Trung Quốc - đề tài 'nóng' tại hội nghị thượng đỉnh
"Trung Quốc đang áp sát chúng ta. Chúng ta đã thấy họ trên không gian mạng, ở châu Phi, nhưng cũng chứng kiến Trung Quốc đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của chính chúng ta", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 14/6 phát biểu với các phóng viên tại Brussels, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối.
Các quan chức ngoại giao cho biết các lãnh đạo NATO trong hội nghị thượng đỉnh hôm nay sẽ thảo luận về một số vấn đề liên quan tới Trung Quốc mà khối quan tâm.
Những vấn đề này bao gồm các cuộc diễn tập chung của Nga và Trung Quốc, mối quan ngại của phương Tây trước việc Trung Quốc muốn thiết lập căn cứ quân sự ở châu Phi, cùng trọng tâm của NATO với ưu tiên cho vấn đề Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của phương Tây.
Stoltenberg kêu gọi NATO phải đối phó với "sự trỗi dậy về kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc", cho biết tuyên bố chung của hội nghị sẽ củng cố chiến lược mới với Trung Quốc.
"Chúng ta biết rằng Trung Quốc không chia sẻ các giá trị của chúng ta và cần phải cùng nhau đáp trả với tư cách một liên minh", Stoltenberg cho biết, song khẳng định Trung Quốc "không phải đối thủ hay kẻ thù" của NATO.
Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh trong một chuyến huấn luyện năm 2020. Ảnh: Xinhua.
"Đây không phải vấn đề NATO áp sát Trung Quốc. Đây là vấn đề Trung Quốc hướng tới châu Âu và chúng ta phải làm điều gì đó với chuyện này", Claudia Major, chuyên gia an ninh quốc phòng của Viện Quốc tế và An ninh Đức, cho biết.
Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên hiện diện ở Địa Trung Hải, ngay giữa lòng châu Âu, trong các cuộc diễn tập chung với Nga hồi năm 2015. Kể từ đó, Trung Quốc triển khai tham vọng xây dựng hạm đội hải quân lớn nhất thế giới và đầu tư vào nhiều hạ tầng quan trọng tại châu Âu, bao gồm cảng biển cùng các mạng viễn thông.
"Lực lượng hải quân Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương tới Vùng Vịnh, Biển Đỏ rồi tiến vào Địa Trung Hải", một quan chức quân sự Anh cho biết. "Trung Quốc chưa triển khai tàu ngầm ở Bắc Đại Tây Dương, song có thể làm vậy trong tương lai. Tàu ngầm hạt nhân được chế tạo để đảm bảo tầm hoạt động và khả năng tàng hình. Trung Quốc thích kiểm tra các giới hạn".
Các quan chức ngoại giao cho biết tuyên bố chung của NATO đang được thảo luận và có thể thay đổi, song đây có thể là lần thứ hai lãnh đạo khối đề cập trực tiếp đến Trung Quốc trong một văn kiện như vậy. Tuyên bố chung của NATO lần đầu nhắc tới Trung Quốc vào tháng 12/2019 dưới sức ép của chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang hối thúc sử dụng ngôn từ "cứng rắn hơn" so với thuật ngữ "cơ hội và thách thức" trong tuyên bố chung năm 2019.
Binh sĩ Trung Quốc trong Duyệt binh Chiến thắng tại thủ đô Moskva, Nga tháng 6/2020. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, NATO đứng trước tình huống khó xử trong cách ứng phó với Trung Quốc, khi nội bộ của khối mâu thuẫn về chiến lược với nước này.
Hungary, một thành viên của NATO, có mối quan hệ chính trị tốt với Trung Quốc. Một số thành viên khác tỏ ra miễn cưỡng khi thách thức Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương, dù Anh và Pháp đã tiếp bước Mỹ triển khai chiến hạm thực thi các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông.
Các cuộc diễn tập thường niên cũng như diễn tập phòng thủ tên lửa chung giữa Nga và Trung Quốc cũng khiến các thành viên NATO ngày càng bất an.
"Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga mang tính giao dịch và thực dụng hơn là ý thức hệ", một quan chức quân sự Anh giấu tên cho biết. "Tuy nhiên, việc họ phối hợp với nhau dưới mọi hình thức đều tạo ra lòng tin và đó là điều mà chúng ta nên đề phòng".
Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) trong báo cáo hồi tháng 1 cảnh báo khi giao thoa về lợi ích, Nga và Trung Quốc "có thể kết hợp năng lực tổng hợp của mình để thách thức chính sách đối ngoại của Mỹ".
Một nỗi lo khác của NATO là châu Phi, nơi Trung Quốc có thể dùng để mở rộng hiện diện quân sự tại Đại Tây Dương, một trong những mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh trong tham vọng xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới.
Đại tướng Stephen Townsend, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM), trong phiên điều trần trước Thượng viện hồi tháng 4 nói nỗ lực thiết lập căn cứ hải quân phía tây châu Phi của Trung Quốc là "mối quan tâm hàng đầu trong cạnh tranh toàn cầu giữa các siêu cường". "Tôi đề cập đến một hải cảng nơi họ có thể trang bị vũ khí và sửa chữa tàu hải quân", tướng Townsend nói.
Giới chuyên gia nhận định chưa có bằng chứng cho thấy Trung Quốc tìm cách mở căn cứ hải quân ở châu Phi. Trung Quốc đã lập căn cứ tại Djibouti và sử dụng cơ sở này cho các nhiệm vụ chống cướp biển tại vịnh Aden, đào tạo hàng nghìn binh sĩ và xây dựng quan hệ quốc phòng với các quốc gia châu Phi lân cận.
Khi lực lượng Trung Quốc hoàn thành đợt triển khai tại Djibouti, họ thường đi đường vòng trong hải trình về nước. Một số đơn vị tới thăm khu vực Địa Trung Hải và các quốc gia ven bờ biển phía đông hoặc phía tây châu Phi.
Binh sĩ Trung Quốc tại căn cứ ở Djibouti tháng 8/2017. Ảnh: AFP.
Một xu hướng khác khiến NATO lo ngại là việc Trung Quốc ngày càng tham gia sâu hơn vào hoạt động xây dựng hạ tầng tại châu Âu, thông qua các doanh nghiệp như tập đoàn viễn thông Huawei. Công ty vận tải biển Cosco của Trung Quốc đang sở hữu cổ phần kiểm soát Piraeus, cảng lớn nhất của Hy Lạp, và được cho là đang đàm phán để đầu tư vào một bến cảng ở thành phố Hamburg của Đức.
Những mối quan hệ kinh tế như vậy làm phức tạp thêm nỗ lực của NATO trong việc tìm ra cách tiếp cận thống nhất trong ứng phó với Trung Quốc, cũng như quan hệ chính trị giữa giới chức nước này và các lãnh đạo "thân thiện" ở châu Âu.
Điều đó tạo ra nguy cơ gây mâu thuẫn khi Mỹ và Tổng thư ký Stoltenberg đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh NATO.
Sarah Raine, chuyên gia địa chính trị và chiến lược tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định thượng đỉnh NATO "sẽ gây ra khác biệt rất khó chịu giữa các đồng minh về mức độ Trung Quốc bị coi là mối đe dọa".
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-phu-bong-thuong-dinh-nato-4294009.html