Úc đang trải qua mức lạm phát kỷ lục
Theo Forbes, vào tháng 8, Cục Thống kê Úc (ABS) báo cáo rằng tỷ lệ lạm phát hàng năm của Úc đã đạt 6,1% trong quý II, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1990. Mọi thứ còn tồi tệ hơn ở Mỹ và Anh, với tỷ lệ lạm phát hàng năm lần lượt là 9,1% và 9,4%. Sự gia tăng lạm phát toàn cầu bắt đầu vào đầu năm 2021 và nó sẽ không đạt đỉnh ở Úc cho đến khoảng sau tháng 10.
Vào ngày 29/9, ABS bắt đầu công bố dữ liệu hàng tháng về lạm phát để cung cấp cho các nhà kinh tế và chính trị gia thông tin cập nhật nhất về mức độ lạm phát trong nền kinh tế và tác động của việc tăng lãi suất.
Nó cho thấy tỷ lệ lạm phát của Úc trong tháng 8 ở mức hàng năm là 6,8%, giảm so với mức 7% của tháng 7 trước đó.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng quý sẽ tiếp tục là thước đo lạm phát quan trọng của Úc, vì các bản cập nhật dữ liệu hàng tháng mới này chỉ ghi nhận mức lạm phát lên tới 70% hàng hóa và dịch vụ.
Theo số liệu do ABS công bố vào ngày 27/7, tại Úc, mức tăng giá đáng kể nhất là do chủ sở hữu mua nhà ở mới, nhiên liệu ô tô, đồ nội thất và trái cây rau củ. Trong quý II, ABS đã ghi nhận CPI tăng 1,8%, đây là thước đo toàn diện nhất về lạm phát giá hàng hóa và dịch vụ.
Điều gì khiến tỷ lệ lạm phát tăng?
Lạm phát cao ở Úc do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Sự phục hồi kinh tế từ cuộc suy thoái toàn cầu do các lệnh phong tỏa Covid-19 đã mạnh hơn dự kiến, một phần là do chính phủ cung cấp các gói kích thích khẩn cấp dài hạn, chẳng hạn như thanh toán JobKeeper và trợ cấp HomeBuilder .
Theo nhà kinh tế học Saul Eslake, các cú sốc lạm phát đang được cảm nhận một cách sâu sắc bởi vì trong hàng chục năm qua, giá cả hầu hết đều có xu hướng giảm. Điều này là do việc sản xuất các mặt hàng có giá trị lớn (hàng tiêu dùng lâu bền) đã được chuyển từ phương Tây sang các nước đang phát triển, nơi chi phí sản xuất thấp hơn. Hầu hết mọi người đều không để ý cho đến khi giá tăng vọt, bởi vì những mặt hàng có giá cả cao này thường không được mua nhiều.
Khi lệnh phong tỏa được áp dụng, nhu cầu về các sản phẩm như máy tính và thiết bị tập thể dục tại nhà đã tăng lên đáng kể.
"Mọi người không thể đến rạp chiếu phim, vì vậy họ đã mua thiết bị giải trí tốt hơn", nhà kinh tế học Saul Eslake giải thích. "Mọi người đã dành nhiều thời gian hơn ở nhà và quyết định cải tạo [hoàn cảnh sống]. Họ không muốn dùng phương tiện công cộng, vì vậy họ đã mua ô tô...".
Giá các mặt hàng rau củ quả đang tăng phi mã ở Úc. Ảnh: AP
Đồng thời, việc ngừng hoạt động khiến các nhà máy gần như đóng cửa dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Chi phí vận chuyển tăng 400% do nhiều tàu thuyền không còn hoạt động. Xung đột Ukraine cũng gây thêm áp lực tăng giá xăng dầu và nhiều mặt hàng thực phẩm.
Brendan Coates, Giám đốc chương trình chính sách kinh tế tại Viện Grattan cho biết: "Nếu có những thay đổi đối với cung hoặc cầu thì tình hình này đã không xảy ra. Chính sự kết hợp của hai yếu tố này đã dẫn đến một sự thúc đẩy lạm phát bất thường trên khắp thế giới, và ngày càng gia tăng ở Úc".
Tác động của lạm phát đối với người Úc
Chi phí kinh doanh cao hơn đã được chuyển cho khách hàng, khiến người Úc hàng ngày trở nên khó khăn hơn về vật chất. Vấn đề làm trầm trọng thêm mức tiền lương trì trệ trong 5 năm qua.
"Điều kiện sống của nhiều người Úc đang bị sụt giảm. Trong một số trường hợp, họ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về cách chi tiêu của mình", ông Eslake nói.
Chuyên gia Coates chỉ ra rằng, mức sống trung bình của người Úc đã giảm nhiều hơn trong vài năm qua so với mức sống của họ trong cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu 2007-2009.
"Thời điểm đó, mức lương không giảm như hiện tại. Tính đến tháng 3 vừa qua, tiền lương thực tế đã giảm 2,7%. Đó là kết quả tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ", ông Coates nói.
Đối với một số người, việc không có cơ hội tiêu tiền trong thời gian phong tỏa đã giúp họ tích lũy được khoản tiết kiệm đáng kể. Những người khác cho rằng, sinh kế và tiền tiết kiệm của họ bị tuột khỏi tay.
Ngân hàng Dự trữ Úc đã phản ứng với lạm phát theo cách giống như các ngân hàng trung ương khác trên thế giới: Tăng lãi suất. Điều đó có nghĩa là một phần thu nhập cao hơn sẽ được sử dụng để trả lãi thế chấp.
Ông Coates nói: "Ở Úc, hầu hết mọi người đều có các khoản thế chấp có lãi suất thay đổi, vì vậy họ kiểm soát lạm phát bằng cách thắt lưng buộc bụng và giảm chi tiêu tùy ý".
Ngân hàng Dự trữ đang hướng tới việc tạo ra sự cân bằng tốt hơn giữa cung và cầu hàng hóa và dịch vụ, vì lãi suất cao hơn sẽ làm nền kinh tế chững lại. Những người đi vay cận biên sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc tăng lãi suất.
"Nghe có vẻ khắc nghiệt, nhưng nỗi đau ngắn hạn mà mọi người đang cảm nhận cho đến khi lạm phát cao giảm xuống không phải là điều dễ dàng", ông Eslake nói.
Lạm phát do đâu?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến lạm phát toàn cầu sẽ đạt 8,3% vào cuối năm nay và điều này có nguy cơ cao dẫn đến suy thoái ở Liên minh châu Âu và Mỹ.
"Các ngân hàng trung ương ở các khu vực pháp lý đó đang lo lắng và đã thực sự xoay chuyển tình thế. Họ tăng lãi suất mạnh để giải tỏa lạm phát", ông Coates nói.
Tuy nhiên, Eslake cho biết có một số bằng chứng cho thấy các hộ gia đình Mỹ không coi lạm phát là một đặc điểm lâu dài của cuộc sống.
Ông nói: "Điều khiến ngân hàng trung ương lo sợ nhất là tâm lý lạm phát sẽ ăn sâu như những năm 1970 và 1980. Nếu mọi người và doanh nghiệp coi lạm phát là một thực tế của cuộc sống, họ sẽ bắt đầu tăng giá với dự đoán chi phí tăng. Và điều đó khiến nó trở thành một lời tiên tri tự thành hiện thực".
Tại Úc, chính phủ liên bang và Ngân hàng Dự trữ đã dự báo, lạm phát sẽ đạt đỉnh 7,75% trong quý IV năm 2022. Lạm phát dự kiến sẽ bắt đầu giảm từ năm sau và tiếp tục kéo dài đến năm 2024. Người lao động sẽ thấy mức tăng lương thực tế bắt đầu từ năm tới.
Tất nhiên, không có gì là chắc chắn khi bối cảnh địa chính trị thế giới đầy căng thẳng.
Mặc dù vậy, ông Coates vẫn có phần lạc quan về triển vọng kinh tế của Úc:
"Úc bị cách ly ở một mức độ nào đó với điều này, bởi vì chúng tôi tình cờ xuất khẩu rất nhiều thứ đang thiếu hụt trên toàn cầu. Điều đó có xu hướng đưa chúng tôi vào vị trí tốt hơn".
ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne
Article sourced from toquoc.vn.