Thúc đẩy tiêm chủng, Trung Quốc răn đe người dân

16:00' 15-04-2021
Khi chiến dịch triển khai vaccine tụt hậu với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc tìm tới từng nhà, thậm chí răn đe để thúc đẩy tiêm chủng.


    Quan chức y tế cộng đồng Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng 40% dân số cho tới hè năm nay. Bằng cách tăng tốc với hơn 4,5 triệu liều mỗi ngày trong tuần qua, 161 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng tính tới hết ngày 9/4, theo Ủy ban Y tế Quốc gia. Our World in Data, dự án theo dõi dữ liệu tiêm chủng của Đại học Oxford cho biết khoảng 11% dân số Trung Quốc đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19.

    Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ còn "chặng đường dài" trước khi đạt miễn dịch cộng đồng, yêu cầu khoảng 80% dân số được tiêm chủng, hoặc so với thành tích khoảng 1/3 dân số đã chủng ngừa của Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC.

    Một điểm tiêm chủng tại bệnh viện ở Hàng Châu cuối tháng 3. Ảnh: AFP.

    Một điểm tiêm chủng tại bệnh viện ở Hàng Châu cuối tháng 3. Ảnh: AFP.

    Một thách thức khác với Trung Quốc để bứt tốc tiêm chủng là hiệu quả thấp của các loại vaccine được sử dụng. Dữ liệu sơ bộ cho thấy các vaccine của Trung Quốc có hiệu quả dao động từ 50-80%. Để tối đa hóa bảo vệ, Bắc Kinh đang cân nhắc điều chỉnh liều lượng, tăng thêm mũi tiêm hoặc thay đổi khoảng cách giữa các lần tiêm, theo Gao Fu, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc.

    Một quan chức cấp cao của Trung Quốc tháng trước nói tiêm chủng là yếu tố nền tảng để khôi phục nền kinh tế thứ hai thế giới, trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo địa phương nhằm thúc đẩy kế hoạch triển khai vaccine. Một trong số chuyên gia y tế cộng đồng hàng đầu Trung Quốc ràng buộc thành công của chiến dịch tiêm chủng với tình yêu nước và an ninh quốc gia.

    Khi động lực tiêm chủng thấp, các ủy ban khu phố, công ty, trường học được ủy quyền mang vaccine tới tận tay người dân thay vì chờ đợi họ đăng ký tiêm chủng. Nhân viên cộng đồng và quản lý khu dân cư kêu gọi người dân và gõ cửa từng nhà, hướng dẫn người cao tuổi đặt lịch tiêm chủng qua điện thoại, phát tờ rơi thông tin, thiết lập trung tâm tiếp nhận thông tin và giải đáp thắc mắc cho người còn hoài nghi vaccine. Hơn chục người nói rằng họ đã được quản lý tòa tòa nhà hoặc nơi làm việc yêu cầu tiêm vaccine nhiều lần.

    Tại thủ đô Bắc Kinh, nhiều cửa hàng, nhà hàng, khu chợ có thể dán giấy chứng nhận xanh ở cửa vào nếu 80% nhân viên của họ đã được tiêm chủng. Nhiều biển hiệu màu đỏ trên phố hay các tin báo trên nền tảng mạng xã hội liên tục nhắc nhở mọi người tiêm chủng.

    Một nửa dân số của thành phố 21,5 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine cho tới đầu tháng 4. Một quan chức y tế địa phương tuần trước cho biết Bắc Kinh đặt mục tiêu tiêm chủng toàn bộ người trưởng thành vào cuối tháng 5.

    Si Weijiang, đối tác của Văn phòng luật DeBund ở Thượng Hải, đăng ký lịch tiêm sau khi cơ quan anh gửi tờ khai đăng ký thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat và được tiêm mũi đầu tiên vào ngày 25/3 tại một phòng tập thể dục được trưng dụng làm địa điểm tiêm chủng.

    "Tôi xem tiêm chủng là nghĩa vụ xã hội của mình", anh nói và thêm rằng nỗi e ngại về an toàn của vaccine đã được xua tan sau khi một số đồng nghiệp và bạn bè tiêm vaccine.

    Chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc có khởi đầu chậm chạp trong năm nay. Khi các nhà sản xuất vaccine bị hạn chế bởi khả năng sản xuất thấp và phải tập trung vào xuất khẩu, Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu dân trước Tết Nguyên đán vào giữa tháng 2. Một số quốc gia khác ở Châu Á - Thái Bình Dương cũng tụt hậu về tiêm chủng so với phần lớn phương Tây, dù thành công kiểm soát Covid-19.

    Vài tháng trước, giới chuyên gia y tế cộng đồng Trung Quốc nhận thấy thực trạng người dân không xem việc tiêm chủng là khẩn cấp. Kết quả khảo sát mà Đại học Bắc Kinh, CDC Trung Quốc và Ủy ban Y tế Quốc gia thu thập từ tháng 3 tới tháng 12 năm ngoái cho thấy có tới 90% trong hơn 2.000 người khảo sát chấp nhận vaccine. Nhưng tỷ lệ người muốn tiêm ngay khi có thể đã giảm từ 58% xuống 23% giữa thời điểm dịch bùng phát mạnh và khi dịch được kiểm soát.

    Theo nghiên cứu trên và một nghiên cứu khác của nhân viên y tế ở tỉnh Chiết Giang, lý do khiến chủ yếu khiến người dân chần chừ với vaccine là vì bất tiện, lo ngại về tính an toàn và cảm thấy nguy cơ lây nhiễm thấp.

    Cả năm loại vaccine mà Trung Quốc phê duyệt đều không nằm trong danh sách sử dụng khẩn cấp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua, đồng thời các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc cũng không công khai dữ liệu chi tiết về hiệu quả của chúng. Những năm gần đây, nhiều bê bối liên quan tới vaccine giả, không hiệu quả hoặc không đủ tiêu chuẩn đã làm hỏng hình ảnh của các nhà sản xuất và phân phối vaccine ở Trung Quốc. Tuy nhiên, gần một nửa người tham gia cuộc khảo sát toàn quốc cho biết họ thích vaccine nội địa hơn nhập ngoại.

    "Có rất nhiều lý do hoặc cái cớ khiến tôi muốn chờ đợi và quan sát tình hình", Simon Zhang, giám đốc marketing của một công ty Italy chuyển tới thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam hồi tháng 2, nói. Anh chỉ ra những lo lắng về hiệu quả của vaccine trước các biến chủng tương lai cùng thời gian bảo vệ ngắn.

    Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học lãnh đạo nhóm chuyên gia Covid-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông trong nước, chỉ ra mối lo ngại khác là Trung Quốc không thể duy trì đóng cửa biên giới hoàn toàn để ngăn Covid-19.

    "Nếu Trung Quốc hoàn toàn mở cửa với thế giới lúc này, điều đó sẽ rất nguy hiểm bởi mọi người chưa có miễn dịch", ông nói.

    Người dân xếp hàng trước một điểm tiêm chủng ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg.

    Người dân xếp hàng trước một điểm tiêm chủng ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg.

    Tới cuối tháng 3, Trung Quốc đã thiết lập 27.000 điểm tiêm chủng vaccine, theo đại diện CDC. Các trung tâm này mở cửa tới tối, trong khi nhiều đội tiêm chủng được huy động tới trường đại học, sở cảnh sát, khu dân cử để cung cấp dịch vụ tận nhà. Một số chính quyền địa phương còn tung ưu đãi, như phiếu giảm giá mua sắm trị giá 7,5 USD hoặc kem và trứng miễn phí, để khuyến khích tiêm chủng.

    Một số biện pháp răn đe đôi khi cũng được áp dụng. Tuần trước, quan chức ở thị trấn Wancheng, tỉnh Hải Nam phải xin lỗi vì dọa cấm người dân tham gia giao thông công cộng nếu từ chối tiêm vaccine, theo Global Times.

    Tại bốn thị trấn biên giới phía tây nam Trung Quốc, tiêm chủng từng được xem là yêu cầu bắt buộc trong một thời gian. Sau khi Ruili ở giáp biên giới Myanmar phong tỏa vì xuất hiện cụm dịch vào cuối tháng 3, chính quyền địa phương đã phát động chiến dịch tiêm chủng kéo dài 5 ngày từ 2/4 đối với 300.000 người. Ngày 6/4, giới chức dừng chiến dịch để chuyển trọng tâm sang xét nghiệm lần hai cho toàn bộ dân.

    Ngoài ra, sản xuất đình trệ ở một số khu vực có thể tiếp tục làm chậm tốc độ chiến dịch tiêm chủng. Một số thành phố đã gia hạn thời gian tiêm mũi thứ hai. Thành phố Hải Khẩu ở tỉnh Hải Nam tuần trước dừng chiến dịch tiêm chủng, ngoại trừ những người làm việc tại Diễn đàn Boao, cuộc họp chính sách thường niên.

    Các nhà sản xuất thậm chí cũng đối mặt tình trạng thiếu lọ thủy tinh để đóng gói vaccine, theo Cui Ernan, nhà phân tích tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics. "Giải quyết vấn đề này và đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay là chuyện khó nhưng không phải là không thể", Ernan nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

địa điểm tổ chức tiệc cưới vô cùng tuyệt vời, hoàn hảo để tổ chức bất kỳ sự kiện nào.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/dan-nghi-ngai-trung-quoc-go-cua-tung-nha-tiem-vaccine-4261396.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ