Tôi cho chồng hai lựa chọn, một là thuê người giúp việc, hai là anh phải học làm việc nhà để san sẻ cùng tôi
Sau khi sinh con, tôi ở nhà làm một bà nội trợ toàn thời gian, nhưng vẫn nhận một số công việc nhẹ nhàng để làm thêm. Bởi ngoài con, tôi còn mẹ chồng ốm yếu cần chăm sóc. Ở nhà, làm việc nhà, chăm con, chăm mẹ thì ông xã sẽ yên tâm hơn để đi làm.
Cách đây không lâu, chồng tôi được thăng chức, tăng lương, thu nhập lên tới 50 triệu/tháng. Nhưng, ngay lúc tôi đang đắm chìm trong niềm vui vì sự nghiệp của chồng thăng tiến thì có một chuyện đã khiến tôi choáng váng, bất mãn.
Lúc đó, mẹ chồng bỗng đưa ra yêu cầu rằng, hai vợ chồng tôi tiền ai người nấy tiêu. Tiền lương của chồng tôi phải đưa cho bà quản lý, các hóa đơn chi tiêu trong nhà thì cưa đôi, khi đó bà sẽ đưa tiền cho tôi.
Mẹ chồng làm vậy khác gì đang đề phòng, coi thường tôi, khác gì đang gạt bay mọi đóng góp trước đây của tôi dành cho cái nhà này. Nếu không có tôi chăm lo con cái, nhà cửa, liệu chồng có thể yên tâm làm việc và đạt được thành tựu như ngày hôm nay không?
Chồng tôi im lặng không nói gì, như ngầm tán thành với cách làm của mẹ khiến tôi càng đau lòng, chua chát. Thấy sự kiên định trong ánh mắt và lời nói của mẹ chồng, cuối cùng tôi chọn im lặng chấp nhận yêu cầu của bà.
Nhưng sau ngày hôm đó, tôi không còn dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà nữa mà chỉ chuẩn bị một bữa sáng đơn giản cho tôi và con. Tôi cũng không quanh quẩn trong nhà nơi góc bếp nữa mà ra ngoài tìm việc làm, cơm trưa hay cơm tối đều không nấu, chỉ đi chợ và làm riêng cho hai mẹ con tôi.
- Cô làm vợ, làm dâu cái kiểu gì vậy hả? Tại sao cô không lo cơm nước cho tôi và chồng, không làm việc nhà. Có kiểu con dâu nào như cô không hả? Chồng cô đói bụng thì lấy sức đâu mà đi làm, rồi chẳng nhẽ cô bắt bà già như tôi phải nấu cơm, dọn nhà cho cô à?
Tôi bình thản đáp lời mẹ chồng:
- Chẳng phải con đang làm theo yêu cầu của mẹ đây hay sao? Mẹ nói tiền ai người nấy tiêu, vậy thì con cũng phải ra ngoài kiếm tiền chứ, ở nhà mãi con lấy đâu ra tiền mà đóng góp. Mà đã tiền ai người nấy tiêu thì việc nhà cũng phải chia đều ra, chẳng lý nào con lại phải làm giúp việc không lương.
Mẹ chồng tức nghẹn, nhưng đuối lý nên không dám nói gì. Những ngày sau, bà đành phải tự mình đi chợ rồi tự giặt giũ quần áo của mình và chồng tôi. Đúng như tôi dự đoán, được nửa tháng thì chồng và mẹ chồng tôi hối hận không thôi.
Sau nửa tháng, mẹ chồng bắt đầu thấy hối hận với quyết định trước đó của mình. (Ảnh minh họa)
Cả hai xin lỗi tôi, mong tôi quay về làm một bà nội trợ như ngày xưa. Còn chồng, anh hứa sẽ trân trọng tôi và tiếp tục để tôi quản lý tài chính trong nhà.
Tôi đồng ý tiếp tục làm “tay hòm chìa khóa” trong nhà, nhưng tôi quyết không về làm một bà nội trợ như trước đây. Tôi cho chồng hai lựa chọn, một là thuê giúp việc, hai là anh phải học làm việc nhà để san sẻ cùng tôi.
Bởi sau những gì đã trải qua, tôi nhận ra phụ nữ cũng cần phải có sự nghiệp, cuộc sống của riêng mình. Cứ dựa dẫm và hi sinh hết cho gia đình có thể sẽ đánh mất chính bản thân mình và có khi chẳng nhận được sự tôn trọng của đối phương.
Chồng xót tiền nên đồng ý sẽ học làm việc nhà để san sẻ cùng tôi. Mẹ chồng tuy khó chịu nhưng chẳng dám ý kiến gì.
Ban đầu chân tay anh lóng ngóng, làm hỏng hết cái này đến cái kia nhưng tôi vẫn kiên nhẫn chỉ cho chồng và động viên anh. Dần dần, chồng tôi cũng biết nấu những món đơn giản, thông thạo nhiều việc trong nhà. Đến lúc này, anh mới biết việc nhà chẳng hề đơn giản và càng trân trọng tôi hơn, có trách nhiệm với gia đình hơn.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/tam-su/chong-duoc-thang-chuc-tang-luong-chua-kip-mung-me-chong-dua-ra-mot-de-nghi-nua-thang-sau-ba-hoi-han-c391a571815.html