Trung Quốc chạy đua trở thành cường quốc vũ trụ

15:00' 18-10-2021
Không chỉ cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực dưới mặt đất, Trung Quốc còn tham vọng thách thức sự thống trị của Mỹ trong không gian. 


    Trung Quốc sáng 16/10 đưa một phi hành đoàn ba người vào không gian, bắt đầu chuyến đi dài nhất từ trước đến nay tới trạm vũ trụ Thiên Cung. Vụ phóng tàu vũ trụ tại sa mạc Gobi diễn ra chỉ một tháng sau khi ba phi hành gia đầu tiên kết thúc nhiệm vụ được mô tả là "hoàn toàn thành công" ở Thiên Cung.

    Phi hành đoàn dự kiến ở lại Thiên Cung 6 tháng, khoảng thời gian tiêu chuẩn cho các sứ mệnh tương lai, theo Lin Xiqiang, phó giám đốc Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc. Nhiệm vụ mới là một phần trong chuỗi kế hoạch của chương trình không gian của Trung Quốc, gồm lấy mẫu đất đá từ Mặt Trăng và đưa robot thám hiểm tự hành lên Sao Hỏa.

    Việc xây dựng Thiên Cung dự kiến hoàn thành vào năm tới, với tham vọng trở thành đối thủ của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), đã hoạt động 20 năm nhưng đang đối mặt với tương lai không chắc chắn. Đây được xem là cột mốc quan trọng trong tham vọng biến Trung Quốc thành "cường quốc vũ trụ" của Chủ tịch Tập Cận Bình.

    Mô hình trạm vũ trụ Thiên Cung được trung bày ở Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế lần thứ 8 tại Quảng Đông, Trung Quốc tháng 11/2010. Ảnh: AP.

    Mô hình trạm vũ trụ Thiên Cung được trung bày ở Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế lần thứ 8 tại Quảng Đông, Trung Quốc tháng 11/2010. Ảnh: AP.

    Trung Quốc đã phóng module chính vào tháng 4, nhiệm vụ đầu tiên trong 11 nhiệm vụ xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung. Vụ phóng đã thu hút chú ý của dư luận vì một số lý do không mong đợi. Sau khi lên đến quỹ đạo, tên lửa đẩy chính đã rơi trở lại Trái Đất một cách mất kiểm soát. Các mảnh vỡ rơi xuống Ấn Độ Dương, gần đảo Maldives, vào tháng 5, khiến dấy lên nhiều chỉ trích về cách thực hiện vụ phóng tên lửa nặng nhất Trường Chinh 5B của Trung Quốc.

    Kể từ đó, các tàu vũ trụ của Trung Quốc đã lần lượt được phóng vào quỹ đạo, mang theo các module, vật tư bổ sung. Phi hành đoàn đầu tiên đã bay lên Thiên Cung vào tháng 6. Vụ phóng mới nhất là nhiệm vụ thứ 6. Khi hoàn thành vào năm sau, Thiên Cung dự kiến hoạt động trong ít nhất một thập kỷ.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng so sánh kế hoạch này với lời tuyên bố "hai quả bom, một vệ tinh" thời lãnh đạo Mao Trạch Đông, ám chỉ cuộc chạy đua của Trung Quốc để phát triển đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và đưa một vệ tinh lên quỹ đạo. Giống như tất cả thành tựu không gian khác, chương trình này được xem là bằng chứng cho sức mạnh của Trung Quốc.

    ISS, với sự hợp tác của Mỹ, Nga và nhiều nước khác, dự kiến kết thúc thời gian hoạt động vào năm 2024 và chưa rõ những gì sẽ xảy ra sau đó. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đề xuất giữ trạm vũ trụ thêm vài năm, trong khi Nga có ý định rút lui vào năm 2025. Nếu ISS dừng hoạt động, Thiên Cung của Trung Quốc có thể trở thành trạm vũ trụ duy nhất trong một thời gian.

    Thiên Cung có thể chứa ba phi hành gia cho các nhiệm vụ dài hạn và thêm ba người nữa cho các nhiệm vụ ngắn. Phi hành đoàn lần này gồm hai nhà du hành vũ trụ dày dạn kinh nghiệm và một người lần đầu lên không gian.

    Wang Yaping, người năm 2013 trở thành người phụ nữ thứ hai của Trung Quốc lên vũ trụ, dự kiến là người đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian, theo ông Lin. Ông thêm rằng Trung Quốc sẽ chào đón khách tới thăm trạm vũ trụ khi nó hoàn thành. Ông liệt kê một số nước đã hợp tác với chương trình không gian của Trung Quốc, nhưng không có Mỹ, quốc gia đã cấm NASA làm việc với các nhà khoa học Trung Quốc.

    Tháng 1/2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thăm dò lên phía mặt tối của Mặt Trăng và đánh dấu lần thứ hai hạ cánh thành công lên hành tinh này, sau lần đầu tiên năm 2013.

    Tàu thăm dò mới nhất vẫn ở bề mặt Mặt Trăng, vượt thời gian dự kiến ban đầu. Ngày 29/9, nó đánh dấu ngày hoạt động thứ 1.000 và đi được 839 m so với điểm xuất phát ở miệng hố Von Kármán, gần cực nam Mặt Trăng.

    Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng, lấy mẫu đất đá và trở lại Trái Đất. Đây là những mẫu vật từ Mặt Trăng đầu tiên được thu thập kể từ sau sứ mệnh Luna 24 của Liên Xô vào năm 1976.

    Trung Quốc đặt tên cho các tàu thăm dò Mặt Trăng là Hằng Nga và dự kiến phóng thêm ba tàu khác vào năm 2027. Các tàu này sẽ có nhiệm vụ tạo nền tảng cho nghiên cứu Mặt Trăng và các chuyến thăm của phi hành gia Trung Quốc vào những năm 2030. Cho đến nay, chỉ có chương trình Apollo của Mỹ từng đưa người lên Mặt Trăng.

    Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos hồi đầu năm nay thông báo sẽ hợp tác với Trung Quốc để xây dựng trạm nghiên cứu Mặt Trăng, sử dụng tàu vũ trụ Luna và tàu Hằng Nga. Nhiệm vụ đầu tiên của Nga ban đầu dự kiến thực hiện trong tháng này, nhưng hiện lùi lại tới tháng 7/2022. Sứ mệnh tương lai giữa hai nước nhằm mang theo các khối xây dựng đầu tiên cho trạm nghiên cứu vào năm 2030 và mang mẫu đất đá Mặt Trăng về Trái Đất.

    Tàu thăm dò Trung Quốc (trái) trên bề mặt Sao Hỏa hồi tháng 5. Ảnh: Cơ quan vũ trụ Trung Quốc.

    Tàu thăm dò Trung Quốc (trái) trên bề mặt Sao Hỏa hồi tháng 5. Ảnh: Cơ quan vũ trụ Trung Quốc.

    Sứ mệnh Sao Hỏa Thiên Vấn của Trung Quốc cũng đã đạt được ba thành công NASA từng làm. Tàu vũ trụ này đã chạm tới quỹ đạo xung quanh Sao Hỏa vào tháng 2, đưa một tàu vũ trụ lên bề mặt an toàn vào ngày 15/5 và sau đó là một tàu thăm dò.

    Liên Xô là quốc gia đầu tiên đổ bộ lên Sao Hỏa vào năm 1971, nhưng vài giây sau khi hạ cánh, tàu đã ngừng liên lạc. Nó truyền về một hình ảnh không hoàn chỉnh hoặc không thể giải mã được. Kể từ đó, một số nỗ lực tiếp cận bề mặt Sao Hỏa của một số nước đều thất bại. Tới gần đây, chỉ có Mỹ thành công hạ cánh trên Sao Hỏa, với 8 lần tất cả và lần gần nhất là tàu thăm dò Perseverance vào tháng hai.

    4 ngày sau khi tàu đổ bộ thành công, cơ quan vũ trụ Trung Quốc công bố hình ảnh đầu tiên về bề mặt hành tinh và tuyên bố sứ mệnh đang tiến hành theo kế hoạch. Cơ quan này ngày 22/5 công bố thêm hai bức ảnh của tàu thăm dò, đang thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu địa hình, địa chất và khí quyển của Sao Hỏa. Mục tiêu là tìm hiểu rõ hơn về phân bổ của băng, giúp duy trì các chuyến thăm của con người trong tương lai.

    Trung Quốc cho biết có kế hoạch phóng tàu thứ hai lên Sao Hỏa vào năm 2028 để lấy mẫu vật về Trái Đất, một nhiệm vụ phức tạp mà NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang thực hiện với tàu Perseverance và hy vọng hoàn thành vào năm 2031. Sứ mệnh của Trung Quốc có thể thực hiện trong thập kỷ này, báo hiệu một cuộc đua tiềm năng.

    Ngoài khả năng gửi một phi hành đoàn lên Sao Hỏa, Trung Quốc cũng lập kế hoạch cho cho sứ mệnh kéo dài 10 năm để thu thập mẫu vật từ một tiểu hành tinh và tiếp cận một sao chổi. Quốc gia này cũng dự kiến khám phá Sao Kim và Sao Mộc và vào năm 2024 phóng một kính viễn vọng không gian tương tự Hubble, được NASA phóng vào năm 1990.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Marian College Vùng: Sunshine West. Phone: 9363 1711
Xem thêm

Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-nuoi-tham-vong-cuong-quoc-vu-tru-canh-tranh-my-4372540.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ