Trải nghiệm nét độc đáo trong văn hóa cà phê phố núi tại Buôn Ma Thuật
Các quán rang sẵn cà phê nhân có tẩm sẵn, khi uống mới xay ra đang được nhiều người lựa chọn
Xem Video: Độc đáo Bảo tàng Thế giới Cà phê tại Buôn Ma Thuột
Ngày nay, cà phê đã có mặt tại hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước, nó trở thành nét văn hóa ẩm thực khá quen thuộc gắn kết mọi người đến gần nhau hơn không phân biệt tầng lớp, giai cấp xã hội.
Gu cà phê “đặc biệt”
Tuy nhiên, có lẽ đi khắp các vùng miền của đất nước không ở đâu có được những giọt cà phê tinh khiết, hội đủ những hương vị thơm ngon đặc biệt như tại Buôn Ma Thuột. Bởi ở đây, không chỉ có riêng cà phê mà hòa quyện trong đó còn là cái nắng, cái gió của núi rừng cao nguyên, hương vị tự nhiên của cỏ cây hoa lá cùng với những giọt mồ hôi mặn chát của chính những người làm ra hạt cà phê… Tất cả đã tạo nên hương vị đặc trưng của cà phê mà những ai đã từng một lần thưởng thức ở thành phố nhỏ này đều khó có thể quên và khi xa rồi vẫn muốn quay lại để được uống nữa.
Người dân Buôn Ma Thuột rất sành về cà phê, cái gu thưởng thức cũng rất đặc biệt, nó trở thành sắc độ văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân nơi đây. Người ta có thể uống cà phê cả ngày: sáng- trưa- chiều- tối, khi buồn, vui, suy tư, căng thẳng hay chỉ vì thói quen không thể bỏ, nhưng không phải loại nào cũng có thể được chấp nhận hoàn toàn. Có người thích uống cà phê đen (có hoặc không nêm đường), có người lại thường xuyên gọi cho mình ly cà phê bỏ thêm chút sữa, nhưng để đáp ứng được cái khẩu vị chung của thực khách nơi đây thì cơ bản nhất vẫn là chất lượng, hương vị của ly cà phê đó. Ngày nay, sự xuất hiện của cách thưởng thức cà phê pha phin, ngồi chờ từng giọt cà phê nhỏ xuống “đếm thời gian trôi” đã không mấy phù hợp với nhịp sống hiện đại. Hầu hết các quán cà phê trên địa bàn Buôn Ma Thuột đã chuyển dần sang cách pha chế sẵn, mỗi khi thực khách đến đều sẵn sàng đưa ra ngay một ly cà phê theo yêu cầu. Đối với người thưởng thức cà phê thì không hề thay đổi khẩu vị của mình, một ly cà phê ngon phải có những hương và vị tự nhiên của hạnh nhân, hoa trái, bơ dầu, mùi đất… vị đắng cà phê phải đắng thanh tự nhiên, không nhẩn, không chát và khét.
Ngoài ra để tạo được thương hiệu riêng, mỗi một doanh nghiệp, cơ sở chế biến thường sở hữu một cách pha chế riêng với bí quyết rang xay riêng để tạo hương vị đặc trưng. Trong lượng cà phê đem rang xay, chủ yếu là cà phê vối, cà phê chè và cà phê mít (sở hữu ba vị chủ đạo đắng, chua, chát), thêm một chút ngô để cà phê khi pha ra có độ sánh của tinh bột. Nhằm tạo vị đậm đà, người ta cho thêm một tí bơ hoặc mỡ gà ngay trước khi rang xong. Để tạo ra sự khác biệt, ngoài caffeine, người ta còn cho thêm một ít vỏ cau khô… để phù hợp với “gu” của các “thượng đế”…
Cách pha chế “đặc biệt”
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột có khoảng trên dưới 600 quán cà phê lớn nhỏ, từ những nơi sang trọng được đầu tư với quy mô lớn đến những quán cóc vỉa hè và ngay cả nhiều quán tạp hóa nhỏ trong ngõ hẻm cũng có bán cà phê. Theo nhận định của nhiều chủ quán cà phê trên địa bàn Buôn Ma Thuột, người dân Buôn Ma Thuột rất sành về cà phê, vì vậy muốn níu giữ khách thường xuyên tới quán thì ngoài không gian, cung cách phục vụ ra thì chất lượng cà phê luôn là được quan tâm hơn cả.
Gặng hỏi mãi, anh bạn chủ quán cà phê trên đường Mai Hắc Đế mới tiết lộ: Để cho ra một ly cà phê thơm ngon với đầy đủ các hương vị thì phải trộn nhiều loại cà phê bột của các hãng khác nhau, ít nhất là 3- 4 loại như cà phê Trung Nguyên trộn lẫn Mêhicô, Thu Thủy và cà phê của một vài hãng khác trên thị trường… Tuy nhiên, tỷ lệ trộn và cách pha chế như thế nào để có được ly cà phê thơm ngon, đáp ứng nhu cầu của thực khách thì đó là bí quyết riêng của mỗi quán và trình độ hiểu biết, Kinh nghiệm nghề mà người pha chế thêm gia vị khác như rượu, đường, mật hay nước mắm nhĩ… để có ly cà phê đặc trưng mỗi quán. Nếu chạy theo lợi nhuận mà làm ẩu hoặc sử dụng các loại hóa chất tạo mùi, màu để pha chế, cho ra những loại cà phê có chất lượng thấp sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Đó là cách giết chết khẩu vị của người thưởng thức, chưa kể những độc hại khác và một khi khách hàng cảm nhận ly cà phê đó không ngon, có mùi vị lạ không giống những hương vị tự nhiên thì sẽ dần bỏ đi, quán sẽ phá sản vì mất khách. Thực tế đã chứng minh, có không ít quán cà phê sau khi mở ra đã bị mất dần khách dẫn đến dẹp bỏ hoặc sang nhượng lại cho chủ khác… Với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đó có phải kể đến việc chạy theo lợi nhuận trước mắt mong thu hồi vốn nhanh mà nhiều chủ quán đã tự đánh mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trong lòng thực khách.
Thời gian gần đây, cơ quan quản lý chất lượng, thanh tra và cả báo chí liên tục phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, chế biến cà phê không bảo đảm chất lượng, không đủ hàm lượng caffeine trong sản phẩm cà phê bột trong đó có địa bàn Đắk Lắk. Điều đó đã làm thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung giảm sút ngay đối với người tiêu dùng trong nước. Từ thực tế đó, với người dân của xứ sở cà phê Buôn Ma Thuột, họ đã trở thành người tiêu dùng thông thái bằng cách mua hạt cà phê nhân về, tự rang, xay và chế để uống.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2684399