Trung Quốc xoay trục sang Nga và các nước Trung Á, để đối phó với Mỹ

16:35' 28-05-2019
Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các đối tác trong khu vực và toàn cầu, trong đó có Nga và các nước Trung Á, để đối phó với Mỹ.


    Hứng đòn giáng cứng rắn của Mỹ, Trung Quốc xoay trục sang Nga  - 1

    Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: AFP)

    Chủ tịch Tập Cận Bình đang chờ đợi cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng tới. Khi đó, ông Tập dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế Quốc tế St Petersburg.

    Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ tới thăm thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 6 và một diễn dàn an ninh khu vực khác tại Dushanbe, Tajikistan.

    Trong khi đó, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn đang có chuyến thăm Pakistan trước khi tới Hà Lan và Đức.

    Hàng loạt hoạt động ngoại giao của các quan chức cấp cao Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cuộc canh tranh giữa Washington và Bắc Kinh đang leo thang trên một số “mặt trận” như công nghệ, thương mại, Biển Đông, Bắc Cực. Tại Bắc Cực, việc Trung Quốc bắt tay với Nga trong việc tài trợ và xây dựng các cảng, nơi neo đậu và tàu phá băng đã vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ.

    Hứng đòn giáng cứng rắn của Mỹ, Trung Quốc xoay trục sang Nga  - 2

    Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (phải) gặp Thủ tướng Pakistan Imran Khan tại Islamabad hôm 26/5. (Ảnh: AFP)

    Đây là lần thứ hai Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự diễn đàn kinh tế St Petersburg. Giới quan sát dự đoán nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh đối với chủ nghĩa đa phương và ca ngợi hình ảnh của Trung Quốc như một quốc gia đi đầu về cởi mở và hợp tác.

    Đây cũng là cuộc gặp thứ hai của ông Tập với Tổng thống Putin trong vòng 2 tháng, sau cuộc hội đàm bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh hồi tháng 4. Tại diễn đàn này, nhà lãnh đạo Nga đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho sáng kiến đầu tư và hạ tầng gây tranh cãi do Trung Quốc dẫn đầu.

    Theo SCMP, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo có thể sẽ tập trung vào những nỗ lực nhằm phối hợp các chiến lược trong một loạt vấn đề như Venezuela, Triều Tiên, vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí. Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Putin nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2013.

    “Lần này, nhiều khả năng cuộc đối thoại giữa họ (lãnh đạo Nga, Trung) sẽ chủ yếu bàn về các động thái chống Trung Quốc của Mỹ, chẳng hạn thuế quan mới và lệnh cấm Huawei”, Artyom Lukin, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, Nga, nhận định.

    Theo phó giáo sư Lukin, nền kinh tế đang bị đình trệ của Nga và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế vai trò của Moscow với tư cách là nơi “thế chân” cho các thị trường và công nghệ nước ngoài mà Trung Quốc đang bị mất dần do chiến dịch gây sức ép của Mỹ. Tuy vậy, Tổng thống Putin vẫn có thể “cung cấp sự hỗ trợ về chính trị và tinh thần” cho Chủ tịch Tập.

    “Điều này rất quan trọng vì chính Nga cũng đã phải hứng chịu sức ép trừng phạt do Mỹ dẫn đầu trong hơn 5 năm qua”, phó giáo sư Lukin nhận định, đề cập tới các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Moscow sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

    Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc dự kiến cũng sẽ thảo luận về tình hình Venezuela, nơi phe đối lập được Mỹ ủng hộ đang tìm cách lật đổ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Trong khi đó, Moscow và Bắc Kinh vẫn ủng hộ ông Maduro.

    “Nga và Trung Quốc không thể gây tổn hại nghiêm trọng cho Mỹ bằng việc tăng thuế hay cấm tiếp cận công nghệ cao. Tuy nhiên, có nhiều khu vực nơi các chính sách phối hợp của Nga - Trung có thể phá hủy các lợi ích của Mỹ về ngắn hạn hoặc di hạn. Ví dụ, Moscow và Bắc Kinh có thể tăng cường sự ủng hộ chung dành cho chính quyền Nicolas Maduro của Venezuela, khiến nỗ lực của Washington trong việc lật đổ ông Maduro bị thất bại”, phó giáo sư Lukin nhận định.

    Kiềm chế Mỹ

    Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, Trung Quốc cũng tìm cách đa dạng hóa các nguồn đầu tư và thị trường tại những khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Nga và châu Âu. Hiện Nga và Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương đạt 108 tỷ USD.

    “Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác đầu tư với châu Âu và Nga, đồng thời tập trung vào đầu tư đa phương”, Li Lifan, phó giáo sư nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận định.

    Tuy vậy, Bắc Kinh được cho là sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào khiến mối quan hệ với Washington trở nên căng thẳng hơn.

    “Trung Quốc đang thực hiện cách tiếp cận rất cẩn trọng, tìm cách tránh gia tăng đối đầu và khiến tình hình tồi tệ hơn. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng là cần thể hiện ra rằng họ có một người bạn đáng tin cậy là Nga, nhưng không thể hiện điều đó theo cách công khai khiêu khích”, Danil Bochkov, một tác giả hợp tác với Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, cho biết.

    Hứng đòn giáng cứng rắn của Mỹ, Trung Quốc xoay trục sang Nga  - 3

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) bắt tay Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov trong cuộc gặp tại Bishkek ngày 21/5. (Ảnh: Xinhua)

    Stephen Black, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ ở Washington, nói rằng Bắc Kinh và Moscow cũng sẽ tìm cách kiềm chế “nhiều nhất có thể” tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Á - nơi Trung Quốc đang tăng cường hiện diện thông qua các dự án phát triển hạ tầng trong khuôn khổ “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

    Các nhà lãnh đạo trong khu vực sẽ gặp nhau vào tháng tới tại Bishkek để dự hội nghị thượng đỉnh của SCO, một khối an ninh được thành lập từ năm 2001 gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgystan, Tajikistan, Uzebekistan, Ấn Độ và Pakistan. Khối này chiếm khoảng 23% diện tích, 45% dân số và 25% GDP toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình được dự đoán sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề thượng đỉnh SCO.

    Afghanistan, đất nước bị chiến tranh tàn phá và có biên giới chung với 4 nước thành viên SCO, nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự tại thượng đỉnh Bishkek.

    “Khi chính quyền Trump chuẩn bị kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, SCO sẽ đánh giá tình hình an ninh tại đây và quyết định về việc có hỗ trợ huấn luyện cho các binh sĩ Afghanistan hay không”, phó giáo sư Li nói.

    Eva Seiwart, nghiên cứu sinh tại Đại học Tự do Berlin, dự đoán SCO cũng sẽ thảo luận vấn đề Iran sau những động thái cứng rắn của Mỹ gần đây. Iran từng là quan sát viên của SCO, song bị cấm trở thành thành viên chính thức của khối do các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tuy vậy, hồ sơ xin gia nhập làm thành viên SCO của Iran vẫn có thể được xem xét.

    “Việc chính quyền Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018 càng giúp cho Nga và Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc thể hiện họ là những nước bảo trợ cho tiến trình hòa bình của các cuộc xung đột”, Seiwert nhận định.

    Ngoài vấn đề an ninh, chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Trung Á có thể cũng tập trung vào hợp tác kinh tế. Phó Giáo sư Li cho rằng Trung Quốc có thể tăng cường đầu tư vào Trung Á, đặc biệt trong các dự án nông nghiệp.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Infiniti Property Corporation Vùng: Melbourne. Phone: 9086 3999
Xem thêm

Article sourced from DANTRI.

Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/hung-don-giang-cung-ran-cua-my-trung-quoc-xoay-truc-sang-nga-20190528115316247.htm


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ