Biden lần đầu đọc thông điệp liên bang

01:00' 04-03-2022
Gửi thông điệp liên bang, ông Biden nhấn mạnh quyết tâm của các đồng minh trước khủng hoảng Ukraine, nhưng thừa nhận có thể không cản bước được Nga.


    Thách thức mà Tổng thống Joe Biden phải đối mặt là đoàn kết người Mỹ giữa lúc ông phải đối đầu với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine, nơi Nga đã phát động chiến dịch quân sự.

    Đọc thông điệp liên bang đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tối 1/3 (sáng 2/3 giờ Hà Nội), ông Biden cho rằng bảo vệ tự do ở Đông Âu là việc đáng để trả giá. Ông cũng tỏ ra vui mừng khi Mỹ và đồng minh đoàn kết áp lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga vì cuộc tấn công Ukraine.

    Ông chủ Nhà Trắng lập luận rằng những hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giúp củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương mà Moskva muốn chia rẽ. Tổng thống Biden cho rằng ngay cả khi Nga chiếm ưu thế trên thực địa ở Ukraine, Moskva sẽ bước ra khỏi cuộc chiến trong thế yếu hơn phần còn lại của thế giới.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc thông điệp liên bang tại Hạ viện tối 1/3. Ảnh: Washington Post.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc thông điệp liên bang tại Hạ viện tối 1/3. Ảnh: Washington Post.

    Tuy nhiên, ông Biden chưa thể tìm thấy đáp án cho những câu hỏi được xem là khó nhất, như Mỹ sẽ làm gì tiếp theo và tương lai trật tự thế giới chủ yếu do Mỹ thiết lập sẽ ra sao.

    "Điều gì sẽ xảy ra nếu những biện pháp gây bất ổn tiền tệ với Nga, tước quyền truy cập công nghệ phương Tây, đóng băng tài sản của giới lãnh đạo chính trị Nga không đủ khiến ông Putin lùi bước? Và điều gì sẽ xảy ra nếu sau chiến dịch ở Ukraine, lãnh đạo Nga tiếp tục quyết tâm tìm lại ảnh hưởng thời Liên Xô?", David E. Sanger, nhà phân tích của NY Times, đặt câu hỏi.

    Lần đầu tiên kể từ khi các hình ảnh vệ tinh tiết lộ Nga tăng cường lực lượng giáp biên giới Ukraine vào năm ngoái, ông Biden công khai thừa nhận ông không chắc đâu mới là điểm dừng của Tổng thống Nga.

    Do đó, ông đã vạch rõ ranh giới về một Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng, xu hướng mà Tổng thống Putin muốn ngăn chặn. "Lực lượng của chúng tôi không đến châu Âu để tham chiến ở Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh NATO của chúng tôi trong trường hợp ông Putin quyết định mở rộng chiến dịch về phía tây".

    Biden và các trợ lý của ông gần đây thường xuyên tranh luận về liệu tham vọng của lãnh đạo Nga có vượt ra ngoài Ukraine hay không. Đông Âu dường như không nằm trong những tính toán về chính sách đối ngoại của Biden khi ông nhậm chức vào năm ngoái. Vào thời điểm đó, ông đã nghĩ nhiều hơn tới Trung Quốc và thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ trong thế kỷ 21.

    Nhưng giờ đây, kiềm chế Nga có thể sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự ba năm tiếp theo của ông Biden, điều có thể tác động nghiêm trọng tới chiến lược "xoay trục sang châu Á" của Mỹ. Trong bài phát biểu tối 1/3, ông Biden dường như đã quyết định rằng lịch sử không cho ông lựa chọn nào khác.

    Tổng thống Joe Biden là một trong số ít kiến trúc sư của trật tự hậu Liên Xô vẫn còn nắm quyền ở Washington. Đối với ông, biên giới của NATO không chỉ là những đường trên bản đồ, mà chúng còn là minh chứng sống cho những gì xảy ra khi những người tự do chọn đồng minh của họ.

    Nhưng với ông Putin, bản đồ NATO là chuỗi những quốc gia phương Tây quyết tâm muốn kìm kẹp Nga. Lãnh đạo Nga đã lên tiếng phản đối trật tự do Mỹ dẫn dắt và xu hướng mở rộng của NATO suốt nhiều năm qua, cảnh báo đây là "lằn ranh đỏ" mà phương Tây không nên vượt qua.

    Khi Nga tấn công Gruzia năm 2008 và sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Putin vấp rất ít sự phản đối của châu Âu. Phải mất một thời gian dài để Mỹ và đồng minh đưa ra các biện pháp trừng phạt và chúng có tác động không lớn.

    Biden cũng tham gia vào các quyết định đó, đặc biệt về Crimea. Nhưng vào tối 1/3, ông dường như thừa nhận rằng phản ứng yếu ớt không thể thay đổi lập trường của Nga.

    Những chia sẻ của Biden về vấn đề này không giúp ích nhiều để tìm ra đáp án cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc thế nào, theo David E. Sanger.

    Tổng thống Putin dường như không có ý định trở lại đàm phán về các hiệp ước kiểm soát vũ khí và quy tắc tập trận quân sự như Mỹ đề xuất. Thay vào đó, ông đã thử đặt cược xem có thể đạt được những thay đổi lâu dài hơn bằng sức mạnh quân sự hay không.

    Tuy nhiên, Biden cũng biết rằng không có gì có thể đảm bảo lãnh đạo Nga sẽ không thành công, sau khi thế giới chứng kiến cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan và Nga tin có đủ khả năng chống đỡ bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

    "Không ai có thể nói chắc chắn một thế giới như thế nào sẽ xuất hiện từ đống tro tàn ở Ukraine", Richard Fontaine, giám đốc điều hành Trung tâm An ninh Mỹ mới kiêm chiến lược gia chính sách đối ngoại đảng Cộng hòa, nói.

    Tòa thị chính ở quảng trường trung tâm thành phố Kharkov, Ukraine sau trận pháo kích sáng 1/3. Ảnh: AP.

    Tòa thị chính ở quảng trường trung tâm thành phố Kharkov, Ukraine sau trận pháo kích sáng 1/3. Ảnh: AP.

    Tổng thống Biden thừa nhận sẽ cần thêm một thời gian trước khi hiểu được hoàn toàn quyết định mở chiến dịch quân sự của Nga.

    "Đây là một bài kiểm tra thực sự", ông nói. "Sẽ mất thời gian. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục lấy cảm hứng từ ý chí sắt đá của người dân Ukraine".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Mua xe cũ - kéo xe?
L H Towing Vùng: Mitcham. Phone: 0413 646 566
Xem thêm

Nhận mọi công việc service xe lớn hay nhỏ


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/thong-diep-lien-bang-phoi-bay-thach-thuc-cua-tong-thong-biden-4433809.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ