Úc giảm xuất khẩu thịt bò đông lạnh sang Trung Quốc, Mỹ hưởng lợi
Australia được cho là vẫn đang chiếm ưu thế trong việc xuất khẩu thịt bò. (Nguồn: AP) |
Giới phân tích nhận định, sự "lên hạng" này nhấn mạnh thêm căng thẳng thương mại đang diễn gia giữa Canberra và Bắc Kinh, đồng thời cũng cho thấy tiến trình của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đang được thúc đẩy.
Những kỷ lục mới được ghi nhận
Australia là nhà xuất khẩu thịt bò đông lạnh truyền thống sang Trung Quốc. Nhưng kể từ tháng 4 đến nay, sản lượng xuất khẩu của xứ sở kangaroo đã giảm xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ.
Trong tháng 4, Mỹ đã vận chuyển lượng thịt bò đông lạnh trị giá 68 triệu USD sang Trung Quốc, trong khi con số của Australia là 80 triệu USD.
Vào tháng 5, vị trí thương mại đã đảo ngược khi Mỹ xuất khẩu tới 90 triệu USD thịt bò đông lạnh sang Trung Quốc, trong khi giá trị của mặt hàng này từ Australia chỉ đạt mức 47 triệu USD.
Xuất khẩu của Mỹ tiếp tục tăng và đạt 107 triệu USD vào tháng 6, trong khi giá trị các lô hàng của Australia tiếp tục giảm xuống còn 35 triệu USD, hoàn toàn trái ngược với mô hình thương mại của các năm trước.
Australia vẫn chiếm ưu thế trong xuất khẩu thịt bò tươi - một mặt hàng xuất khẩu phổ biến khác sang Trung Quốc - nhưng khoảng cách cũng đang được thu hẹp, mặc dù các chuyên gia cho biết, thịt bò tươi từ Mỹ vẫn đắt hơn nhập khẩu từ Australia và New Zealand.
Một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc vốn Australia có thế mạnh, chẳng hạn như than đá và thịt bò, đã chuyển dần về phía Mỹ kể từ khi tranh chấp chính trị giữa Trung Quốc và Australia cũng như gián đoạn thương mại liên quan giữa hai nước diễn ra trong 18 tháng qua.
Thịt bò Mỹ chiếm ưu thế
Nhà phân tích Michael Curtis của Ngân hàng Nông nghiệp cho biết, xuất khẩu thịt bò từ Mỹ đang được hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 cùng với căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, nhưng Mỹ với tư cách là một trong những nhà sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới đã “vắng bóng đáng kể trên thị trường Trung Quốc” trong những năm trước.
Mặt hàng thịt bò Mỹ đã "lên kệ" trở lại tại thị trường đông dân số 1 thế giới cho đến khi hai nước ký kết Thỏa thuận thương mại.
Australia được coi là đã hưởng lợi khi không cần cạnh tranh với Mỹ ở thị trường Trung Quốc.
Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 2020 với sự ra đời của thoả thuận thương mại giai đoạn một Mỹ-Trung Quốc. Điều này đã mở ra cánh cửa cho thịt bò Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc với khối lượng lớn hơn.
Thỏa thuận giai đoạn một yêu cầu Trung Quốc mua 80 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ trong năm 2020 và 2021.
Theo đó, giá trị xuất khẩu thịt bò đông lạnh của Mỹ sang Trung Quốc từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay cao hơn từ 8 đến 18 lần so với các tháng tương ứng của năm ngoái.
Bên cạnh đó, nhà phân tích cấp cao Pan Chenjun của Rabobank nêu rõ: “Sự vắng mặt của Australia trong năm nay là yếu tố chính mang lại lợi thế cho Mỹ và các nước khác trong xuất khẩu thịt bò”.
Tác động từ quy trình thông quan
Kể từ khi Trung Quốc cấm chính thức một loạt hàng hóa từ Australia, bao gồm than đá, gỗ tròn và rượu vào năm ngoái, xuất khẩu từ Washington vào Bắc Kinh đã tăng lên.
Ví dụ, xuất khẩu than của Mỹ đã thắng lớn trong cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và Australia vì kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên nhanh chóng kể từ khi quốc gia đông dân nhất thế giới ban hành lệnh cấm đối với than Australia vào cuối năm ngoái.
Xuất khẩu thịt bò từ Australia sang Trung Quốc tăng trưởng chậm là kết quả của việc nước này tạm ngừng xuất khẩu thịt từ một số lò mổ vào năm ngoái khi xung đột giữa Bắc Kinh với Canberra lên đến đỉnh điểm.
Đồng thời, sản lượng thịt bò ở Australia giảm do việc xây dựng lại đàn theo mùa làm giảm sản lượng. Sản lượng trong nửa đầu năm giảm 25,9% so với năm 2020.
Lệnh cấm của Trung Quốc đối với xuất khẩu thịt bò từ sáu lò mổ lớn của Australia vào năm ngoái đã có tác động tức thì đến sản lượng xuất khẩu.
Tiếp theo đó, vào cuối năm ngoái, Trung Quốc đã cấm không chính thức một loạt sản phẩm, bao gồm than đá, lúa mạch và rượu của Australia.
Những mặt hàng này phần lớn đều thông quan chậm trễ hoặc bị từ chối tại các cảng của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến các chuyến hàng và cản trở thương mại Bắc Kinh-Canberra.
Theo Ngân hàng Nông thôn Australia, sản lượng thịt bò của nước này dự kiến vẫn tăng đều đặn cho đến cuối năm, tuy nhiên tốc độ này vẫn rất chậm.
“Bên cạnh đó, do sự chậm trễ tại các cảng, một số nhà nhập khẩu thịt bò ở Trung Quốc đã tạm thời giảm nhập khẩu từ Australia,” Pan nói.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from baoquocte.vn.