Úc - Trung đấu khẩu qua lại vì AUKUS
"Các ngài sẽ tấn công ai? Các ngài không còn là những người yêu và bảo vệ hòa bình, mà đã trở thành những kẻ phô trương thanh thế theo một cách nào đó", đại biện lâm thời Trung Quốc tại Australia Wang Xining nói trong cuộc phỏng vấn được truyền thông Anh công bố hôm nay.
Wang cũng cảnh báo Australia sẽ trở thành "kẻ ngỗ ngược" nếu sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS ký với Mỹ và Anh, đồng thời cho rằng Canberra không đủ năng lực để xử lý những vấn đề có thể xảy đến với tàu ngầm hạt nhân.
"Liệu các chính trị gia nước này có sẵn sàng xin lỗi người dân nếu xảy ra sự cố hay không", ông Wang nói và kêu gọi Australia không làm điều gì "tổn hại đến quan hệ" song phương.
Tàu ngầm HMAS Sheean tại cảng Beauty Point, bang Tasmania của Australia ngày 27/2. Ảnh: RAN.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton sau đó lên tiếng đáp trả. "Những bình luận khiêu khích đó thật hài hước, chúng thực sự ngớ ngẩn đến mức nực cười", ông nói, cho rằng phần lớn người dân Australia "đều nhìn ra bản chất thiếu tính xây dựng của các phát biểu đó".
Bộ trưởng Dutton trước đó khẳng định Australia sẽ ủng hộ Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Australia hôm 16/9 tuyên bố hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Attack trị giá 90 tỷ đôla Australia (65,9 tỷ USD) của tập đoàn Pháp Naval Group. Thay vào đó, nước này quyết định đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao, nằm trong thỏa thuận liên minh ba bên mang tên AUKUS.
Chính phủ Trung Quốc mô tả thỏa thuận ba bên này là mối đe dọa "cực kỳ vô trách nhiệm" với ổn định trong khu vực, bày tỏ hoài nghi về cam kết không phổ biến hạt nhân của Australia và cảnh báo các đồng minh phương Tây của Canberra rằng họ có nguy cơ "tự bắn vào chân mình".
Quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh trở nên nguội lạnh sau khi Australia cấm công ty Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm ở nước này và công khai kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19. Trung Quốc đáp trả bằng cách áp nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn với hàng hóa Australia trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng bằng cách chuyển hướng xuất khẩu hàng hóa sang các khu vực khác, Australia đã hóa giải thành công sức ép thương mại từ Trung Quốc, giúp Canberra thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/australia-trung-quoc-dau-khau-vi-aukus-4388492.html