Úc thay đổi trong cách tiếp cận đối ngoại
Điều Australia mong muốn là một trật tự khu vực mà ở đó Australia hay các quốc gia khác không phải rơi vào thế phải "chọn bên".
Ngoại trưởng Australia đang tập trung vào việc thúc đẩy mối quan hệ khu vực chặt chẽ hơn. (Nguồn: Reuters)
Chuyển hướng trọng tâm
Trong bài viết đăng tải trên tờ Australia Financial Review (AFR), nhà bình luận quốc tế Andrew Clark nhận định chính sách đối ngoại của tân Ngoại trưởng Australia Penny Wong ngày càng có "phong cách" khác với những người tiền nhiệm, thể hiện qua việc bà chuyển hướng trọng tâm sang củng cố quan hệ với các nước láng giềng thân cận, thay vì tập trung vào Mỹ và phương Tây.
Tác giả dẫn chứng trong lúc thế giới đang chú ý tới những diễn biến mới nhất của cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng Bảng Anh sụp đổ, biến động tại Phố Wall hay cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục đe dọa châu Âu, thì tại Canberra, các nhà chức trách Australia đã có những cuộc họp song phương quan trọng với một số quốc gia châu Á láng giềng bạn bè.
Gần đây nhất, bà Wong thậm chí đã có cuộc gặp mặt trực tiếp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York (Mỹ). Cuộc gặp mặt mở đường cho xu hướng bình thường hóa mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc, vốn đã bị "đóng băng" trong suốt những năm gần đây.
Theo nhà bình luận Andrew Clark, Ngoại trưởng Wong đang tập trung vào việc thúc đẩy mối quan hệ khu vực chặt chẽ hơn, thay vì theo đuổi các vấn đề lớn trên toàn cầu.
Australia mong muốn duy trì một trật tự khu vực "được điều chỉnh bởi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế", nơi "các quốc gia không bắt buộc phải lựa chọn theo bất cứ bên nào".
Điều này thể hiện trong bài phát biểu của bà Wong trước ĐHĐ LHQ vào ngày 23/9. Bà khẳng định cấu trúc khu vực đang được định hình lại và Australia sẽ nỗ lực làm việc với các đối tác trong ASEAN để cùng nhau định hình cấu trúc mới này.
Quan hệ Australia-Thái lan: Một ví dụ điển hình
Tác giả lấy ví dụ về trường hợp của Thái Lan. Trong nhiều năm qua, mối quan hệ kinh tế giữa Australia và Thái Lan đã bị "phủ bóng" bởi mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hàng năm của Australia và Thái Lan chỉ bằng 1/10 so với kim ngạch thương mại Australia-Trung Quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ của Australia và Thái Lan rất bền chặt. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), hơn 3.000 công ty Australia đã xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan và khoảng 300 công ty Australia có sự hiện diện tại nước này.
Hơn nữa, Australia và Thái Lan đều là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA). Vào năm 2020, 2 nước này cùng với 13 quốc gia khác đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), sau tiến trình đàm phán kéo dài tới 8 năm. Khi RCEP có hiệu lực đầy đủ, đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/3 dân số và sản lượng kinh tế toàn cầu.
Một nguồn tin tại Canberra tiết lộ, cuộc họp kéo dài 2 ngày giữa bà Wong và các nhà lãnh đạo Thái Lan tại thủ đô của Australia trong tuần cuối tháng 9 vừa qua cho thấy mối quan hệ đang phát triển giữa Australia và Thái Lan là ví dụ về một mối quan hệ song phương được hình thành theo quy luật "gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch".
Nguồn tin này nhấn mạnh đó là một hình mẫu hợp tác giữa các quốc gia tầm trung mà Ngoại trưởng Wong đã nhắc tới trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ vừa qua.
Theo nhà phân tích Andrew Clark, mối quan hệ song phương Thái Lan-Australia là điển hình của một hình thái mới trong chính sách đối ngoại mà Công đảng Australia đang theo đuổi, vốn hoàn toàn khác biệt so với dưới thời kỳ lãnh đạo của liên Đảng Tự do-Quốc gia xuyên suốt 9 năm qua.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan, nội dung bao trùm trong chính sách đối ngoại của Australia vẫn được giữ nguyên, bao gồm liên minh với Mỹ, tư cách thành viên trong nhóm Bộ tứ và gần đây hơn là thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).
Trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ, bà Wong đã đưa ra các dẫn chứng để khẳng định quan điểm cần tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia vừa và nhỏ, cũng như nâng cao tiếng nói của người bản địa trong chính sách đối ngoại của Australia.
Tác giả Andrew Clark cho rằng, việc tập trung vào các quốc gia tầm trung trong khu vực và coi nỗ lực hòa giải dân tộc là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Australia là sự đổi mới triệt để, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng gia tăng ở châu Âu và châu Mỹ.
Xem thêm
Article sourced from baoquocte.vn.