Triều Tiên phóng tên lửa nhằm phản đối kế hoạch tập trận chung giữa Mỹ-Hàn Quốc
Người dân theo dõi qua màn hình vô tuyến hình ảnh tên lửa Triều Tiên được phóng thử nghiệm, tại nhà ga đường sắt ở Seoul ngày 25/7/2019. (Ảnh: AFP)
Ngày 25/7, sau khi Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa tầm ngắn ra Biển Nhật Bản, giới chuyên gia đã bày tỏ lo ngại động thái mới của Bình Nhưỡng sẽ gây khó khăn cho các nỗ lực nối lại cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Mỹ, đồng thời cho rằng động thái này là "thông điệp mạnh mẽ" của Bình Nhưỡng phản đối kế hoạch tập trận chung giữa Mỹ-Hàn Quốc.
Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ sau cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng trước ở biên giới liên Triều.
Hy vọng tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng được mở ra khi hai nhà lãnh đạo nhất trí nối lại cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa ở cấp chuyên viên.
Tuy nhiên, dấu hiệu hai bên bắt đầu các cuộc đàm phán này chưa thực sự rõ nét thì căng thẳng lại có nguy cơ bùng phát khi kế hoạch tiến hành tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Triều Tiên.
Vụ phóng thử tên lửa sáng 25/7 cũng có thể là một yếu tố tiếp sức cho nguy cơ này. Chuyên gia phân tích tại Viện Sejong Cheong Seong-chang nhận định các vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là một "thông điệp mạnh mẽ" và nên được xem là "một phần động thái phản đối của Bình Nhưỡng" đối với cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc.
Lâu nay, Triều Tiên vẫn coi những cuộc diễn tập Mỹ- Hàn Quốc là hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lược quốc gia này khi vẫn có khoảng gần 30.000 lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và lực lượng này vẫn diễn tập hàng năm với hàng chục nghìn binh sỹ Hàn Quốc.
Trong khi đó, các nhà phân tích khác cho rằng cuộc tập trận Mỹ-Hàn Quốc chỉ tạo ra tiền đề để Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình phát triển vũ khí.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc Hong Min cho rằng các vụ phóng tên lửa ngày 25/7 nên được hiểu là một phần trong kế hoạch lớn hơn của chương trình tên lửa tiên tiến Triều Tiên, chứ không chỉ là sự phản đối của Bình Nhưỡng đối với cuộc tập trận sắp tới.
Chuyên gia này cho rằng Triều Tiên từng công bố kế hoạch hiện đại hóa hệ thống quốc phòng, vụ phóng tên lửa này chỉ là một phần của kế hoạch và đã được chuẩn bị từ trước.
Chuyên gia Adam Mount, đến từ Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhìn nhận vụ phóng mới như một dấu hiệu rõ ràng rằng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang được nâng cấp và thử nghiệm theo lộ trình.
Theo chuyên gia này, vấn đề mà Triều Tiên đang cân nhắc hiện nay chỉ là không thử nghiệm các loại đầu đạn hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa để tránh sự phản đối mạnh mẽ hoặc sự ngăn chặn mạnh tay từ Mỹ.
Trong khi đó, cựu đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Kim Hong-kyun cho rằng việc phóng các tên lửa trong bối cảnh các mâu thuẫn về kế hoạch tập trận và Triều Tiên công bố loại tàu ngầm mới, cho thấy Bình Nhưỡng đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng sẽ không có cuộc làm việc cấp chuyên viên nào diễn ra nếu Mỹ không thể hiện một lập trường cởi mở hơn.
Còn cựu quan chức Hải quân Hàn Quốc Kim Dong-yup hiện đang giảng dạy tại Đại học Kyungnam, Seoul, cho rằng các vũ khí mới được thử nghiệm gần giống với những vũ khí được thử nghiệm hồi tháng 5 vừa qua, thể hiện mức độ thách thức thấp hơn so với các loại tên lửa tầm xa nhưng cũng đủ để gây áp lực một cách "ý nhị."
Chuyên gia Harry Kazianis, đến từ Trung tâm Nghiên cứu lợi ích quốc gia tại Washington, cho rằng hiển nhiên Triều Tiên không hài lòng với kế hoạch tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc. Vì vậy, động thái mới trên thực tế có thể dự đoán được và không gây ngạc nhiên.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/vu-trieu-tien-phong-ten-lua-chuyen-gia-danh-gia-an-y-cua-binh-nhuong/584358.vnp