Mỹ cần cứng rắn hơn với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan

18:00' 18-10-2021
Các chính quyền Mỹ từ lâu luôn duy trì quan điểm mập mờ về khả năng bảo vệ Đài Loan, nhưng sức ép quân sự ngày càng tăng từ Bắc Kinh đang khiến chính sách này lung lay.


    xung dot dai loan trung quoc anh 1

     

    Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đối mặt bài toán khó khi Trung Quốc gia tăng gây sức ép lên Đài Loan. Lúc này, giới lập pháp lưỡng đảng đang yêu cầu Nhà Trắng mau chóng hành động cương quyết hơn với Bắc Kinh, theo CNN.

    Mơ hồ chiến lược

    Trong nội bộ Mỹ, có những đánh giá khác nhau về mức độ đe dọa mà Đài Loan, đồng minh lâu năm của Washington, đang phải đối mặt.

    Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của Trung Quốc tại khu vực. Việc Bắc Kinh mau chóng hiện đại hóa quân đội, tăng cường tập trận quanh đảo Đài Loan khiến Lầu Năm Góc ngày càng cảnh giác hơn.

    Tuy nhiên, giới chức Bộ Ngoại giao có những lo ngại trước sức ép phải cứng rắn hơn với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Bên cạnh đó, tình báo Mỹ vẫn chưa tìm thấy bằng chứng Bắc Kinh đang chuẩn bị sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan.

    Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất. Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng nóng hơn trong thời gian qua. Giới chức Mỹ dường như đã mất cảnh giác khi Trung Quốc triển khai hơn 100 máy bay xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan hồi đầu tháng 10.

    xung dot dai loan trung quoc anh 2

    Chiến đấu cơ J-16 của không quân Trung Quốc. Ảnh: AP.

    Các nguồn tin cho biết trước vụ xâm nhập của máy bay Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Biden đã thảo luận với Đài Bắc về khả năng xúc tiến thương vụ bán 22 tiêm kích F-16 cho Đài Loan.

    Hợp đồng này được phê chuẩn từ 2019, lộ trình chuyển giao của những thương vụ như vậy thường kéo dài trong 10 năm. Tuy nhiên, Đài Loan đang muốn đẩy nhanh việc giao nhận máy bay, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục gây hấn.

    Tăng cường hỗ trợ Đài Loan có thể mang tới nhiều rủi ro cho chính quyền Tổng thống Biden. Dù liên tục gây sức ép cho Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực, chính quyền Biden vẫn muốn tránh vướng vào xung đột với các đối thủ.

    Nhiều thập kỷ qua, Washington duy trì tình trạng "mơ hồ chiến lược" trong xử lý vấn đề Đài Loan. Các chính quyền Mỹ chưa bao giờ thực sự rõ ràng về khả năng sẽ bảo vệ hòn đảo trong trường hợp Trung Quốc đại lục sử dụng vũ lực.

    Với những động thái ngày càng leo thang của Bắc Kinh thời gian qua, cách tiếp cận mơ hồ của Washington đang bị thách thức nghiêm trọng. Một số quan chức chính quyền Biden và nhiều thành viên giới lập pháp muốn xem xét lại cách tiếp cận với Đài Loan.

    "Đã đến lúc sự mơ hồ chiến lược chấm dứt. Khi mối đe dọa từ Bắc Kinh nhắm vào sự tồn vong của Đài Loan ngày càng hiển hiện, Mỹ phải thể hiện chủ ý rõ ràng cả trong lời nói và hành động", trợ lý một thượng nghị sĩ Dân chủ nói.

    Người này cho rằng sự mập mờ của Washington sẽ dẫn tới rủi ro và toan tính sai lầm từ các thế lực khác, và rằng công cụ răn đe hiệu quả đòi hỏi quan điểm rõ ràng.

    Trung Quốc chưa định tấn công Đài Loan?

    Thượng viện Mỹ đang xem xét thêm các bước đi nhằm hỗ trợ Đài Loan cả về an ninh, kinh tế và ngoại giao, bởi điều này sẽ có lợi cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

    Đáp lại tuyên bố này, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết hỗ trợ từ phía Mỹ dành cho Đài Loan sẽ tiếp tục được duy trì "mạnh mẽ, có nguyên tắc".

    Hạ nghị sĩ Dân chủ Tom Malinowski, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Barack Obama, ủng hộ lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh, cho biết sẽ là sai lầm nếu tin rằng Trung Quốc chỉ đang nói suông về việc giành lại quyền kiểm soát Đài Loan.

    "Chính sách đối ngoại của Mỹ đã liên tục mắc sai lầm, khi chúng ta vận dụng cách tiếp cận thực dụng của mình lên các đối tượng khác, và cho rằng họ sẽ không làm như những gì họ nói", ông Malinowski nhận định.

    Hạ nghị sĩ Dân chủ Elaine Luria, một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, thậm chí đi xa hơn khi cho rằng Quốc hội nên trao thêm thẩm quyền để tổng thống có thể triển khai hoạt động quân sự bảo vệ Đài Loan khi cần thiết.

    Sức ép từ Quốc hội Mỹ yêu cầu bảo vệ Đài Loan mạnh mẽ hơn đang đi ngược lại các đánh giá từ Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo Mỹ.

    Giới chức tình báo nói chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị hay đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công vào Đài Loan.

    "(Vụ xâm nhập không phận) chắc chắn là bước leo thang nghiêm trọng, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xâm lược Đài Loan", một quan chức tình báo cho hay.

    Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không hề hứng thú với đề xuất có cách tiếp cận quyết liệt hơn về vấn đề Đài Loan.

    xung dot dai loan trung quoc anh 3

    Trung Quốc tiến hành tập trận đổ bộ hồi tháng 5. Ảnh: Global Times.

    Cựu Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg là người được Tổng thống Biden cử tới Đài Loan hồi tháng 4 nhằm thể hiện sự ủng hộ với hòn đảo. Ông Steinberg cho biết tình hình hiện nay "rất nguy hiểm", và việc chấm dứt chính sách mơ hồ chiến lược sẽ chỉ càng kích động Bắc Kinh.

    Theo ông Steinberg, "không thể dự đoán trước hậu quả" bởi Trung Quốc sẽ coi việc thay đổi chính sách là "vi phạm căn bản" nguyên tắc một Trung Quốc mà hai bên đã nhất trí trong suốt hàng chục năm qua.

    "Chúng ta cần trấn an Đài Loan, nhưng có nhiều cách để làm như vậy, cũng như để củng cố răn đe, mà không kích động Bắc Kinh quá mức", ông Steinberg nói.

    Bản thân Tổng thống Biden từ lâu cũng phản đối việc Mỹ công khai ủng hộ Đài Loan khi Trung Quốc sử dụng vũ lực.

    Trong một báo cáo năm 2001 khi còn là thượng nghị sĩ, ông Biden cho rằng Nhà Trắng không nên để Mỹ lôi kéo vào một cuộc chiến giữa hai bờ eo biển, dù rằng vẫn khẳng định sự cần thiết hỗ trợ Đài Loan phù hợp với các cam kết lâu dài của Mỹ.

    Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nhấn mạnh Mỹ "có lợi ích ràng buộc với hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan", và Washington sẽ tiếp tục phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng.

    Cảnh giác năm 2027?

    Giới chức quốc phòng Mỹ cho rằng năm 2027, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập quân đội Trung Quốc, có thể là lúc Bắc Kinh tìm cách thu hồi Đài Loan bằng vũ lực nếu thống nhất hòa bình không có kết quả.

    Hồi đầu tháng 10, lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính dự đoán Trung Quốc sẽ hoàn thiện năng lực quân sự và có khả năng phát động chiến tranh sớm hơn, vào khoảng năm 2025.

    Cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có phát biểu hòa dịu hơn, cho biết mong muốn "thống nhất trong hòa bình" với Đài Loan.

    Nhưng dường như Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ mức độ tự trị hiện nay của hòn đảo.

    Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan sẽ không cúi đầu trước sức ép của đại lục. Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan đối ngoại Đài Loan khẳng định hòn đảo này sẽ "chiến đấu đến cùng" nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra.

    xung dot dai loan trung quoc anh 4

    Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Reuters.

    Một quan chức quốc phòng Mỹ nghi ngờ Trung Quốc coi thống nhất Đài Loan "là vấn đề tự tôn dân tộc". Nhưng cựu Thứ trưởng Ngoại giao Steinberg cho rằng Bắc Kinh "sẽ tránh sử dụng vũ lực", bởi đây là bước đi mạo hiểm, có nguy cơ phản tác dụng và đe dọa lợi ích của Trung Quốc.

    Quan điểm của ông Steinberg được hưởng ứng bởi Danny Russel, một cựu Trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á trong chính quyền ông Obama.

    "Giới chức ngoại giao và tuyên giáo Trung Quốc muốn thêu dệt lên sự hoài nghi về quyết tâm của Mỹ trong bảo vệ Đài Loan, cũng như thuyết phục Đài Loan rằng người Mỹ sẽ không bảo vệ hòn đảo. Tuy nhiên, việc phát động chiến tranh lại là chuyện khác", ông Russel nói.

    Dẫu vậy, không thể loại trừ khả năng tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, ông Steinberg cảnh báo. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện là một "nồi nước sôi", các bên đang đua nhau xây dựng liên minh và phô trương sức mạnh quân sự.

    Mới đây nhất, nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh đã gia nhập cuộc phô diễn sức mạnh tại Biển Đông, bên cạnh các đồng minh khác, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

    "Quan điểm cá nhân của tôi là không bên nào muốn một cuộc xung đột vũ trang, nhưng tất cả đều sợ đối phương sẽ hiểu sai nếu bản thân tỏ ra yếu thế hoặc thiếu quyết tâm. Đây là một cái vòng luẩn quẩn gây mất ổn định an ninh", ông Steinberg nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/my-khong-the-tiep-tuc-map-mo-ve-van-de-dai-loan-post1271141.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ