Tiêm kích F-35 Mỹ có thể phóng được tên lửa siêu vượt âm

12:00' 13-04-2024
Tập đoàn Mỹ công bố tên lửa Mako có thể cất trong thân F-35 và là mẫu tên lửa siêu vượt âm đầu tiên phóng được từ tiêm kích này.


    "Với hải quân Mỹ, đây là một hệ thống đa nhiệm có năng lực lớn, khả năng sống sót cao, giá cả phải chăng", Rick Loy, Giám đốc Chương trình Cấp cao thuộc bộ phận Kiểm soát Tên lửa và Hỏa lực của tập đoàn vũ khí Mỹ Lockheed Martin cho biết, khi giới thiệu về tên lửa siêu vượt âm đa nhiệm Mako tại triển lãm hàng hải Sea Air Space 2024 diễn ra tuần này ở Washington, Mỹ.

    Đại diện Lockheed Martin cho biết đây là lần đầu tiên tên lửa Mako được trưng bày công khai kể từ khi quá trình phát triển bắt đầu cách đây 7 năm. Mẫu tên lửa này do Lockheed Martin và CoAspire hợp tác chế tạo, ban đầu được phát triển bằng nguồn tiền nội bộ cho chương trình Vũ khí Tấn công Dự phòng (SiAW) của không quân Mỹ, trước khi giới thiệu cho cả lực lượng hải quân để trang bị cho tiêm kích hạm.

    Tên lửa siêu vượt âm Mako trưng bày tại triển lãm Sea Air Space 2024. Ảnh: Naval News

    Tên lửa siêu vượt âm Mako trưng bày tại triển lãm Sea Air Space 2024. Ảnh: Naval News

    Lockheed Martin cho biết tên lửa Mako có thể được tích hợp với các chiến đấu cơ F-35, F-22, F-15, F-16, F/A-18, và một số máy bay khác. Đây là dòng đạn siêu vượt âm đầu tiên có thể phóng từ mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ.

    Một mô hình tên lửa Mako được trưng bày tại gian hàng của CoAspire ở triển lãm, kèm với video đồ họa máy bay F-35 mang theo quả đạn này. Video cho thấy phi cơ có thể mang tối đa 6 quả Mako, gồm 4 chiếc trên giá treo bên ngoài và hai chiếc bên trong hai khoang vũ khí ở trong thân.

    Hiện không loại vũ khí siêu vượt âm nào đang trong quá trình phát triển của Mỹ có thể nhét vừa khoang vũ khí của tiêm kích F-35 như dòng Mako. Tính năng này giúp mẫu phi cơ có thể sử dụng quả đạn mà không gây ảnh hưởng tới năng lực tàng hình, do treo vũ khí bên ngoài sẽ khiến máy bay dễ bị radar đối phương phát hiện hơn.

    Lockheed Martin và CoAspire chưa tiết lộ nhiều thông tin kỹ thuật về tên lửa Mako, trừ việc nó được trang bị nhiều hệ thống dẫn đường khác nhau và có vận tốc tối thiểu Mach 5 (6.147 km/h). Ông Loy cho biết họ đã kiểm tra độ khớp của quả đạn này về cả phương diện điện tử và trên mô hình vật lý, cũng như trên nhiều loại chiến đấu cơ và máy bay tuần tra biển.

    Tiêm kích F-35 mang tên lửa Mako. Đồ họa: Lockheed Martin

    Tiêm kích F-35 mang tên lửa Mako. Đồ họa: Lockheed Martin

    Mỹ đang gặp khó khăn trong chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm, dù sở hữu năng lực quốc phòng đứng đầu thế giới. Washington đã nhiều lần phóng thử thất bại tên lửa AGM-183A thuộc chương trình Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ Máy bay (ARRW), gần nhất là hồi tháng 3/2023.

    Không quân Mỹ hôm 17/3 tiếp tục phóng thử lần cuối tên lửa AGM-183A tại Thái Bình Dương, song không cho biết có thành công hay không. Lực lượng này chưa yêu cầu thêm ngân sách cho dự án, cũng như không có ý định tiến hành hoạt động nghiên cứu, phát triển nào với AGM-183A trong năm 2025.

    Động thái được cho là nhằm dồn lực cho chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm khác mang tên Tên lửa Hành trình Tấn công Siêu vượt âm (HACM).

    Trong khi đó, Nga đã nhiều lần triển khai tên lửa siêu vượt âm trong cuộc xung đột tại Ukraine, gồm dòng Kinzhal và Zircon, gây nhiều khó khăn cho phòng không đối phương.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Parliament of Victoria - Luba Grigorovitch MP Vùng: Caroline Springs. Phone: 0455 408 206
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-khoe-ten-lua-sieu-vuot-am-co-the-phong-tu-tiem-kich-f-35-4733111.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ