Trung Quốc yêu cầu tàu thuyền nước ngoài khai báo khi đi vào "lãnh hải" tự nhận
"Tôi không chắc Trung Quốc sẽ thực thi quy định khai báo mới như thế nào", Collin Koh, chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói về yêu cầu khai báo vừa được giới chức Trung Quốc đưa ra với tàu thuyền nước ngoài qua "lãnh hải", có hiệu lực từ 1/9.
Trong thông báo về quy định mới, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết nước này có thể yêu cầu tàu nước ngoài đi vào "lãnh hải Trung Quốc" phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa, đồng thời cảnh báo có thể áp dụng các điều luật, quy định, quy tắc và những điều khoản liên quan để xử lý.
Yêu cầu khai báo này được áp dụng với tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt, các chất độc hại và những tàu được coi là mối đe dọa với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc.
Tàu tuần tra lớn nhất thế giới Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: CGC.
Koh cho rằng có thể một số bên sẽ thực hiện yêu cầu trên, nhưng các cường quốc như Mỹ sẽ không tuân thủ yêu cầu khai báo khi đi vào khu vực Trung Quốc tự nhận là lãnh hải, đặc biệt là trên Biển Đông.
"Các bên lớn nhất và có tác động nhiều nhất, đặc biệt là Mỹ, nhiều khả năng sẽ không tuân thủ yêu cầu khai báo của Trung Quốc. Mỹ sẽ coi đây là ví dụ khác cho tham vọng trên biển của Trung Quốc. Các cường quốc ngoài khu vực cũng có thể phớt lờ quy định trên", chuyên gia này nhận định.
Giới chuyên gia nhận định yêu cầu "khai báo khi đi vào lãnh hải" này sẽ không khác tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc áp đặt tại biển Hoa Đông năm 2013, vốn bị Mỹ và các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản phản ứng dữ dội.
Dù Mỹ và Nhật Bản phớt lờ ADIZ Trung Quốc áp đặt trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh gần đây rất ít triển khai các động thái thực thi tuyên bố này ở khu vực.
Giới chuyên gia ngoại giao và pháp lý Trung Quốc cũng nhận định việc thực thi yêu cầu khai báo là điều khó khăn. Thời Ân Hoằng, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho rằng đây sẽ là một thách thức với Trung Quốc.
"Bất cứ quốc gia nào có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông, cùng các nước phương Tây như Anh và Mỹ, vốn bác hầu hết yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc, sẽ không tuân thủ yêu cầu này", ông Thời nói.
Tàu Hải cảnh 2401 hoạt động gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản, tháng 11/2016. Ảnh: CGC.
Biển Đông những năm qua trở thành một điểm nóng trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang. Mỹ đẩy mạnh các hoạt động thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm triển khai các chiến dịch tự do hàng hải và tổ chức diễn tập hải quân ở khu vực này.
Theo chuyên gia Koh, quy định khai báo mới của Trung Quốc là một phần trong tham vọng củng cố yêu sách chủ quyền của nước này trên các vùng biển, bất chấp luật pháp quốc tế, điều có thể gia tăng căng thẳng với các bên liên quan.
"Nó không chỉ bao gồm lãnh hải 12 hải lý xung quanh bờ biển Trung Quốc, mà còn liên quan đến đường cơ sở thẳng quá mức nước này vạch ra ở ven biển đại lục", Koh nói. "Điều này cũng liên quan việc Trung Quốc thực thi luật pháp tại những nơi nước này không được phép theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)".
Theo quy định của UNCLOS, tàu thuyền của tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải mà không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Các quốc gia ven biển không được quyền cản trở việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài, không được phép yêu cầu tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình phải xin phép hoặc thông báo trước.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tau-nhieu-nuoc-se-khong-khai-bao-voi-trung-quoc-o-bien-dong-4349744.html