Úc chuyển hướng thương mại “phi thường” sang các thị trường châu Á

07:00' 03-05-2023
Australia đã có sự chuyển hướng thương mại thực sự “phi thường” sang các thị trường châu Á trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc.


    Trung Quốc phát tín hiệu muốn cải thiện quan hệ với Australia. (Nguồn: Getty Images)

    Năm 2019, Trung Quốc nhập 13,7 tỷ USD than từ Australia. Tuy nhiên, con số này vào năm 2020 bằng 0. (Nguồn: Getty Images)

    Sắp xếp lại thị trường xuất khẩu

    Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ - các thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm của Australia đã tăng gấp đôi lượng mua hàng hóa từ xứ sở Kangaroo kể từ năm 2019, bù đắp lượng hàng sụt giảm bởi “cuộc tấn công” của Bắc Kinh vào các ngành xuất khẩu chính của Canberra, bắt đầu vào năm 2020.

    Xuất khẩu của Australia sang Việt Nam và Indonesia cũng tăng hơn gấp đôi, trong khi xuất khẩu sang Philippines tăng 82%. Tuy nhiên, các đồng minh và đối tác thuộc nhóm AUKUS thân cận của Australia như Mỹ và Vương quốc Anh, đã không đóng vai trò lớn trong khi Canberra phải đối mặt với sự phong tỏa thương mại của Bắc Kinh.

    Năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu của Australia sang Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái những năm 1930. Trong khi các nhà xuất khẩu thịt bò, than đá và gỗ của Mỹ đã tận dụng lệnh cấm vận của Trung Quốc để chiếm lĩnh thị trường Australia.

    Việc sắp xếp lại các thị trường xuất khẩu của Australia chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng đối với than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này. Sự gián đoạn của thị trường năng lượng toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu cả hai loại năng lượng, khiến giá cả tăng vọt.

    Kim ngạch nhập khẩu than từ Australia của Nhật Bản tăng vọt từ 17 tỷ USD năm 2019 lên 57 tỷ USD vào năm 2022, trong khi nhập khẩu LNG tăng 70% lên 35 tỷ USD.

    Trong cùng kỳ, thống kê cũng ghi nhận sự gia tăng nhập khẩu tương tự ở Hàn Quốc. Kim ngạch nhập than từ Australia của Seoul tăng 140% lên 17,2 tỷ USD, trong khi nhập khẩu khí đốt tăng gấp ba lần, lên 13 tỷ USD.

    Trong khi đó, Trung Quốc bị cắt nguồn cung cấp than từ Australia, phải chịu tình trạng cắt điện luân phiên ở nhiều thành phố vào năm 2020. Các hoạt động sản xuất thép của nước này cũng sẽ phải chịu hậu quả do sử dụng quá nhiều than nội địa kém chất lượng, khiến tuổi thọ của các lò luyện cốc bị rút ngắn.

    Năm 2019, Trung Quốc nhập 13,7 tỷ USD than từ Australia. Tuy nhiên, con số này vào năm 2020 đã bằng 0. Do đó, sang năm 2023 này, ngay sau khi quan hệ 2 nước có dấu hiệu tan băng, than là mặt hàng đầu tiên Bắc Kinh nhập khẩu lại từ Canberra.

    Sự chuyển hướng thương mại của Australia trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc thực sự "phi thường". Vào năm 2019, trước khi Bắc Kinh áp thuế quan cao với hàng hóa từ Canberra, kim ngạch xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc cao hơn 81% so với kim ngạch xuất khẩu của Australia sang cả thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại, bất chấp Nhật và Hàn là khách hàng lớn thứ hai và thứ ba của Australia.

    Tuy nhiên, đến năm 2022, đối với Australia, tổng quy mô thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc đã gần bằng Trung Quốc, chỉ kém 3,7%. Sự chuyển hướng dòng chảy thương mại của Canberra được triển khai hầu như trên khắp châu Á.

    10 đối tác thương mại lớn nhất của Canberra tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), hiện nhập khẩu hàng hóa của Australia nhiều hơn 80% so với Trung Quốc. Trong khi đó, 3 năm trước, tổng kim ngạch nhập khẩu của tất cả các thị trường trên từ Australia chỉ bằng Trung Quốc.

    Bắc Kinh từ lâu đã sử dụng quyền tiếp cận thị trường như một công cụ để đạt được mục đích chính trị ở thị trường nước ngoài. Nghiên cứu học thuật đầu tiên về việc Trung Quốc sử dụng thương mại như một vũ khí được ghi nhận vào năm 1930.

    Trong thời gian gần đây, một số hàng hóa của Na Uy, Pháp, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc đều bị Trung Quốc xa lánh. Tuy nhiên, chưa có một chiến dịch nào lớn như chiến dịch mà Bắc Kinh đã phát động nhằm vào hàng hóa của Canberra, sau khi chính phủ của Thủ tướng Morrison kêu gọi điều tra về nguồn gốc Covid-19

    Bất chấp mức thuế quan cao Trung Quốc áp với rượu vang và lúa mạch cũng như các lệnh cấm đối với than đá, thịt bò, tôm hùm, bông, gỗ, niken và đồng, tổng lượng hàng Australia xuất sang Trung Quốc vẫn tăng 16,6% trong ba năm kể từ năm 2019, trước xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022. Điều này chủ yếu là do giá quặng sắt của xứ sở kangaroo tăng nhanh. Đây là nguyên liệu không thể thiếu đối với ngành thép của Trung Quốc.

    Tận dụng thế mạnh nguồn cung năng lượng

    Trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Canberra, không có gì ngạc nhiên khi Tokyo hiện đang lo ngại về hàng loạt biện pháp can thiệp đối với ngành năng lượng của Australia, bao gồm việc hạn chế xuất khẩu LNG và tăng mạnh tiền bản quyền than của Queensland vào năm ngoái. Có suy đoán rằng, thuế thuê tài nguyên đối với LNG ngoài khơi sẽ được tăng đáng kể trong ngân sách tháng 5, đối với các công ty đã xây dựng các nhà máy LNG lớn theo chế độ thuế hiện hành.

    Đại sứ Nhật Bản tại Australia Shingo Yamagami đã nhiều lần cảnh báo rằng, niềm tin của các nhà đầu tư xứ sở Mặt trời mọc vào Canberra đang lung lay. Nhà máy Inpex LNG tại Darwin là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nhật Bản tại Australia.

    Tháng 3/2023, tại một diễn đàn thương mại, ông Yamagami nói: “Thật khó để tưởng tượng đèn neon của Tokyo sẽ tắt, nhưng với việc Australia hiện cung cấp 70% than đá, 60% quặng sắt và 40% lượng khí đốt nhập khẩu của Nhật Bản, đây chính xác là điều sẽ xảy ra nếu Canberra ngừng sản xuất các nguồn năng lượng”.

    Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đã bày tỏ quan ngại về an ninh năng lượng với Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

    LNG Australia. (Nguồn: smh)

    Australia là một trong những quốc gia sản xuất LNG hàng đầu thế giới. (Nguồn: SMH)

    Đài Loan (Trung Quốc) đã vượt qua cả Mỹ và Ấn Độ để trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng thứ tư của Australia, với kim ngạch nhập khẩu năm 2022 xấp xỉ 30 tỷ USD. Kim ngạch nhập than từ Australia của Đài Loan đã tăng từ 5,3 tỷ USD lên 13,8 tỷ USD kể từ năm 2019, trong khi nhập khẩu LNG đã tăng hơn 4 lần, lên 9 tỷ USD.

    Tương tự Nhật Bản và Hàn Quốc, Đài Loan cũng dỡ bỏ việc mua bán “các mặt hàng thương mại bí mật”. Đây là những hàng hóa mà việc tiết lộ doanh số bán hàng trong nước được cho là sẽ gây nguy hiểm cho các bí mật thương mại, chúng bao gồm mọi thứ, từ hạnh nhân đến bóng golf, nhưng phần lớn là alumin, tinh quặng đồng, niken và mangan. Tổng kim ngạch các mặt hàng này Australia xuất sang 3 thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng từ 2,5 tỷ USD lên 12 tỷ USD trong ba năm qua.

    Khách hàng mua than lớn thứ hai của Australia trong năm ngoái là Ấn Độ, với giá trị nhập khẩu 23 tỷ USD, tăng từ 10 tỷ USD năm 2019. Than chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Australia sang quốc gia Nam Á năm 2022. New Delhi cũng trở thành thị trường xuất khẩu vàng quan trọng của Canberra, với doanh thu tăng từ 266 triệu USD lên 1,5 tỷ USD trong ba năm qua.

    Trong khi than đá và LNG chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa các nền kinh tế châu Á nhập từ Australia, các mặt hàng khác của nước này, vốn rơi vào “tầm ngắm” của Trung Quốc, cũng đã tìm thấy thị trường ở những nơi khác. Việt Nam trở thành nước mua bông Australia lớn nhất với giá trị nhập khẩu 1,7 tỷ USD, tăng từ 115 triệu USD ba năm trước, trong khi lượng mua của Indonesia tăng gấp 5 lần lên 515 triệu USD. Lượng mua lúa mạch từ Australia của Nhật Bản mua cũng tăng 140% lên 508 triệu USD, doanh số xuất khẩu lúa mì cũng tăng mạnh trên toàn khu vực.

    Tuy nhiên, đứng trước những lệnh cấm vận của Trung Quốc, thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Australia sang Mỹ, Anh và New Zealand không có gì nổi bật.

    Cụ thể, xuất khẩu của Australia sang Mỹ tăng 37% trong ba năm, nhưng chủ yếu từ doanh số bán vàng. Thị phần xuất khẩu của Australia sang Mỹ giảm xuống 3,3%, khiến nền kinh tế số 1 thế giới trượt từ vị trí thứ tư xuống vị trí thứ sáu trong số các thị trường xuất khẩu của quốc gia xứ sở kangaroo.

    Trong khi đó, New Zealand đã tụt hạng từ thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 xuống thứ 10 của Australia; Vương quốc Anh hiện đứng thứ 19, chỉ chiếm 0,5% xuất khẩu của Canberra, trong khi vào những năm 1950, con số này là hơn 40%.

    Căng thẳng thương mại giữa Australia và Trung Quốc khởi phát từ năm 2020, vốn được nhận định sẽ gây nhiều khó khăn cho Canberra bởi quốc gia Đông Bắc Á này vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đất nước kangaroo. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, dường như các biện pháp thuế quan từ Bắc Kinh không ảnh hưởng nhiều tới Canberra, hàng hóa của Australia, đặc biệt là năng lượng, vẫn đang hiện diện ngày càng nhiều ở các thị trường trên khắp châu Á.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Williamstown High School Vùng: Williamstown. Phone: 9393 9039
Xem thêm

Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.


Article sourced from baoquocte.vn.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ