Trung thu của người Việt ở nước ngoài
Trung thu là dịp các thành viên gia đình quây quần, đoàn viên. Đối với nhiều người Việt xa quê, ngày này trôi qua như bao ngày thường nhật. Họ nhắc về Tết Trung thu với những kỷ niệm thời thơ ấu, về hương vị chiếc bánh nướng nhân thập cẩm đã lâu chưa thưởng thức, về lần cuối đoàn viên cùng người thân...
Tết Trung thu cuối cùng bên ông ngoại
Tạ Minh Trang - Nottingham, Anh
Mình mới sang Anh từ tháng 8 để theo học chương trình thạc sĩ tại đại học Nottingham. Những ngày đầu xa nhà đúng vào dịp Trung thu, nhưng mình không thấy buồn hay hụt hẫng lắm, vì để cảm xúc lấn át thì chắc mình đòi về nhà sớm mất. Mình xác định sang Anh là thời gian vàng để phát triển bản thân nên cần sự tập trung và tránh để nỗi nhớ nhà ảnh hưởng.
Hơn nữa, hàng ngày mình đều trò chuyện với gia đình qua màn hình nhỏ, được hưởng ké niềm vui đoàn viên của mọi người ở nhà nên cũng vui lây.
Lần cuối mình đón Trung thu cùng gia đình là cách đây 2 năm. Nhắc đến Trung thu ở quê hương, mình nhớ đến ông ngoại và những chiếc bánh cổ truyền ở Nam Định. Hồi ông còn sống, ông thích nhất bánh nướng nhân thập cẩm. Mình rất mê đồ ăn Nam Định và đi đâu cũng chỉ thấy bánh Trung thu quê mình là ngon nhất.
Mọi năm vào dịp này, gia đình mình thường về Nam Định chơi, cùng anh chị em họ rủ nhau đi ăn vặt quán xá rồi về nhà ông bà làm cỗ cúng rằm. Trung thu ở Nam Định đặc biệt lắm, có những đoàn rước đầu lân khắp xóm, trẻ con hát hò nhộn nhịp. Người già, người trẻ, lớn, bé đều nối rồng rắn đi rước lân. Những đầu lân to được chở trên xe xích lô, dòng người đi qua cứ thế nối dài.
Mình nhớ nhất dịp Tết đoàn viên cách đây 4 năm, khi ông ngoại còn sống. Mình chụp rất nhiều hình đồ ăn mà không có chụp ông ngoại nhiều. Một phần vì nghĩ rằng ông luôn khỏe và còn sống rất lâu nữa, phần vì mình sợ việc chụp ảnh khiến người ta cảm thấy đó là lần cuối. Đó là Trung thu cuối cùng mình ở bên ông.
Trung thu xa nhà năm nay diễn ra vào đúng buổi khai giảng của trường mình. Buổi tối ở Việt Nam sẽ là ban ngày ở Anh, chậm hơn 6 tiếng so với Việt Nam. Nếu không có Covid, mình và cộng đồng du học sinh Việt tại Nottingham dã tổ chức đón Trung thu trước khai giảng.
Hiện tại cũng là thời gian cao điểm của khóa mùa xuân năm 2021, mọi người đều bận rộn với bài luận và đồ án tốt nghiệp. Tuy nhiên, các bạn trong nhà mình vẫn cùng dự định tổ chức một bữa cơm đón Trung thu nho nhỏ với vài món Việt Nam như gà luộc, miến, canh măng, cá kho. Chúng mình coi đó là cách san sẻ nỗi nhớ nhà và cùng vui đón Tết đoàn viên.
10 năm đón Trung thu xa nhà
Clark P. - Melbourne, Australia
Mình đã đón khoảng 10 cái Tết Trung thu ở Australia rồi. Mọi năm, người châu Á ở Melbourne tổ chức ngày rằm tháng 8 khá rầm rộ. Tại các khu phố người Hoa thường có hội chợ và dịp này bán nhiều đồ ăn, đồ trang trí, bánh Trung thu các loại. Năm nay không khí khá trầm lắng và không có hoạt động gì nổi bật do dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Vì xa nhà khá lâu nên những mùa Trung thu của mình ở xứ chuột túi không náo nhiệt như hồi ở Việt Nam. Lần cuối mình đón Tết đoàn viên ở Hà Nội là vào năm 2010. Mình nhớ mãi những buổi tối ở nhà ăn bánh nướng, uống trà nóng cùng gia đình, được bố mẹ dẫn ra phố Lương Văn Can mua đồ chơi, đi dạo hồ Gươm.
Cho đến khi sang Australia, mình vẫn thường nhớ về vị bánh truyền thống vào ngày rằm tháng 8. Cách đây 2 tuần, mình cũng đi dạo vài vòng quanh siêu thị và mua bánh nướng nhân đậu xanh để nhớ về không khí Trung thu thân thuộc.
Nhắc đến chiếc bánh Trung thu, mình nhớ về một lần nhập cảnh Australia sau chuyến về thăm gia đình. Khi đó mình đem theo bánh nướng từ Việt Nam qua, nhân viên an ninh hỏi trong bánh có nhân thịt không và mình thật thà khai có. Chiếc bánh đó bị tịch thu vì quy định mang thực phẩm vào Australia khá khắt khe.
Giờ mình không phải đem bánh từ Việt Nam qua nữa vì các cửa hàng, siêu thị ở Melbourne bán rất nhiều loại bánh Trung thu kiểu Việt, kiểu Hoa đều có đủ.
Tokyo hối hả làm mình suýt quên ngày Trung thu
Bùi Vân Anh - Tokyo, Nhật Bản
Nếu không gọi điện về nhà, không tám chuyện với bạn bè ở Việt Nam, có lẽ mình quên mất ở quê nhà đang đón Tết Trung thu. Lịch trình học tập và làm việc dày đặc ở Nhật khiến ngày Tết đoàn viên của mình nơi xứ người trôi qua như bao ngày bình thường khác.
Đây cũng là năm đầu tiên mình xa nhà vào dịp Trung thu vì mình chỉ mới sang Nhật cuối năm ngoái. Ngày Tết đoàn viên trong trí nhớ của mình là hồi còn bé được mẹ mua cho mũ Hàm Hương (Hoàn Châu Cách Cách), được cùng các bạn trong xóm đi xem múa lân, rước đầu lân khắp phố phường. Sau màn rước lân, đám trẻ con trong xóm sẽ tập trung ở sân nhà văn hóa và cùng nhau phá cỗ, trông trăng.
Mâm cỗ Trung thu ngày đó đơn giản lắm, có bánh nướng hình con heo, bánh dẻo, có chú chó làm bằng bưởi, đèn ông sao, đèn cù, mặt nạ đủ hình. Đứa nhà khá giả trong xóm sẽ có đèn lồng chạy bằng pin, nhấp nháy, phát nhạc. Cả xóm tổ chức một buổi tiệc nhỏ, có chương trình văn nghệ, phát phần thưởng cho thiếu nhi trong xóm và cuối buổi vui nhất là tiết mục phá cỗ. Chẳng đứa trẻ nào muốn về nhà sớm vào đêm Trung thu.
Lớn lên, mình không còn dự những buổi phá cỗ nhộn nhịp khắp xóm nữa. Mình thường cùng bạn bè đi uống cà phê, tám chuyện, có khi về nhà thưởng thức một miếng bánh nướng nhân thập cẩm thôi cũng cảm nhận được không khí Trung thu rồi.
Trung thu đầu tiên ở Nhật vào đúng ngày mình bận rộn, sáng học trên trường và tối đi làm thêm. Nhịp sống hối hả ở Tokyo khiến mình quên mất ngày Trung thu. Mình hỏi vài người bạn Nhật về ngày rằm tháng 8 Âm lịch, họ nói ngày này thường cùng gia đình ăn bánh mochi, thưởng trà và ngắm trăng. Người Nhật gọi là lễ hội Otsukimi. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên không khí ngày lễ trầm lắng hẳn.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/trung-thu-cua-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-post1264695.html