Trải nghiệm đạp xe giữa ruộng lúa, tự làm bánh trứng kiến với người Tày
Tuyên Quang nằm ở phía Đông Bắc, nổi tiếng với hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa. 22 dân tộc sinh sống ở đây mang nét văn hóa, bản sắc riêng biệt. Những năm trở lại đây, không chỉ phục vụ khách trong những chuyến tham quan, về nguồn, vùng đất còn mang đến trải nghiệm mới mẻ khi phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa cộng đồng. |
Vùng đất Lâm Bình nằm ở vị trí xa xôi nhất tỉnh Đông Bắc. Điểm đến còn mới mẻ trên bản đồ du lịch Việt này đang đón những đoàn khách phương xa nhờ khai thác tốt loại hình du lịch sinh thái kết hợp cộng đồng. Làng văn hóa Nặm Đíp là một nơi như thế. Du khách không chỉ đến đây để nghỉ ngơi mà còn trải nghiệm chân thực văn hóa của người dân tộc Tày. Cũng từ đây, bạn có thể tham gia hành trình đạp xe tham quan thị trấn Lăng Can, xuyên cánh đồng lúa. |
Xe đạp được homestay chuẩn bị sẵn với đủ kiểu dáng, màu sắc cho khách lựa chọn. |
Đoạn đường chỉ dài chừng 2,5-3 km, du khách di chuyển trong hơn một giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng, tại những vị trí ngắm cảnh đẹp, hướng dẫn viên người địa phương thông báo đoàn dừng lại check-in, thư giãn. |
Du khách đạp xe giữa bầu không khí trong lành, yên tĩnh, hai bên là cánh đồng Làng Chùa xanh rì, trải rộng. |
Thiên nhiên ưu đãi cho Tuyên Quang nhiều tài nguyên, rừng có độ che phủ vào hàng cao nhất nước. Từ cung đường, du khách có thể chiêm ngưỡng sắc xanh của đồi núi đang chìm trong sương sớm. |
Ông Lương Duy Doanh, chủ homestay Nặm Đíp, cho biết khu vực ruộng bậc thang ở đây không quá dốc mà thoai thoải, cung đường uốn lượn như dải lụa xuyên qua mùa lúa vàng, lúa xanh ấn tượng. "Từ đầu năm, tour đạp xe đã có những đoàn khách đầu tiên tham gia. Nhiều người đánh giá cung này thú vị khi vừa được ngắm cảnh, lại rèn luyện sức khỏe, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Tôi tin với tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan còn hoang sơ, mộc mạc, Lâm Bình sẽ thu hút du khách trong thời gian tới", ông Doanh nói với Zing. |
Đoàn du khách đạp xe qua thôn bản bình yên. "Giữa mùa hè, không khí ở đây trong lành, mát mẻ khác hẳn với thành phố nơi tôi đang sinh sống, làm việc", một du khách chia sẻ. |
Trở về homestay, bạn được tham gia làm bánh trứng kiến, bánh dày, ngâm chân lá thuốc... để hiểu hơn về văn hóa cộng đồng. Trong ngôi nhà sàn gỗ truyền thống, chị Trịnh Thị Chính, người làm bánh lâu năm, sắp xếp các nguyên liệu như bột gạo nếp, trứng kiến, lá ngóa (hay còn gọi lá vả) trên bàn rồi hướng dẫn khách các khâu làm bánh. Bánh thường được đặt trong 2-3 lớp lá, gói vuông vức rồi đem đi hấp chín trong chừng một tiếng. |
Để ra thành phẩm cuối cùng, người dân có thể mất cả ngày từ khâu tìm tổ kiến trên rừng, ngâm nếp, xay bột gói bánh rồi hấp chín... Người Tày chỉ lấy trứng của loại kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn, thường sống trên cây măng, nứa. "Thời gian thu hoạch mỗi tổ kiến khoảng 30 phút. Chúng tôi thường đi vào ngày nắng, khô ráo để trứng không dính bùn và phải thao tác phải thật nhanh tránh bị kiến bò lên người, dính nhựa", chị Chính chia sẻ. |
Buổi trưa, đoàn dùng cơm ngay tại nhà sàn. Mâm cỗ Tày tiếp đãi khách bày trên chiếc mẹt tre mộc mạc, mang đặc trưng rừng núi với cá bỗng sông Gâm, trứng tráng rau hôi, da trâu xào măng chua, rau dớn... |
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/dap-xe-giua-ruong-lua-thu-lam-banh-trung-kien-cua-nguoi-tay-post1320133.html