Trung Quốc truyền tải thông điệp sẽ thu hồi Đài Loan bằng mọi giá

04:00' 06-10-2021
Gần 80 máy bay Trung Quốc áp sát Đài Loan trong hai ngày không phải dấu hiệu chiến tranh, nhưng dường như nhằm phát tín hiệu răn đe mạnh.


    Quân đội Trung Quốc trong ngày 2/10 điều 39 tiêm kích và trinh sát cơ áp sát Đài Loan. Đợt áp sát này phá kỷ lục về số máy bay quân sự hoạt động gần đảo Đài Loan với 38 phi cơ diễn ra một ngày trước đó, đúng dịp quốc khánh Trung Quốc.

    Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã điều tiêm kích để ứng phó và cảnh báo máy bay của quân đội Trung Quốc, đồng thời kích hoạt các tổ hợp tên lửa phòng không để theo dõi.

    Oanh tạc cơ Trung Quốc đại lục áp sát Đài Loan hồi năm 2019. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan.

    Oanh tạc cơ Trung Quốc đại lục áp sát Đài Loan hồi năm 2019. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan.

    Giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc liên tiếp triển khai số máy bay lớn kỷ lục áp sát hòn đảo không phải tín hiệu cho thấy chiến tranh trang cận kề, nhưng phản ánh thông điệp ngày càng rõ ràng của Bắc Kinh về thu hồi hòn đảo bằng mọi giá, kể cả bằng biện pháp quân sự.

    "Động thái bắt đầu vào ngày quốc khánh Trung Quốc, cho thấy quyết tâm thống nhất Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết. Mục tiêu của đợt triển khai lực lượng chính là thể hiện sức mạnh quân sự của Bắc Kinh và dằn mặt Đài Bắc", Adam Ni, nhà phân tích chính sách quân sự Trung Quốc, nhận xét.

    Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về hoạt động áp sát kỷ lục trong hai ngày liên tiếp, nhưng từng khẳng định các hoạt động quân sự gần đảo Đài Loan đều nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, đồng thời nhắm vào hành vi "thông đồng" giữa giới chức hòn đảo với Mỹ, bên ủng hộ quan trọng nhất của Đài Loan.

    "Rất đáng lo ngại. Điều này gây áp lực lớn với lực lượng phòng vệ hòn đảo. Máy bay đại lục càng hiện diện nhiều gần Đài Loan thì nguy cơ xảy ra sự cố càng lớn", Chieh Chung, nhà phân tích an ninh thuộc Quỹ Chính sách ở Đài Bắc, nêu quan điểm.

    Người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan Joseph Wu thừa nhận những hành động của quân đội Trung Quốc mang tính đe dọa, nhấn mạnh lực lượng phòng thủ hòn đảo vẫn duy trì trạng thái cảnh giác cao và phản ứng phù hợp để bảo đảm an ninh.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 3/10 lên án những chuyến áp sát của máy bay Trung Quốc, cho rằng hành động này gây bất ổn, có thể dẫn tới tính toán sai lầm và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực.

    Lực lượng phòng vệ Đài Loan thường xuyên điều tiêm kích giám sát phi cơ Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo việc triển khai tiêm kích ngăn chặn với tần suất quá lớn sẽ làm suy giảm năng lực chiến đấu của cả phi công và khí tài, ảnh hưởng tới khả năng phòng thủ hòn đảo.

    "Rõ ràng quân đội Trung Quốc đang bào mòn lực lượng phòng vệ đảo Đài Loan với nhịp độ hoạt động hiện nay. Các chuyến xuất kích liên tục khiến phi công Đài Loan rất mệt mỏi, chúng cũng tiêu tốn nhiên liệu vốn đắt đỏ và gây hao mòn khung thân phi cơ, làm giảm đáng kể niên hạn sử dụng", Zack Cooper, chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc và khu vực, nhận định.

    Những đợt áp sát đảo Đài Loan thường bao gồm trinh sát cơ và máy bay săn ngầm, cùng nhiều loại tiêm kích. Tuy nhiên, không quân Trung Quốc gần đây huy động ngày càng nhiều oanh tạc cơ chiến lược H-6. "Đây là bước đi mang tính đe dọa, vì chúng có khả năng tung ra đòn tấn công phủ đầu nếu xảy ra xung đột", Gerald Brown, nhà phân tích quốc phòng tại Mỹ, nêu quan điểm.

    Tiêm kích F-16V của phòng vệ trên không Đài Loan cất cánh từ đường băng dã chiến trên cao tốc ở huyện Bình Đông ngày 15/9. Ảnh: CNA.

    Tiêm kích F-16V Đài Loan cất cánh trên đường cao tốc ở huyện Bình Đông ngày 15/9. Ảnh: CNA.

    Các chuyến bay đêm quy mô lớn cho thấy phi công Trung Quốc đang hoàn thiện khả năng chiến đấu trong nhiều điều kiện khác nhau. "Họ đang tìm cách phô diễn năng lực tác chiến trong mọi hoàn cảnh, như tung đòn tấn công vào ban đêm", Su Tzu-yun, nhà phân tích ở Viện Nghiên cứu An ninh và Phòng thủ tại Đài Bắc, cho hay.

    Tính đến cuối năm 2019, quân đội Trung Quốc có khoảng 1.500 chiến đấu cơ, cùng 450 cường kích và oanh tạc cơ. Lực lượng phòng vệ Đài Loan sở hữu 400 tiêm kích và không có oanh tạc cơ. Đài Loan ngày càng phụ thuộc vào Mỹ để bảo đảm an ninh, trong đó Washington là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Đài Bắc.

    Trung Quốc cũng thường sử dụng những chuyến áp sát Đài Loan để phát thông điệp cảnh báo với một số sự kiện cụ thể. Bắc Kinh năm ngoái điều động 37 máy bay áp sát hòn đảo trong hai ngày, cùng thời điểm quan chức Mỹ tới thăm Đài Loan.

    Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nhiều nước phương Tây ngày càng thể hiện sự ủng hộ với Đài Loan, trong đó một phái đoàn quốc hội Pháp dự kiến thăm hòn đảo trong ngày 4/10. Bắc Kinh từng nhiều lần phản đối những hành động thể hiện ủng hộ độc lập cho đảo Đài Loan.

    "Chính phủ Trung Quốc đang vạch lằn ranh đỏ với cộng đồng quốc tế, cảnh báo các nước không ủng hộ Đài Loan. Chúng tôi không thích điều đó, nhưng cũng không quá lo lắng", Wang Ting-yu, thành viên cơ quan lập pháp Đài Loan, cho hay.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Năng lượng mặt trời?
Dodo Solar Vùng: Clayton South. Phone: 1300 616 126
Xem thêm

Cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời thương mại với giá thấp nhất trên toàn nước Úc


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/don-ap-sat-trung-quoc-dan-mat-dao-dai-loan-4366898.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ