Ukraine đang thắng thế trong cuộc đấu drone với Nga
Xung đột tại Ukraine có thể coi là cuộc chiến về phương tiện bay không người lái (drone), loại khí tài được sử dụng với nhiều nhiệm vụ như trinh sát, tấn công, rải mìn hay tiếp tế. Bên nào có thể triển khai khí tài này với số lượng nhiều hơn và chất lượng tốt hơn sẽ chiếm được lợi thế không nhỏ trước đối phương, kể cả khi bị áp đảo về nhân lực và hỏa lực trên các phương diện khác.
Với tiềm lực kinh tế và công nghiệp quốc phòng vượt trội, Nga trên lý thuyết có thể dễ dàng vượt xa Ukraine về lĩnh vực sản xuất drone. Tuy nhiên, trên thực tế, drone và thiết bị gây nhiễu, thứ được cho là phương pháp chống drone hiệu quả bậc nhất, do Nga sản xuất có chất lượng thấp, khiến Moskva không thể chiếm ưu thế trên lĩnh vực này ở tiền tuyến, theo chuyên gia quân sự David Axe.
Axe cho biết cả Nga và Ukraine đều đang sản xuất khoảng 100.000 drone góc nhìn thứ nhất (FPV) một tháng. Đây được coi là loại drone quan trọng nhất trên chiến trường hiện nay, có kích thước nhỏ, giá thành mỗi chiếc khoảng 500 USD, sở hữu khả năng bay xa nhiều km khi mang theo đầu nổ nặng vài kg.
Binh sĩ Lữ đoàn Pháo binh 42 Ukraine điều khiển drone FPV gần Vovchansk, Kharkov hồi tháng 6. Ảnh: AFP
Người vận hành điều khiển chúng thông qua một bộ thiết bị thực tế ảo đeo trên đầu, giúp họ có thể quan sát như phi công thực thụ ngồi trong buồng lái máy bay.
Các đòn tập kích bằng drone FPV có thể khiến lính bộ binh bị thương hoặc thiệt mạng, thậm chí có thể phá hủy hoàn toàn những khí tài hạng nặng như xe tăng, thiết giáp nếu đánh trúng vị trí hiểm yếu.
Hồi mùa xuân, thời điểm nhiều lữ đoàn Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo do nguồn cung từ phương Tây bị đóng băng, drone FPV đã giúp lực lượng Ukraine lấp đầy khoảng trống về hỏa lực và khiến Nga gặp không ít khó khăn trên chiến trường.
Theo các nhà phân tích chuyên thống kê tổn thất của hai bên trong cuộc xung đột, số lượng các cuộc tập kích bằng drone FPV của Ukraine cao hơn ít nhất ba lần so với Nga, thậm chí có thể lên tới 6 lần, dù Moskva và Kiev sản xuất được số lượng drone gần như tương đương nhau.
Axe cho rằng nguyên nhân nhiều khả năng xuất phát từ chất lượng thiết bị. Quân đội Ukraine được cung cấp drone FPV theo hai nguồn chính: sản xuất tập trung ở nội địa hoặc nước ngoài với kinh phí do chính phủ cung cấp, hoặc từ các xưởng sản xuất nhỏ trong nước, thường được các cá nhân hoặc tổ chức phi chính phủ tài trợ.
"Chương trình phát triển, sản xuất drone của Ukraine có tính đa dạng, phân tán và nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu", Axe cho biết.
Ngược lại, đối với Nga, việc sản xuất drone được chính phủ nước này kiểm soát chặt chẽ và chỉ được một số doanh nghiệp nhà nước lớn thực hiện. Quy trình sản xuất thường bị "đóng khung", có thể làm chậm quá trình đổi mới sáng tạo, theo Axe.
Samuel Bendett, chuyên gia về drone tại viện nghiên cứu CNA có trụ sở tại Mỹ, cho biết drone FPV của Nga "có chất lượng tổng thể thấp" và "gặp nhiều vấn đề kỹ thuật", khiến một số chiếc gần như không thể bay lên không trung ngay cả khi vừa được lấy ra khỏi hộp.
Sự khác biệt về chất lượng còn lớn hơn khi xét đến các khí tài chống drone của hai bên, đặc biệt là thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến được thiết kế để chặn tín hiệu liên lạc giữa drone và người vận hành.
Lực lượng Nga thời gian gần đây trang bị rất nhiều thiết bị gây nhiễu cầm tay cho xe tăng, thiết giáp và bộ binh, nhằm đối phó các cuộc tập kích bằng drone FPV ngày càng tăng của Ukraine. Tuy nhiên, một lượng lớn thiết bị dạng này không hoạt động, với nguyên nhân tương tự lý do nhiều drone FPV Nga không thể bay lên trời. "Chúng có chất lượng chế tạo cực kỳ tệ", một nhà quan sát Nga thừa nhận.
Đầu tháng 4, Lữ đoàn Azov Ukraine đã tiến hành chiến dịch táo bạo kéo dài ba đêm để tịch thu một xe tăng được trang bị cụm gây nhiễu trên tháp pháo của Nga sau khi nó bị vô hiệu hóa và bỏ lại, và phát hiện rằng cụm thiết bị này hoạt động không hiệu quả. "Chúng được chế tạo một cách tạm bợ", một binh sĩ tham gia chiến dịch thu hồi chiếc xe tăng cho biết.
Từng thiết bị phá sóng riêng lẻ và ăng ten đều đạt tiêu chuẩn sản xuất tại nhà máy, song cách lắp ráp thì giống như "đồ tự chế tại nhà", do chúng chỉ được buộc lại với nhau bằng dây thừng và đặt lên một tấm gỗ, theo Axe.
Cụm thiết bị gây nhiễu kiểu chắp vá của Nga trong video được Lữ đoàn Azov đăng ngày 6/4. Ảnh chụp màn hình video
Đây dường như không phải hiện tượng riêng lẻ. Mới đây, một thiết bị phá sóng đa tần số, được ít nhất một kênh mạng xã hội nổi tiếng ở Nga quảng cáo, đã bị một blogger nước này chê là "vô dụng". Tài khoản trên liệt kê rất nhiều lỗi kỹ thuật lớn của sản phẩm, cho rằng nó có kích thước và trọng lượng quá lớn, tay cầm cũng dễ bị hỏng, dù có giá thành lên tới 2.400 USD.
Các lỗi kỹ thuật bao gồm ăng-ten không phù hợp và không được căn chỉnh đúng cách, bộ phận làm mát bị lắp đặt sai, không đủ để xử lý nhiệt lượng lớn do cụm thiết bị tỏa ra. "Thật đáng sợ khi phải tưởng tượng bao nhiêu người đã chết vì nhầm tưởng rằng thiết bị này có thể giúp họ chống lại các cuộc tấn công của drone", blogger trên viết.
"Trong cuộc chiến drone, Ukraine rõ ràng đang chiến thắng. Không phải vì họ sản xuất được nhiều drone và thiết bị gây nhiễu hơn, mà vì các khí tài của Nga có chất lượng kém hơn", Axe nêu quan điểm.
Dù vậy, việc giành ưu thế trên lĩnh vực drone chưa thể giúp Ukraine chặn được đà tiến của Nga. Với lợi thế áp đảo về hỏa lực, đặc biệt là đạn pháo, quân đội Nga đang tiến công "chậm mà chắc" và đã giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường, đặc biệt là tại mặt trận phía đông.
"Chúng tôi đang sản xuất rất nhiều drone, song chúng không phải là giải pháp thay thế cho bất kỳ loại vũ khí nào cả", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4 cho biết. "Chúng không thể đóng vai trò của vũ khí tầm xa, tên lửa hay đạn pháo".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ukraine-co-the-dang-gianh-uu-the-trong-cuoc-chien-drone-4768835.html