Kính viễn vọng giám sát vệ tinh tại Úc đi vào hoạt động
Chỉ huy cơ quan Phòng thủ không gian Úc Cath Roberts cho biết: “Trên vũ trụ ngày càng đông đúc và cạnh tranh, SST sẽ đem lại nhận thức về vũ trụ và đóng góp cho hợp tác Mỹ - Úc”.
Nhiệm vụ chính của SST là giám sát vệ tinh ở quỹ đạo địa tĩnh, chú ý chuyển động hoặc hoạt động bất thường giữa các vệ tinh. Vệ tinh ở quỹ đạo địa tĩnh thực hiện nhiều công việc như truyền tải sóng truyền hình, định vị GPS, thông tin liên lạc, chụp ảnh Trái đất…
Tuy nhiên cũng có vệ tinh được thiết kế để di chuyển và tấn công các vật thể trên vũ trụ khác. Theo dõi ghi nhận chuyển động bất thường là bước đầu tiên để phát hiện một cuộc tấn công như vậy.
Kính viễn vọng giám sát không gian của lực lượng vũ trụ Mỹ - Ảnh: PopSci
SST được phát triển từ năm 2001 với tư cách một dự án của Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng hiện đại Mỹ (DARPA). Phiên bản kính viễn vọng đầu tiên nằm trên đỉnh núi Bắc Oscura trong khuôn viên khu phóng tên lửa White Sands bang New Mexico, đi vào hoạt động vào năm 2011.
Đến năm 2012, Mỹ - Úc công bố kế hoạch dời SST từ White Sands sang căn cứ hải quân Harold E.Holt (Úc) để có thể quan sát bầu trời nam bán cầu, tăng cường năng lực theo dõi vật thể lẫn rác vũ trụ của Mạng lưới giám sát không gian Mỹ, đưa ra cảnh báo kịp thời về va chạm có thể xảy ra giữa các vật thể.
Mạng lưới giám sát không gian Mỹ tập hợp nhiều kính viễn vọng và hệ thống radar trải rộng toàn cầu. Thông thường việc giám sát rất đơn giản vì các vệ tinh di chuyển theo quỹ đạo cố định không dễ dàng thay đổi. Vệ tinh không có vật thể nào để ẩn nấp mặc dù có vài nơi trên thế giới khó đặt thiết bị giám sát, chẳng hạn phía bắc lục địa Á - Âu hay nam bán cầu. Nhưng nay SST tại Úc sẽ phụ trách quan sát bầu trời nam bán cầu.
SST nay được đặt tại Úc - Ảnh: PopSci
SST tại Úc có phạm vi quan sát rộng lớn, giúp tạo ra dữ liệu giúp đội ngũ phân tích dễ dàng phát hiện vật thể không gian di chuyển bất thường.
Tháng 10.2016, DARPA bàn giao quyền kiểm soát SST cho Lực lượng vũ trụ Mỹ (USSF). Một năm sau kính thiên văn được tháo dỡ chuyển đến Úc.
Article sourced from 1thegioi.vn.