Trước khi đi khám bệnh không nên làm điều gì?
1. Không dùng đồ uống chứa caffein trước khi kiểm tra huyết áp
Các loại thức uống có nhiều caffeine như cà phê hoặc nước tăng lực, coca có thể khiến huyết áp tăng cao hơn mức thật. Vì vậy, nếu có ý định kiểm tra huyết áp thì bạn nên tránh các loại đồ uống này trước khi khám một giờ để có được kết quả chính xác nhất.
Caffein có thể làm tăng huyết áp ngắn hạn.
2. Không uống rượu bia trước khi kiểm tra nồng độ cholesterol
Nếu bạn sắp có buổi hẹn xét nghiệm nồng độ cholesterol trong máu thì hãy tránh các thức uống có cồn trước đó 24h.
Theo bác sĩ Joon Sup Lee - trưởng khoa tim mạch tại Trường Y khoa Đại học Pittsburgh (Mỹ), rượu có thể làm tăng mức chất béo trung tính, một trong 4 yếu tố dùng để đánh giá nồng độ cholesterol trong máu. Uống chất có cồn trước khi làm xét nghiệm có thể dẫn đến kết quả đáng lo ngại không cần thiết.
Bạn cũng không nên ăn đồ ngọt, thực phẩm nhiều chất béo và ăn quá no trước giờ làm xét nghiệm vì những thực phẩm này cũng có thể tác động đến chất béo trung tính trong thời gian ngắn.
3. Không ăn nhiều chất béo trước khi lấy máu
Nếu bình thường bạn không có thói quen ăn nhiều chất béo thì vào ngày xét nghiệm máu càng không nên làm điều này. Một bữa ăn thịnh soạn chứa nhiều chất béo có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm máu. Thậm chí, các bác sĩ còn khuyên người đến lấy máu nên nhịn ăn.
Tuy nhiên, không phải xét nghiệm máu nào cũng cần nhịn đói. Chỉ một số bệnh cần kiểm tra đường huyết thì phải nhịn đói khi xét nghiệm: Bệnh liên quan đường và mỡ (đái tháo đường), bệnh về tim mạch (cholesterol, triglycerid, HDL, LDL...), bệnh về gan mật. Còn lại những xét nghiệm bệnh khác như HIV, suy thận, cường giáp, Alzheimer (mất trí nhớ ở người già)... không cần để bụng đói.
4. Không để cơ thể quá khát khi xét nghiệm nước tiểu
Theo bác sĩ Benjamin Benjamin Davies - trưởng khoa tiết niệu tại Trung tâm Ung thư UPMC Shadyside/Hillman (Mỹ), việc cơ thể mất nước có thể làm thay đổi đáng kể quá trình phân tích nước tiểu. Bác sĩ cũng cảnh báo những ai có thói quen tập thể dục thể thao thì nên tránh vận động mạnh trước giờ xét nghiệm vì có thể dẫn đến tình trạng mất nước.
5. Nếu có thể, đừng uống thuốc trước khi làm bất kì xét nghiệm nào nếu không được bác sĩ chỉ định
Thông thường, bác sĩ sẽ muốn đánh giá chính xác các triệu chứng bệnh khi không dùng thuốc để biết được tình hình sức khỏe thực sự của bệnh nhân. Vì vậy, hãy cố gắng đừng uống bất cứ loại thuốc nào có thể ảnh hưởng đến triệu chứng bệnh.
Nếu bạn đang mắc các bệnh mạn tính và buộc phải dùng thuốc, hãy báo cho bác sĩ tên các loại thuốc này để bác sĩ có thể tính đến những tác dụng phụ có thể xảy ra.
6. Không ăn thức ăn màu đỏ trước khi nội soi
Những thức ăn có màu đỏ như thịt bò, củ dền, gấc, cherry... dễ để lại những mảng bám màu hoặc che phủ lớp niêm mạc đại tràng gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Một điều mà có thể ít ai nghĩ đến đó là chất sắt cũng có thể nhuộm đỏ niêm mạc đại tràng.
Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ngừng uống các thuốc bổ sung chất sắt trong khoảng 1 tuần và tránh ăn các loại trái cây, rau củ giàu chất xơ, có màu đỏ cách ngày nội soi 3 ngày.
7. Không dùng lăn, xịt khử mùi trước khi chụp X-quang vú
Theo bác sĩ sản phụ khoa Elizabeth Roth của Bệnh viện đa khoa Massachusetts, các sản phẩm khử mùi thường có chứa hợp chất nhôm nhằm ức chế tuyến mồ hôi, ngăn mùi cơ thể. Khi xuất hiện trên phim chụp X-quang, thành phần này sẽ hiện lên như những đốm trắng do tình trạng ung thư gây ra (nốt vôi hóa trong tuyến vú).
Và mặc dù bạn không dùng chất khử mùi trên vú nhưng phần dưới nách cũng sẽ được hiển thị trên phim chụp. Vì vậy, tốt nhất nên tránh sử dụng các sản phẩm này trong ngày chụp X-quang vú để có kết quả chẩn đoán chính xác.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/dung-lam-nhung-dieu-nay-truoc-khi-di-kham-benh-neu-khong-muon-nhan-ket-qua-sai-20191019120616712.chn