Tôm hùm: Từ món ăn rẻ mạt thành thực phẩm sang chảnh giá bạc triệu
Tôm hùm là loài giáp xác, có vỏ cứng, sống trong môi trường nước mặn. Tôm hùm được cho là loại hải sản giàu dinh dưỡng, chứa nhiều protein, vitamin, phốt pho, kali và các khoáng chất quan trọng khác.
Ngày nay, tôm hùm được coi là món ăn xa xỉ chỉ dành cho giới nhà giàu khi luôn có giá đắt đỏ. Để mua được một con tôm hùm size lớn tại Việt Nam, khách hàng phải chi hàng chục triệu đồng.
Trong các nhà hàng, khách sạn hạng sang, người ta thường để tôm hùm ở vị trí trang trọng nhất của menu. Dưới đôi bàn tay chế biến của những vị đầu bếp tài ba, tôm hùm trở thành món ăn cực phẩm.
Tuy nhiên, ít ai biết, có một quãng thời gian dài, tôm hùm bị coi là rẻ mạt, chỉ làm thức ăn cho người nghèo, thậm chí được sử dụng như phân bón và thức ăn cho gia súc.
Theo những tài liệu ghi chép lại, vào thế kỷ 17, những người dân thuộc địa ở tiểu bang Massachusetts (Mỹ) quan niệm có vỏ tôm hùm ở trong nhà là dấu hiệu của nghèo đói vì thời đó tôm hùm là loại thức ăn chỉ dành cho những người hầu.
Tôm hùm khi ấy trôi dạt đầy rẫy bên bờ biển, có cho cũng chẳng ai lấy. Thời đó, tôm hùm nhiều đến mức chất thành đống trải dọc bờ biển. Những con tôm chết tạo nên mùi hôi thối kinh khủng và khiến người dân nơi đây dần trở nên dị ứng với món tôm hùm.
Vì có số lượng dồi dào nên giá tôm hùm rất rẻ. Tôm hùm trở thành món ăn chỉ sử dụng khi quá đói hoặc dành cho những người dân nghèo thuộc tầng lớp hạ đẳng. Ngày ấy, tôm hùm còn được sử dụng làm mồi câu cá, phân bón hay làm thức ăn chăn nuôi.
Nông dân Mỹ ngày nay vẫn dùng vỏ tôm hùm làm phân bón. (Ảnh: Coast of Maine)
Ở tiểu bang Maine và Massachusetts (Mỹ), tôm hùm còn bị những người lao động chê trong các bản hợp đồng lao động. Những ghi chép trong lịch sử cho thấy rằng nhiều người lao động đã viết các điều khoản trong hợp đồng, yêu cầu không để họ phải ăn tôm hùm quá 2 lần/tuần.
Thậm chí, những công nhân ở thành phố Boston (tiểu bang Massachusetts) đã phải xuống đường biểu tình chống đế quốc Anh vì họ phải ăn món tôm hùm hơn 3 lần mỗi tuần.
Tôm hùm không những không được ưa chuộng mà việc ăn tôm hùm còn bị xem như "hình phạt" dành cho tù nhân mang trọng tội. Các nơi giam giữ cho tù nhân ăn tôm hùm thường xuyên đến mức người ta phải ban hành luật tuyên bố việc phục vụ tôm hùm quá mức là một hành động "tàn nhẫn và bất thường".
Đến những năm 1800, khi thực phẩm đóng hộp trở nên phổ biến và đường sắt phát triển ở Mỹ, tôm hùm được đóng hộp, vận chuyển đến nhiều nơi. Người dân ở những thành phố trung tâm có thể mua tôm hùm đóng hộp giá rẻ.
Hệ thống đường sắt ra đời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông. Người dân Mỹ có thể mua vé tàu tới nghỉ dưỡng tại những thành phố biển. Tôm hùm tươi bỗng thành món ăn yêu thích của nhiều du khách.
Để chiều lòng thực khách, các nhà hàng bắt đầu phục vụ tôm hùm trong thực đơn, sáng tạo những công thức nấu tôm hùm sao cho có hương vị hấp dẫn nhất. Từ thứ hải sản bị coi như đồ bỏ đi, tôm hùm trở thành đặc sản, giá cả tăng vọt vào những năm 1880.
Do sự đánh bắt ngày càng lớn, lượng tôm hùm dần giảm sút vì không đáp ứng được tốc độ gia tăng nhu cầu của thị trường.
Ngày nay, tôm hùm trở thành đặc sản được yêu thích trên toàn thế giới (Ảnh: Báo )
Khi Thế chiến thứ hai nổ ra, tôm hùm được nâng tầm thành cao lương mỹ vị. Ngay cả trong thời chiến, Chính phủ Mỹ cũng không hạn chế thực phẩm này. Vì vậy, giới nhà giàu có thể thưởng thức tôm hùm và những loại hải sản khác thỏa thích.
Dần dần, tôm hùm trở thành đặc sản được yêu thích trên toàn thế giới. Ngày nay, ngay cả khi thị trường đi xuống, nhiều nhà hàng vẫn không thay đổi mức giá cho các món ăn làm từ tôm hùm.
Tại Việt Nam, hiện nay, tôm hùm dù là nuôi trong nước hay nhập khẩu từ Mỹ hay Canada thì đều có giá cả triệu đồng mỗi kg.
Nguyên nhân giá tôm hùm đắt đỏ được cho là do tôm hùm phát triển chậm, ăn nhiều, khi mắc bệnh dễ lây lan và trứng của chúng thì rất khó để nuôi. Hơn nữa, việc giữ tôm hùm sống trong quá trình vận chuyển cũng là một thách thức bởi tôm cần môi trường mát, ẩm và phải có đủ oxy.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3653921