Tin lời truyền miệng, cha mẹ bỏ lỡ thời gian vàng chữa tự kỷ cho con
Bé Minh, con trai chị Đào, ở Tây Hồ, lên 3 tuổi vẫn chưa biết nói, chưa hiểu hành vi, thường xuyên đập phá đồ chơi, ném bát đũa. Nửa đêm, em thường bật dậy khóc lớn hàng giờ, không thể dỗ, khiến gia đình bất lực. Chị Đào tự an ủi: "Đứa trẻ nào chả quấy, lớn lên sẽ tự ngoan".
Một năm sau, thấy các dấu hiệu bất thường của con không giảm, chị đưa trẻ đi khám, được chẩn đoán mắc tự kỷ. Người mẹ đưa con đưa đến các trung tâm can thiệp để cải thiện. Tuy nhiên, do không đủ kiên trì, nhận thấy con tiến triển chậm nên cứ cách 2-3 tháng, Minh lại được chuyển sang trung can thiệp tâm khác.
Nghe người nhà mách dùng cách treo chân lên cao để máu dồn xuống não, bé sẽ nhanh nhẹn hơn, chị Đào bỏ điều trị, áp dụng theo. Mỗi lần dốc ngược con trai được vài phút, bé quấy khóc, nôn trớ, chị vẫn cố với hy vọng con khỏi bệnh. Gia đình tìm mua một số thực phẩm chức năng bổ não không rõ nguồn gốc, tiêu tốn cả trăm triệu đồng.
Khi trẻ 5 tuổi, các dấu hiệu tăng động ngày càng tăng, buộc gia đình đưa em đến Bệnh viện Nhi trung ương khám. Bác sĩ chẩn đoán tự kỷ mức độ nặng, sử dụng thuốc kèm phương pháp giáo dục can thiệp.
Tương tự, bé Phong, 16 tháng tuổi, gọi không nghe, không giao tiếp bằng mắt, đến năm lên 3 tuổi vẫn chưa biết nói. Gia đình đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, bác sĩ kết luận cháu mắc chứng tự kỷ.
Tuy nhiên, Phong không được điều trị mà gia đình cho đi bấm huyệt, cắt thắng lưỡi theo lời khuyên của người quen. Sau khi nhận thấy khả năng giao tiếp con trai ngày càng mất dần, người mẹ mới tìm các lớp học giáo dục can thiệp. Lúc này, các bác sĩ nhận định việc điều trị khó khăn hơn do bé không được can thiệp sớm.
Một bệnh nhi tại lớp học can thiệp trẻ tự kỷ, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Thúy Quỳnh
Tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD) là một dạng rối loạn thần kinh tồn tại suốt đời, thường được thể hiện ra ngoài trong ba năm đầu đời với các đặc trưng là khó khăn trong tương tác xã hội, giao tiếp, có các hành vi, sở thích và hoạt động lặp lại và hạn hẹp. Tự kỷ là một phổ rộng, có các mức độ từ rất nặng đến rất nhẹ.
Theo Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ, từ 2 đến 7% trẻ em trên thế giới mắc ASD, trẻ trai có tỷ lệ mắc gấp 4 lần trẻ gái. Ở Việt Nam chưa có số liệu chính thức, song theo Tổng cục Thống kê năm 2019, nước ta có 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số), trong đó khoảng một triệu người tự kỷ. Một thống kê của ngành giáo dục năm 2020 cho thấy tự kỷ chiếm 30% số trẻ khuyết tật trong trường học. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định các con số này chưa phản ánh đúng thực tế vì còn rất nhiều trẻ không được chẩn đoán hoặc không được đến trường.
Bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhìn nhận điều trị trẻ tự kỷ có nhiều khó khăn, việc phát hiện, can thiệp sớm (từ 24 đến 36 tháng tuổi) rất quan trọng. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh ở gia đình thường chậm trễ, dẫn đến bỏ lỡ thời gian vàng, hậu quả là hạn chế tác động có lợi của các biện pháp can thiệp và tăng thêm gánh nặng kinh tế, tâm lý cho bố mẹ.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, số trẻ đến khám và điều trị tự kỷ tăng qua từng năm. Mỗi tháng, khoa Tâm thần tiếp nhận khoảng 400-500 trẻ. "Đa số phụ huynh có con tự kỷ đều đau khổ, tuyệt vọng, nhiều người tự đổ lỗi cho bản thân vì không biết cách chăm sóc, sau đó tự tìm hiểu các phương pháp thiếu cơ sở khoa học. Nhiều bé đến viện muộn, mức độ tương đối nặng, mất nhiều thời gian để giáo dục can thiệp", bác sĩ Minh cho hay.
Rối loạn phổ tự kỷ có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, nhưng cũng không ít trường hợp phát triển bình thường cho đến năm 3-4 tuổi mới hình thành triệu chứng, nguyên nhân vẫn chưa được tìm ra.
Một số dấu hiệu dễ nhận biết như giảm tương tác xã hội, có hành vi bất thường như thực hiện hành động rập khuôn, cuốn hút quá mức với tivi, quảng cáo, đi kiễng gót, chạy vòng quanh... Hiện không có xét nghiệm y khoa đặc hiệu nào cho chứng tự kỷ, vì vậy bác sĩ thường đánh giá hành vi của trẻ thông qua các bộ công cụ đã được kiểm nghiệm.
Bác sĩ Minh nhìn nhận trong quá trình can thiệp, gia đình đóng vai trò rất quan trọng, song sự hiểu biết về cách chăm sóc trẻ tự kỷ của nhiều phụ huynh còn hạn chế. Nhiều cha mẹ có tâm lý không chấp nhận hoặc giấu bệnh, không cho trẻ đi khám hoặc đưa đến khám muộn, tự ý sử dụng thực phẩm chức năng hoặc các phương pháp không có cơ sở khoa học, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Hiện chưa có thuốc chữa khỏi tự kỷ, chỉ có thuốc điều trị rối loạn đi kèm như tăng động, hung tính, động kinh. Phương pháp thường áp dụng là giáo dục can thiệp. Ngoài ra, cách sống và cách tổ chức cuộc sống trong gia đình tốt sẽ khuyến khích, nuôi dưỡng sự phát triển những tính cách tích cực ở trẻ.
Khi nghi ngờ trẻ bị tự kỷ, phụ huynh nên đưa con đến bác sĩ, tùy từng mức độ mà các nhà chuyên môn sẽ đưa ra những kế hoạch can thiệp khác nhau, bao gồm cả điều trị bằng thuốc và tâm lý, giáo dục. "Gia đình cần kiên trì đồng hành cùng trẻ vượt qua những thử thách, để các em có thể hòa nhập được với các bạn", bác sĩ nói.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/lo-thoi-gian-vang-chua-tu-ky-do-tin-loi-truyen-mieng-c131a602189.html