Trung Quốc chuẩn bị sửa đổi một loạt các điều luật
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC), kỳ họp quốc hội Trung Quốc lần thứ 13 sẽ khai mạc vào 5/3 tại Bắc Kinh để thông qua nhiều dự thảo luật sửa đổi và ngân sách quốc gia, trong cuộc họp thường niên đề ra phương hướng cho 5 năm tới.
Phiên họp quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3/2019. Ảnh: Xinhua.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất giải quyết tệ nạn xã hội và một số đề xuất sẽ được đưa vào chương trình biểu quyết, trong đó có sửa đổi luật hình sự với tội mua bán người.
Fan Yun, đại biểu NPC, đề xuất khung hình phạt dành cho tội mua người và bán người như nhau. Tội mua người ở Trung Quốc hiện quy định tối đa ba năm tù, còn tội bán người là 10 năm tù.
Đề xuất được đưa ra sau video về một phụ nữ tâm thần bị chồng xích cổ ở Giang Tô trong một nhà kho chật hẹp, mặc quần áo mỏng manh giữa thời tiết âm độ C. Video khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ, làm dấy lên làn sóng tranh luận về hoạt động buôn bán người phổ biến lâu nay ở vùng nông thôn Trung Quốc.
Cơ quan chức năng tỉnh phát hiện người phụ nữ mắc bệnh tâm thần, bị mua đi bán lại nhiều lần. Vụ án cũng cho thấy tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc. Sun Bin, đại biểu NPC, kêu gọi thiết lập hệ thống điều trị và cung cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nông thôn.
Nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái ở Trung Quốc, đa phần là hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới do chính sách một con nghiêm ngặt áp dụng suốt nhiều năm và quan niệm trọng nam khinh nữ.
Ngoài ra, quốc hội Trung Quốc cũng xem xét đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới có vợ sinh con. Jiang Shengnan, đại biểu NPC, kiến nghị nam giới có vợ sinh con nên được hưởng chế độ nghỉ có lương ít nhất một tháng so với 15 ngày như hiện nay tại các thành phố lớn.
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái, gây lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể làm trầm trọng thêm áp lực phát triển kinh tế.
Đa số các thành phố lớn ở Trung Quốc cho phép phụ nữ nghỉ thai sản 150 ngày hưởng lương nhưng "nuôi dạy con cái là trách nhiệm của cả hai vợ chồng", bà Jiang nói.
Thời gian nghỉ thai sản đã tăng lên năm ngoái sau khi Trung Quốc công bố chính sách cho phép sinh ba con. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn hay bị phân biệt đối xử nơi làm việc, gánh nặng chăm sóc con cái chủ yếu vẫn thuộc về nữ giới. Nhiều đôi vợ chồng trẻ ngại sinh con vì gánh nặng nuôi con quá lớn.
Đại biểu Wang Jiajuan đề xuất cấm người vị thành niên phẫu thuật thẩm mỹ vì lý do phi y tế, đồng thời kiến nghị người giám hộ phải có mặt để ký tên vào giấy yêu cầu phẫu thuật.
Đề xuất đưa ra trong bối cảnh nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc bùng nổ trong thập kỷ qua. Các dịch vụ sửa mũi, nâng cơ mặt được tiếp thị cho người tiêu dùng mong muốn cải thiện ngoại hình để có chỗ đứng trong xã hội cạnh tranh khốc liệt.
Đại biểu Zhu Lieyu đề xuất giới hạn thời gian làm việc của nhân viên giao đồ ăn ở mức 8 tiếng và các nhà phát triển ứng dụng giao hàng sẽ bị phạt nếu không đóng bảo hiểm cho tài xế.
Nhiều người giao hàng là công nhân nhập cư, thường xuyên làm việc nhiều tiếng trên đường sá nguy hiểm trong thành phố. Những công ty khổng lồ trong ngành giao hàng thực phẩm như Meituan đang bị kiểm soát gắt gao khi giới chức nhắm mục tiêu vào cái mà họ gọi là hành vi độc quyền, cũng như thiếu biện pháp bảo vệ quyền lợi cho tài xế giao hàng.
Tuy nhiên, nhiều người dùng mạng đặt câu hỏi về đề xuất của Zhu, bởi thời gian làm việc ngắn hơn đồng nghĩa với việc lương cho tài xế bị cắt giảm.
Kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc được tổ chức hàng năm từ năm 1978 và luôn được tổ chức vào ngày 5/3 kể từ 1995, nhằm thông qua các đạo luật và công bố mục tiêu kinh tế trong năm. Cuộc họp có sự góp mặt của các lãnh đạo hàng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-sap-bo-phieu-sua-doi-mot-loat-dieu-luat-4433868.html