách sạn chưa đủ kinh phí để chi trả cho nhân viên mới với mức lương họ mong muốn.
Trong hội nghị về khách sạn của Đại học New York (Mỹ) năm 2021, David Kong, cựu giám đốc điều hành của BWH Hotel Group (Mỹ), cho biết việc sa thải quá nhiều nhân viên vào thời kỳ đại dịch là vấn đề khó tránh khỏi. Các nhân viên cảm thấy bị bỏ rơi trong thời kỳ khủng hoảng và họ buộc phải chuyển sang ngành khác an toàn hơn.
Các khách sạn và nhà trọ trên khắp Nhật Bản đang thực hiện nhiều động thái khác nhau để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự, nhưng phần lớn họ chọn cách cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên.
Mitsuo Fujiyama, nhà nghiên cứu cấp cao tại Japan Research Institute Ltd., cho biết giải pháp hiệu quả nhất là cải thiện lương cho nhân viên, cải cách điều kiện làm việc và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực khách sạn. 3 động thái này không chỉ giúp các khách sạn tại Nhật Bản giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự mà còn có thể đưa khách sạn tiến xa hơn trong tương lai.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/ly-do-gia-phong-o-nhat-ban-tang-vot-post1426236.html