Úc lo ngại làn sóng thứ hai của dịch Covid-19
Vì các quy định về giãn cách xã hội và để bảo vệ sức khỏe, bốn thế hệ gia đình cụ Hilkka Ovaskainen, 92 tuổi, chỉ có thể gặp mặt qua cửa kính.
Australia hiện là một trong số không nhiều quốc gia trên thế giới có tỷ lệ số ca Covid-19 mới giảm mạnh. Mặc dù đây là tín hiệu tốt song chính quyền nước này không chủ quan trong lúc vẫn đang lo ngại làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 có thể sẽ gây ra những tác động nặng nề nếu các biện pháp phòng dịch được nới lỏng quá sớm.
Tính đến chiều 12/4, số ca Covid-19 tại Australia lên đến hơn 6300 trường hợp, trong đó 60 người đã thiệt mạng. Đáng chú ý là tỷ lệ số ca mắc Covid-19 mới tại Australia giảm xuống chỉ còn dưới 2% trong những ngày qua. Theo Giám đốc y tế Australia Brendan Murphy, kết quả này đạt được là nhờ đa phần người dân Australia đã thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội.
Tuy vậy, điều đáng lo ngại là tại Australia vẫn xuất hiện các ca bệnh lây nhiễm từ cộng đồng. Tuy chỉ chiếm khoảng 10% song nếu không kiểm soát tốt nguồn lây bệnh thì chỉ từ 1 người bệnh có thể lây cho 400 người khác trong vòng 1 tháng.
Trong bối cảnh Australia vẫn cấm những người nước ngoài nhập cảnh và buộc tất cả những công dân trở về từ nước ngoài phải cách ly tập trung thì nguồn lây nhiễm trong cộng đồng là lý do chính khiến Australia đang lo ngại về làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 sẽ xuất hiện nếu nước này nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội quá sớm làm gia tăng các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Lo lắng của Australia là có cơ sở khi gần đây, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản sau giai đoạn kiểm soát dịch tốt thì nay các ca bệnh mới lại gia tăng nhanh chóng. Vào ngày 4/4 vừa qua, Singapore đã ghi nhận tỷ lệ số ca Covid-19 mới tăng 60%, chủ yếu là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Nhật Bản sau 2 tháng dịch bệnh được kiểm soát tốt thì cũng vừa phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một tháng sau khi các ca Covid-19 gia tăng nhanh chóng.
Với trường hợp Hàn Quốc, quốc gia từng được ca ngợi vì xét nghiệm trên diện rộng nên đã phát hiện kịp thời các trường hợp bị bệnh thì nay số ca bệnh mới cũng tăng nhanh do những người nước ngoài nhập cảnh vào nước này không tuân thủ quy định về cách ly khiến cho dịch bệnh tiếp tục lây lan ra cộng đồng.
Bắt đầu từ cuối tháng 3, chính phủ Australia đã thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội với hàng loạt các quy định cụ thể trong đó có việc yêu cầu người dân ở trong nhà và chỉ được ra đường với 4 mục đích là đi mua thực phẩm, đi chăm sóc sức khỏe, tập thể dục, đi học hoặc đi làm.
Cảnh sát Australia làm nhiệm vụ tại khu vực giáp ranh giữa bang Queensland và New South Wales. Nguồn AAP
Sau gần hai tuần thực hiện các quy định này, tỷ lệ số ca Covid-19 mới tại Australia đã giảm mạnh khiến không ít người dân mong chờ chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Tuy vậy, Phó giáo sư Ian Mackay thuộc trường Đại học Queensland khẳng định “nếu Australia nới lỏng các biện pháp cách ly quá sớm thì dịch bệnh có thể lại bùng phát mạnh mẽ hơn”.
Phó giáo sư Ian Mackay nhấn mạnh “chúng ta không thể mất tập trung vào mục tiêu chính. Nó thật sự khó chịu, thật sự khó khăn đối với nhiều người và cũng khiến nền kinh tế phải chịu nhiều thiệt hại. Nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện bởi nếu các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng quá sớm sẽ khiến cho virus bùng phát trở lại và lây lan nhanh chóng. Khi đó, tất cả những gì mà chúng ta đã cố gắng sẽ trở nên vô nghĩa”.
Australia đã từng trải qua tình huống tương tự khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát vào năm 1918. Trong giai đoạn đầu của dịch cúm Tây Ban Nha, dịch bệnh đã xuất hiện muộn tại Australia do nước này có vị trí địa lý cách biệt và chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt.
Tuy vậy, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, nó đã bùng phát trong ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là vào tháng Hai, giai đoạn thứ hai vào tháng Tư và giai đoạn thứ ba là vào tháng Bảy. Trong đó, giai đoạn ba được cho là mạnh mẽ nhất và làm nhiều người thiệt mạng nhất.
Từ bài học trong quá khứ và những thực tiễn đang diễn ra ở một số quốc gia khác, chính phủ Australia hiện vẫn giữ quan điểm tiếp tục duy trì các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội trong thời gian dài. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC vào ngày hôm 12/4, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg nhận định, sẽ là “nguy hiểm và không thực tế nếu không quan tâm đến những lời khuyên của các chuyên gia y tế” mà dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội quá sớm.
Bộ trưởng Frydenberg khẳng định, các biện pháp này sẽ tiếp tục “được duy trì đến khi cần thiết”. Bộ trưởng Frydenberg nhận định, “nếu nhìn vào những gì đang diễn ra trên thế giới, tại Mỹ, tại Châu Âu và một phần ở Châu Á rồi nhìn lại những gì đang diễn ra tại Australia, chúng ta không muốn có những trải nghiệm như vậy. Cho đến lúc này, các chuyên gia y tế, những người làm việc trong tuyến đầu chống dịch đang là những người anh hùng thực sự trong cuộc khủng hoảng này”.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2765881