Trung Quốc không mặn mà với ý tưởng tham gia liên minh Bảo vệ Thịnh vượng trên Biển Đỏ

04:00' 24-01-2024
Các vụ tập kích của Houthi ở Biển Đỏ đang đe dọa lợi ích quốc gia Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh ngần ngại can thiệp vì nguồn lực hạn chế và quan điểm trung lập.


    "Các vụ tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) của Houthi nhắm vào tàu hàng trên Biển Đỏ gây tổn hại cho Trung Quốc, nên chúng tôi hoan nghênh họ đóng vai trò mang tính xây dựng trong ngăn chặn những hành động đó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cuối tháng trước nói.

    Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken kêu gọi Bắc Kinh tham gia hỗ trợ liên minh hải quân quốc tế bảo vệ tàu hàng đi qua Biển Đỏ, bởi các vụ tấn công của Houthi là "mối đe dọa không thể chấp nhận được với an ninh hàng hải và luật pháp quốc tế".

    Nhưng Trung Quốc tới nay không mặn mà với ý tưởng tham gia liên minh Bảo vệ Thịnh vượng do Mỹ dẫn đầu, dù ông Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh "lo ngại sâu sắc khi tình hình Biển Đỏ leo thang nghiêm trọng". "Chúng tôi kêu gọi ngừng mọi hành động quấy rối và tấn công tàu dân sự, duy trì dòng chảy thông suốt của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cũng như trật tự thương mại quốc tế", ông Vương nói hôm 14/1, giữa chuyến thăm Ai Cập.

    Ông không trực tiếp đề cập đến Houthi, lực lượng vũ trang đang kiểm soát lãnh thổ rộng lớn tại Yemen, nhưng nhấn mạnh "tất cả các bên" cần hợp tác duy trì an toàn trên Biển Đỏ theo luật pháp quốc tế.

    Tàu chiến Trung Quốc tập trận ngoài khơi Oman vào năm 2023. Ảnh: PLA

    Tàu chiến Trung Quốc tập trận ngoài khơi Oman vào năm 2023. Ảnh: PLA

    Bất ổn trên vùng biển chiến lược này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với lợi ích thương mại dài hạn của Trung Quốc tại khu vực, theo Ahmed Aboudouh, chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi thuộc Viện Chatham House của Anh.

    Biển Đỏ và kênh đào Suez là mảnh ghép quan trọng đối với chuỗi cung ứng hàng hóa Trung Quốc sang thị trường châu Âu. Bắc Kinh đã đầu tư hàng chục tỷ USD cho Ai Cập, nước quản lý kênh đào Suez, trong các lĩnh vực hạ tầng, giao thông và năng lượng, theo Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI).

    Trước khi chiến sự Israel - Hamas bùng nổ, các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã cam kết đầu tư hơn 20 tỷ USD cho hàng loạt dự án dọc theo kênh đào Suez. Trung Quốc gần đây còn chấp thuận nới hạn mức cho vay 3,1 tỷ USD với Ai Cập, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

    COSCO, hãng vận tải biển quốc doanh của Trung Quốc, từ ngày 7/1 phải tạm ngừng mọi dịch vụ qua Israel vì lo ngại an ninh. Doanh nghiệp này vào tháng 3/2023 đã đầu tư một tỷ USD vào hạ tầng cảng biển Ai Cập. COSCO cùng CK Hutchison, tập đoàn đầu tư cảng biển có trụ sở chính tại Hong Kong, vào năm ngoái còn công bố kế hoạch 700 triệu USD để xây hai cảng container mới ở Biển Đỏ và Địa Trung Hải.

    Vào tháng 10/2023, Khu Kinh tế Kênh đào Suez của Ai Cập nhận đầu tư 6,75 tỷ USD từ tập đoàn nhà nước China Energy (CEEC) và 8 tỷ USD từ tập đoàn United Energy ở Hong Kong.

    Các vụ tập kích tàu hàng với tần suất ngày càng dồn dập ở Biển Đỏ có thể khiến nhà đầu tư Trung Quốc lo ngại, đặc biệt khi họ đã bỏ ra số tiền không nhỏ để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) kết nối giao thương Á - Âu.

    Trung Quốc cũng đang nhập khẩu khoảng nửa số dầu của mình từ Trung Đông, cũng như xuất khẩu tới Liên minh châu Âu còn nhiều hơn cả Mỹ. Phần lớn những chuyến hàng này đều được vận chuyển qua Biển Đỏ.

    Vị trí Yemen và các quốc gia trong khu vực. Đồ họa: AFP

    Vị trí Yemen và các quốc gia trong khu vực. Đồ họa: AFP

    Cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ không chỉ đe dọa hoạt động thương mại của Trung Quốc, mà cả hình ảnh của cường quốc này.

    Trong khi Bắc Kinh chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước và trung lập trong những vùng xung đột trên thế giới, giới phân tích cho rằng chủ trương này đang khiến Bắc Kinh lúng túng, khi các thành viên BRI tìm kiếm hỗ trợ từ nước này để ứng phó thách thức an ninh tại Biển Đỏ.

    Trung Quốc có lực lượng hải quân hiện diện thường xuyên ở Trung Đông và Tây Phi, chủ yếu phục vụ sứ mệnh tuần tra chống hải tặc. Vào thời điểm chiến sự bùng phát tại Dải Gaza, hải quân Trung Quốc đang triển khai ít nhất 6 tàu chiến trong vùng, trong đó có một khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Type 052D và một khu trục hạm Type 052, theo Bộ Quốc phòng nước này.

    Hải quân Trung Quốc cũng từng can thiệp vào các sự cố an ninh trên biển ở khu vực. Năm 2022, một nhóm tàu cá cầu cứu chiến hạm Trung Quốc, trong đó có một khu trục hạm Type 052, sau khi họ phát hiện xuồng cao tốc của hải tặc trên lộ trình đến eo biển Bab al-Mandeb ngoài khơi Yemen.

    Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc đến nay vẫn từ chối tham gia liên minh Bảo vệ Thịnh vượng do Mỹ khởi xướng nhằm ngăn chặn các đòn tập kích của Houthi.

    "Nguồn lực quân sự của Trung Quốc tại Vùng Vịnh khá hạn hẹp và họ chắc hẳn không muốn bị kéo vào xung đột quy mô lớn. Nếu Trung Quốc lên tiếng quyết liệt hơn, họ có thể làm mất lòng Iran và chịu những tổn hại không đáng có", William Figueroa, chuyên gia về Trung Quốc - Trung Đông tại Đại học Groningen ở Hà Lan, nhận định.

    Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh nước này muốn đóng vai trò "xây dựng" trong những điểm nóng quốc tế, đồng thời chỉ chủ trương tạo tác động "bằng sức ảnh hưởng, sức hấp dẫn và sức mạnh" của nước này trên trường quốc tế. Các phản ứng từ Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đến nay vẫn dừng ở kênh ngoại giao, tránh sử dụng "sức mạnh" để bảo vệ lợi ích.

    Một lý do khác khiến Trung Quốc ngần ngại can thiệp ở Biển Đỏ là các đòn tập kích của Houthi chủ yếu nhắm vào tàu hàng có liên hệ với Israel và Mỹ. Giới chức Trung Quốc chưa ghi nhận bất cứ sự cố nào ảnh hưởng đến tàu hàng liên quan nước mình tại khu vực.

    Là quốc gia có chủ trương trung lập trong các xung đột quốc tế, Trung Quốc chưa nhận thấy tình hình tại Biển Đỏ đủ cấp bách để họ gia tăng sức ép đến các bên liên quan, hoặc trực tiếp can thiệp bảo vệ tàu hàng di chuyển trên tuyến hàng hải này, theo giới chuyên gia.

    Khi tàu Trung Quốc chưa bị đe dọa trực tiếp, nước này có thể tiếp tục đứng bên ngoài cuộc khủng hoảng, ngay cả khi Mỹ cùng các đối tác liên tiếp phóng tên lửa vào Yemen và nhóm Houthi khai hỏa tên lửa đáp trả.

    Theo Josef Gregory Mahoney, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, Bắc Kinh muốn tránh các hệ lụy chính trị lẫn ngoại giao nếu đối đầu với lực lượng Houthi. Họ không muốn thể hiện sức mạnh ở khu vực quá xa lãnh thổ và đánh động lo ngại của phương Tây về tiềm lực quân sự.

    Cùng lúc đó, Bắc Kinh có thể tranh thủ cải thiện vị thế của mình ở khu vực với thông điệp trung lập và kêu gọi tôn trọng chủ quyền của Yemen, dù cho chính quyền Houthi ở Sanaa mới được hai nước công nhận là Syria và Iran.

    "Các vụ tập kích của Houthi còn tạo cơ sở cho Bắc Kinh gia tăng lập luận chỉ trích Mỹ vì đã thổi bùng xung đột và bất ổn ở khu vực", chuyên gia Aboudouh nhận định. Qua đó, Trung Quốc sẽ làm nổi bật hình ảnh của mình là một trung gian đàm phán đáng tin cậy, có thể các bất đồng ở Trung Đông, vốn đã được chứng tỏ một phần qua thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao Iran - Arab Saudi vào năm ngoái.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ly-do-trung-quoc-ngan-ngai-can-thiep-khung-hoang-bien-do-4701187.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ