Tìm hiểu các loại cây cảnh chứa độc tố nhiều nhà đang trồng, có nguy cơ ngộ độc cho trẻ nhỏ
Nhập viện vì nhai phải lá cây kim tiền được cho là cây "hút" tài lộc
Mới đây, thông tin về trường hợp một bé trai 5 tuổi bị ngộ độc nặng cấp cứu sau khi cắn phải lá cây kim tiền khiến nhiều người lo lắng. Bởi đây là loại cây cảnh được sử dụng rất nhiều tại các văn phòng, gia đình đặc biệt là ở chung cư.
May mắn, gia đình phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu nên không nguy kịch đến tính mạng, hiện bé trai này đã được xuất viện về nhà và sinh hoạt bình thường.
Theo chia sẻ từ phía gia đình, khi cháu đang chơi tại nhà bỗng dưng kêu khóc thảm thiết, bị đau họng và chỉ khóc chứ không nói được. Quan sát xung quanh phát hiện một chiếc lá cây kim tiền gia đình đặt trong nhà đã bị cắn và vứt dưới đất. Khi vào viện cháu bé run rẩy toàn thân, vùng bọng mắt có dấu hiệu bị xuất huyết. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết rất may mắn sau khi cắn cháu bé kịp nhổ ra ngoài, trường hợp nuốt sẽ rất nguy hiểm.
Cây kim tiền được trồng rất nhiều tại các gia đình và văn phòng.
Được biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ bị ngộ độc do ăn phải cây cảnh được trồng trong nhà. Theo các chuyên gia, không chỉ cây kim tiền mà nhiều loại cây có màu sắc sặc sỡ, được các gia đình sử dụng có chứa độc tố, nhưng người dùng không hề hay biết. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với tất cả mọi người, nhất là trẻ nhỏ.
Đối với cây kim tiền, lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, trong đông y, cây kim tiền chưa bao giờ được nhắc đến và chưa có nghiên cứu nào chứng minh dùng để làm vị thuốc sử dụng cho con người. Tuy nhiên, do dễ trồng, tính quang hợp tốt, phù hợp với việc đặt ở không gian nhỏ nên nhiều gia đình sử dụng.
“Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong thân cây, nhất là nhựa cây có chứa loại độc tố nguy hiểm có thể gây chết người, vì thế gia đình có trẻ nhỏ tuyệt đối không nên sử dụng”, lương y Trung chia sẻ.
PGS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa (Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, cây kim tiền có chứ tinh thể canxi oxalate ở cuống và lá, đây là chất gây nguy hiểm với con người. Tuy nhiên, do cây có tác dụng lọc không khí, hút một số độc tố có trong không khí nên được nhiều người sử dụng.
PGS Côn cho biết, canxi oxalat nếu tiếp xúc với da hay các bộ phận như lưỡi, cổ họng, niêm mạc miệng sẽ gây kích ứng tùy vào lượng sử dụng. Theo đó nhẹ thì có thể gây ngứa ngáy, rát họng, nặng sẽ gây nôn nao, khó thở thậm chí co giật, hôn mê và tử vong. Riêng trẻ em có làn da mỏng, dễ kích ứng nên khi dính nhựa cây kim tiền lại càng nguy hiểm.
PGS Côn cũng cho rằng, việc các gia đình có trẻ nhỏ chưa ý thức được sự nguy hiểm của loại cây này tốt nhất phụ huynh không nên trồng trong nhà. Trường hợp trồng cũng nên để xa tầm tay trẻ em.
Không chỉ kim tiền mà nhiều loại cây đẹp mà có độc
Ngoài cây kim tiền, một số loại cây cảnh thường thấy trong gia đình như vạn niên thanh, đỗ quyên, trúc đào… cũng có chứa nhiều độc tố nguy hiểm, trong đó có Andromedotoxin và Arbutin glucoside. Người bệnh khi tiếp xúc với hai chất này sẽ gặp triệu chứng buồn nôn, ói mửa, uể oải, co giật,...
Hồng môn
Cây hồng môn có tên khoa học là Anthurium spp, thuộc họ Araceae (họ Ráy). Theo nghiên cứu của NASA, cây hồng môn thuộc top đầu các loài thực vật có thể lọc khí độc formaldehyde, xylene, toluene, và ammoniac khỏi không khí. Cây rất tốt để trồng trong nhà thanh lọc không khí. Đồng thời cũng mang lại nhiều may mắn cho gia chủ.
Tuy nhiên nếu trong nhà có trẻ nhỏ cần lưu ý không để trẻ ăn phải bất cứ bộ phận nào của cây bởi toàn thân cây Hồng Môn đều có độc tố Calcium oxalate và Asparagine, ăn phải sẽ gây ra bỏng rát họng, dạ dày và ruột.
Trúc đào
Cây trúc đào có tên khoa học là Nerium oleander, họ Apocynaceae. Cây có nhựa màu kem, vàng ngà rồi hóa lục, chứa chất oleandrin (còn gọi là neriolin) với tỷ lệ 0,7 - 1 phần nghìn. Đây là chất có tác dụng trợ tim nếu dùng không đúng liều lượng, vượt quá sẽ gây ngộ độc.
Cây thiết mộc lan
Cây thiết mộc lan là cây phong thủy rất tốt trồng để trừ tà, xua đuổi xui xẻo, mang đến may mắn cho gia đình. Hoa thiết mộc lan nở vào ban đêm, thơm nồng. Cây thường được trồng làm cảnh phổ biến trong nhà nhưng vẫn chứa độc tố. Lá của loại cây này chứa hoạt chất làm tăng tiết nước bọt. Nếu vô tình ăn phải lá cây sẽ có triệu chứng nôn mửa, sốt nặng, rối loạn tiêu hóa.
Vạn niên thanh
Vạn niên thanh có tên khoa học là Dieffenbachia cultivar. Một số tài liệu chỉ ra rằng, độc tố andromedotoxin và arbutin glucosit trong tất cả các bộ phận của cây (nhất là lá) không chỉ gây bỏng rát nếu ăn phải, mà còn có thể khiến lưỡi và toàn thân tê liệt, dẫn đến khó nói chuyện.
Hoa cẩm tú cầu
Hoa cẩm tú cầu rất được nhiều người ưa chuộng bởi vẻ đẹp đặc biệt độc đáo của nó. Hoa có nhiều màu khác nhau và nở thành chùm tròn, dùng trang trí khá cá tính. Cây có tên khoa học là Hydrangea macrophylla. Tuy nhiên, các bạn nữ khi chưng cây này cần cẩn trọng bởi lá và củ cây có chất Hydragin-cyanogenic glycoside gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp.
Cây ngô đồng
Ngô đồng (Jatropha podagrica) còn được gọi là Vạn Linh, Sen Núi, Dầu Lai có củ. Vì cây có hoa lá đẹp, xanh tốt quanh năm và hoa rất bền nên được trồng làm cảnh ở nhiều gia đình. Ngoài thanh lọc không khí và trồng trang trí thì cây còn có thể chữa rụng tóc, lở loét miệng, bệnh ngoài da...
Tuy nhiên, cây ngô đồng có chứa chất Curcin trong thân, củ, lá và đặc biệt là hạt. Chất này có thể gây bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/be-5-tuoi-ngo-doc-vi-can-la-cay-kim-tien-6-loai-cay-canh-chua-doc-nhieu-nha-trong-c131a453726.html