Triều Tiên tuyên bố sở hữu 'tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới'

04:00' 06-11-2024
Tên lửa Hwasong-19 có thông số vượt trội các phiên bản ICBM trước đó, có thể giúp Triều Tiên tăng cường khả năng xuyên phá lưới phòng thủ của Mỹ.


    Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1/11 công bố thông tin chi tiết về vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-19, cho biết đây phiên bản kế tiếp của dòng Hwasong-18 được thử nghiệm thành công hồi năm ngoái.

    Theo KCNA, quả đạn đạt độ cao tối đa 7.687,5 km, bay xa 1.001,2 km trong 1 giờ 25 phút 56 giây, trước khi rơi xuống vị trí chỉ định ở vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên, không ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh các nước láng giềng. Đây là quả đạn có thời gian bay lâu nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng.

    Truyền thông Triều Tiên khẳng định Hwasong-19 là "tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới" và "hệ thống đã hoàn thiện", song không nêu thông số cụ thể của quả đạn.

    Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) trước đó nhận định tên lửa Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn, tương tự dòng Hwasong-18. Màu sắc và hình dạng của luồng phụt trong loạt ảnh do Triều Tiên công bố đã giúp xác nhận thông tin này.

    Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trước đây của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng, vốn dễ chế tạo hơn rất nhiều so với tên lửa nhiên liệu rắn. Dù vậy, tên lửa nhiên liệu rắn sở hữu hàng loạt ưu thế vượt trội.

    Chúng không mất nhiều thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng, tăng khả năng cơ động, khó bị các hệ thống trinh sát của đối phương phát hiện và có thể triển khai từ nhiều địa điểm khác nhau. Tên lửa nhiên liệu rắn cũng tốn ít thời gian, công sức bảo dưỡng và di chuyển hơn nhiên liệu lỏng.

    Phát triển ICBM dùng nhiên liệu rắn từ lâu đã là một trong những mục tiêu then chốt của Bình Nhưỡng, nhằm tăng khả năng sống sót của lực lượng tên lửa chiến lược khi nổ ra xung đột.

    "Đây là mẫu ICBM nhiên liệu rắn thứ hai được Triều Tiên phóng thử, sau lần đầu thử nghiệm tên lửa Hwasong-18 hồi tháng 4/2023", Joseph Dempsey, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Mỹ, cho hay.

    Triều Tiên đã ba lần thử nghiệm tên lửa Hwasong-18 trong năm 2023, tất cả đều thành công.

    JCS ban đầu nhận định Triều Tiên đã sử dụng xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) 12 trục được nước này ra mắt tháng 9/2023. Tuy nhiên, hình ảnh về vụ thử cho thấy tên lửa khai hỏa từ TEL 11 trục, nhiều hơn hai trục so với xe bệ phóng của dòng Hwasong-18.

    Xe phóng tên lửa Hwasong-19 trong vụ thử hôm 31/10. Ảnh: KCNA

    Xe chở đạn kiêm bệ phóng tên lửa Hwasong-19 trước vụ thử hôm 31/10. Ảnh: KCNA

    Chang Young-keun, chuyên gia về tên lửa tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, nhận định Hwasong-19 có chiều dài ít nhất 28 mét. Con số này vượt trội những mẫu "tên lửa quái vật" từng được Triều Tiên thử nghiệm, cũng lớn hơn nhiều so với các tổ hợp ICBM di động trong biên chế quân đội Nga như Yars và Topol-M.

    "Chiều dài tăng lên đồng nghĩa tên lửa chứa được nhiên liệu hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức đẩy, khối lượng đầu đạn và tầm bay", Kim Dong-yup, chuyên gia tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận định.

    Giới chuyên gia chưa nêu ước tính về tầm bắn và khả năng mang đầu đạn thực tế của Hwasong-19. Tên lửa Hwasong-18 tiền nhiệm được đánh giá có thể bay xa 15.000 km nếu phóng theo góc tối ưu, đủ sức bắn tới mọi vị trí trên lãnh thổ Mỹ, và mang được một hoặc nhiều đầu đạn với tổng khối lượng 1,25-1,5 tấn.

    Triều Tiên trước đó đã sở hữu nhiều loại tên lửa có khả năng bao trùm một phần hoặc toàn bộ nước Mỹ, nên tăng kích cỡ ICBM không phải là phương án hợp lý nếu chỉ nhằm mục đích tăng tầm bay. Chuyên gia Kim cho rằng mục đích thật sự của Bình Nhưỡng là "sở hữu tên lửa có thể mang đạn đầu hạt nhân cỡ lớn hoặc chứa được nhiều đầu đạn cùng lúc".

    Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng đưa mục tiêu sở hữu "tên lửa mang nhiều đầu đạn" và công nghệ phương tiện hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV) vào chương trình phát triển quân sự giai đoạn 2021-2025.

    Thiết kế MIRV được cho là có thể đe dọa lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ. Hệ thống đánh chặn giữa hành trình trên mặt đất (GMD) của Mỹ hiện có 44 đầu đạn đánh chặn, nhưng để đảm bảo diệt mục tiêu, quân đội Mỹ phải phóng ít nhất 4 quả đạn để chặn một tên lửa đối phương.

    Do đó, lá chắn tên lửa Mỹ chỉ có thể ngăn được tối đa 11 đầu đạn lao xuống cùng lúc. Các mẫu ICBM của Triều Tiên hiện nay, gồm Hwasong-15/17/18/19, được cho là có khả năng mang được nhiều đầu đạn, hoặc kết hợp giữa đầu đạn thật và mồi bẫy, đủ sức gây quá tải lưới phòng thủ của Mỹ nếu được phóng đồng thời theo loạt vài quả.

    Các vật thể được cho là vòi phun lực đẩy (góc trái) của PBV  khi tên lửa Triều Tiên ở ngoài khí quyển. Ảnh: KCNA

    Các bộ phận được cho là vòi phun lực đẩy (góc trái) của PBV khi tên lửa Hwasong-19 ở ngoài khí quyển hôm 31/10. Ảnh: KCNA

    Michael Duitsman và Sam Lair, hai chuyên gia tại Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí, chỉ ra rằng loạt ảnh về vụ phóng Hwasong-19 đã tiết lộ thông tin mới về chương trình phát triển tên lửa mang nhiều đầu đạn của Bình Nhưỡng.

    Trong bức ảnh dán nhãn "tách tầng đẩy thứ ba", ở góc bên trái dường như là hai ống xả của thiết bị tăng tốc đầu đạn (PBV).

    ICBM hiện đại của Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc đều được trang bị PBV để tăng độ chính xác, cũng như cung cấp nền tảng cho phép mang nhiều đầu đạn, mồi bẫy cùng thiết bị hỗ trợ, giúp tăng hiệu quả xuyên thủng lá chắn tên lửa đối phương.

    Đây dường như là lần đầu Triều Tiên hé lộ hình ảnh về PBV trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, thể hiện Hwasong-19 có thể sở hữu công nghệ MIRV hoàn chỉnh. "Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thử nghiệm để xem các đầu đạn có thể tách tầng và hướng tới những mục tiêu riêng lẻ trong giai đoạn hồi quyển hay không", chuyên gia Kim nhận định.

    Dù vậy, JCS cho rằng Triều Tiên sẽ không thể đánh giá được công nghệ hồi quyển đầu đạn thông qua các vụ phóng ở góc cao, gần như thẳng đứng.

    Triều Tiên đã đạt nhiều bước tiến về công nghệ tên lửa, nhưng dường như vẫn gặp thách thức trong đảm bảo khả năng chịu nhiệt và áp suất cho đầu đạn khi hồi quyển, cũng như cải thiện hệ thống dẫn đường và khả năng xuyên phá lưới phòng thủ đối phương.

    "Mục tiêu quan trọng nhất hiện nay trong chương trình tên lửa của Triều Tiên là sở hữu và hoàn thiện công nghệ hồi quyển, song họ lại liên tục tăng tầm bắn. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng dường như chưa tự tin vào công nghệ hồi quyển của mình", Lee Sangmin, chuyên gia tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nêu quan điểm.

    Tên lửa Hwasong-19 rời bệ phóng hôm 31/10. Ảnh: KCNA

    Tên lửa Hwasong-19 rời bệ phóng hôm 31/10. Ảnh: KCNA

    Một số chuyên gia cho rằng tên lửa và bệ phóng di động có kích thước lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sống sót trong thời chiến. "Các hệ thống ICBM cồng kềnh sẽ bị hạn chế về khu vực triển khai và khả năng cơ động", Lee nói.

    Chuyên gia Chang cũng cho rằng kích cỡ lớn của Hwasong-19 có thể khiến nó bị tình báo Mỹ và Hàn Quốc phát hiện trước khi khai hỏa. "Trong trường hợp xảy ra xung đột, để lộ vị trí như vậy sẽ khiến tổ hợp ICBM trở thành mục tiêu bị đối phương ưu tiên tấn công phủ đầu", ông cho hay.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ten-lua-manh-nhat-the-gioi-co-the-giup-trieu-tien-tang-ran-de-my-4811139.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ